Biến rác thành 'vàng'
Năm 2001, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận-PNJ gửi đến nhóm anh Cường đơn đặt hàng: thiết kế lò đốt chất thải ngành vàng để phân kim. Việt Nam chưa sản xuất loại lò này, còn sản phẩm tương tự của nước ngoài giá đến 100.000 USD/máy, đó là chưa kể chuyện phải chờ chuyên gia nước ngoài đến giải quyết nếu có sự cố. Trước đây, Công ty PNJ áp dụng cách đốt truyền thống bằng than đá, mất khá nhiều thời gian và lượng khói thải nhiều không những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh mà còn làm thất thoát lượng vàng-bạc đáng kể. Vì vậy, Công ty PNJ đưa ra yêu cầu: tro thu được không sót chất hữu cơ, xử lý khói đầu ra và tỷ lệ vàng-bạc thất thoát giảm đến mức tối thiểu.
Đây thực sự là một thách thức lớn đặt ra cho anh Cường và nhóm cộng sự (Hoàng Duy, Thùy Vân) bởi rác thải ngành vàng rất đa dạng gồm túi lọc máy lạnh, vải đánh bóng vàng-bạc, nước siêu âm, nước lắc-bi... và đòi hỏi sự cân bằng về nhiệt độ đốt. Từng cá nhân trong nhóm lần lượt đưa ra ý tưởng và tiến hành thử nghiệm.
Lò đốt được thiết kế hai buồng, rác được dồn đốt ở buồng sơ cấp sau đó chuyển tiếp qua buồng thứ cấp để đốt cháy hết chất hữu cơ, toàn bộ khí thải được xử lý bằng phương pháp ướt nhằm thu hồi bụi vàng-bạc bay theo khói. Năm 2003, nhóm anh Cường tung ra hệ thống xử lý chất thải ngành vàng đầu tiên ở Việt Nam, đạt công suất 50 kg/ngày với giá 120 triệu đồng/máy. Và chiếc lò này đã đem lại cho Công ty PNJ rất nhiều lợi ích: thời gian đốt nhanh, thu hồi lượng vàng đáng kể trong rác thải; đặc biệt là thu lại số vàng-bạc tương đương hơn 1 tỷ đồng sau khi giải quyết lượng rác tồn đọng hai năm trong kho.
Đến bây giờ, anh Cường và các đồng nghiệp vẫn chưa thấy tận mắt hình dạng chiếc lò đốt chất thải ngành vàng để phân kim của nước ngoài trên thị trường Việt Nam .