Bí mật của nữ du hành vũ trụ Valentina Tereshkova
Tháng 6/1963 cả thế giới nhiệt liệt chào mừng nữ phi công vũ trụ đầu tiên của loài người đã chinh phục đỉnh cao vũ trụ - Bà Valentina Tereshkova. Ngày 14/6/1963, Liên Xô phóng tàu vũ trụ Vostok-5 do phi công vũ trụ Valery Bykovsky điều khiển. Hai ngày sau, ngày 16/6/1963, Valentina Tereshkova bay lên vũ trụ trên con tàu Vostok-6. V.Tereshkova bay vòng quanh trái đất 3 ngày, rồi trở về an toàn khiến mọi người vẫn nghĩ rằng những chuyến bay vũ trụ của thế hệ tàu Vostok đều suôn sẻ.
Bà Valentina Tereshkova cho biết, tàu Vostok-6 xuất phát bình thường như những tàu Vostok khác. Chỉ sau khi đi vào quỹ đạo mới phát hiện ra trong chương trình tự động có điều gì đó không chính xác: Đáng lẽ sau mỗi vòng cần hạ độ cao để dần dần nhích lại gần trái đất, thì ngược lại, con tàu lại bay xa hơn và cứ như vậy thì hiển nhiên Vostok-6 sẽ không thể trở về trái đất. Bà nói: “Tôi đã báo cáo điều đó với Sergei Pavlovich Korolev - Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Tổng công trình sư thiết kế tên lửa và tàu vũ trụ Liên Xô. Nhưng chỉ đến ngày thứ hai người ta mới đưa vào hệ thống điều khiển những số liệu mới, nhờ đó quỹ đạo của con tàu đã được điều chỉnh. Sergei Pavlovich Korolev đề nghị giữ kín việc này. Tôi đã giữ lời hứa. Đến nay thì điều này đã có thể chia sẻ rộng rãi”. Thực ra, trong thời gian đó trên quỹ đạo còn có tàu Vostok-5. Sự cố trên tàu Vostok-6 chính là thí nghiệm đầu tiên để hoàn thiện hệ thống của những con tàu vũ trụ có người điều khiển trong những điều kiện nhiều tàu cùng bay.
Bà Velentina Tereshkova kể lại những cảm giác khi trở lại mặt đất: “Lúc con tàu ra khỏi bệ phóng, một tâm trạng hoang mang bao trùm lấy tôi. Nhìn xuống dưới, một hồ nước mênh mông. Một ý nghĩ thoáng qua: chẳng lẽ tôi sẽ rơi xuống hồ nước này ư. Trong quá trình luyện tập, mọi phi công vũ trụ đều học cách trở về trái đất trên vùng nước. Nhưng sau mấy ngày bay, sợ không còn đủ sức bơi lội trong cái hồ mênh mông này. May quá, lúc đó gần xuống tới mặt đất gió rất mạnh đã đẩy chiếc dù của tôi ra khỏi vùng hồ nước”.
Valentina Tereshkova sinh ngày 6/3/1937 trong một gia đình nông dân ở làng Maslennikovo, huyện Tutaev, tỉnh Yaroslav (cách phía bắc Moskva khoảng 200 km). Ngay từ khi còn nhỏ chị đã mơ ước được bay trên bầu trời, tham gia CLB nhảy dù ở địa phương chị đã hàng trăm lần bay trên không trung điều khiển chiếc dù rơi trúng đích. Đầu những năm 60, Valentina Tereshkova được tuyển chọn vào Đội nữ phi công vũ trụ đầu tiên của Liên Xô. Thời gian học tập và rèn luyện ở thành phố Ngôi sao, ngoại ô Moskva - Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ - thực sự là những năm tháng khổ luyện. V.Tereshkova tâm sự: “Nam giới đã vất vả cực nhọc, song đối với nữ còn khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng, ngày đó trong tâm trí chúng tôi chỉ một ý nghĩ duy nhất là phải nắm thật chắc kiến thức du hành vũ trụ, kỹ thuật điều khiển con tàu và rèn luyện thể lực đáp ứng chuyến bay vũ trụ”. Và bà đã thực hiện được mơ ước, khắc phục được những sự cố, hoàn thành xuất sắc chuyến bay. Sau chuyến bay Valentina Tereshkova tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật, là tác giả của hơn 50 công trình khoa học, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học kỹ thuật, trở thành Giáo sư Học viện Kỹ thuật N.E.Zhykovsky và mang quân hàm Thiếu tướng.
Từ năm 1968, bà Valentina Tereshkova còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, 19 năm liên tục là Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Liên Xô, 5 năm tiếp theo là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị và liên lạc văn hóa với nước ngoài và từ năm 1994 bà lãnh đạo Trung tâm hợp tác khoa học và văn hóa quốc tế trực thuộc Chính phủ Nga.
Vì công lao thực hiện chuyến bay vũ trụ xuất sắc và biểu hiện tinh thần dũng cảm, ngay cuối tháng 6/1963 bà đã được Nhà nước Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin và Huy chương Sao Vàng. Gần nửa thế kỷ hoạt động khoa học và vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, bà còn được phong tặng hàng chục danh hiệu danh dự và huân chương cao quý của Liên Xô và các nước anh em, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1971).