Bí ẩn Nguyễn Phúc Giác Hải
Khổ vì nghiên cứu
Gặp Nguyễn Phúc Giác Hải một lần người ta không thể nào quên. Trái hói, cao và rộng, ánh mắt có thần. Nhưng ấn tượng hơn là niềm hăng say và giọng nói cuốn hút người nghe.
Nguyễn Phúc Giác Hải sinh năm Giáp Tuất, 1934 vào giờ Chính Ngọ. Nhà tử vi học nổi tiếng thời đó là Phạm Ứng Long (tục gọi là Nhì Lùng người Hoa) chính tay lập lá số tử vi cho cậu bé. Cứ theo tử vi mà xét, cậu bé này lắm tài, nhưng bị tuần triệt vào cả hai cung quan và điền. Nhưng còn may ở chỗ “tuần triệt trắc địa”.
Đi học say mê môn vật lý và có ý định theo học ngành này. Ngay khi đang là học sinh đã sáng tác truyện thám hiểm Tây Nguyên. Tưởng tượng ra cuộc chiến sinh tử giữa Voi và Sư tử. Truyện được in. Người bố của bạn đọc và khen, nhưng lại chê… vì Tây Nguyên là gì có … sư tử. Ông nhớ lại, lúc ấy mình rất xấu hổ, quyết tâm lao vào học sinh vật. Bởi thế thi vào Đại học khoa học ngành Lý - Hoá - Vạn, sau đó chuyển sang lớp sinh học Đại học Sư phạm. Dạy sinh học tại Trường Bổ túc công nông trung ương, từng dạy Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng lại tham gia vào tổ tuyên truyền về du hành vũ trụ của GS Tạ Quang Bửu. Rời bục giảng ông về Uỷ ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu về di truyền học, một lĩnh vực mới mẻ, chưa được quan tâm ở nước ta. Năm 1965, trong khi sinh học thời đó còn bị chi phối bởi quan điểm Lưxencô, Nguyễn Phúc Giác Hải đã viết bài bênh vực học thuyết di truyền của Menđen nhân 100 năm học thuyết này ra đời. Rồi năm 1966 ông đề xuất việc thành lập Hội di truyền học Việt Nam, và ông đóng vai trò như tổng thư ký hội đầu tiên.
Những khả năng chữa bệnh kỳ lạ của cụ Trưởng Cần thu hút sự chú ý đặc biệt của ông. Vào thời ấy, chưa thể đặt ra vấn đề nghiên cứu những hiện tượng “phi khoa học” như thế được. Ông bèn lẳng lặng tiến hành tìm hiểu. Tình cờ một quan chức cao cấp nhờ ông đưa đến chữa bệnh có hiệu quả. Vị quan chức này ký giấy cho phép ông tiến hành nghiên cứu. Nguyễn Phúc Giác Hải đưa ra khái niệm và thuật ngữ “Trường sinh học” đầu tiên trong giới khoa học. Công việc tiến triển thuận lợi và đến ngày 30/ 4/ 1974 thì tổ chức quay phim tư liệu. Đùng một cái ngày 19/ 5 trên báo Hà Nội mớiđăng thông báo của Sở Y tế Hà Nội cấm cụ Trưởng Cần hành nghề “mê tín”. Đồng loạt nhiều tờ báo nhảy vào đánh hội đồng. Có một tờ báo đăng bài Lão phù thuỷ và “nhà khoa học”, hàm ý nhà nghiên cứu là một nhà khoa học gà mờ. Bên cạnh đó là sức ép từ nhiều phía, khiến cho GS Hoàng Phương, người cộng tác cùng ông rút lui. Và vị quan chức cao cấp quay lưng lại 180°. Bị đưa ra hội đồng kỷ luật, nếu như ông tự nhận khuyết điểm thì sẽ chỉ bị xử lý phê bình. Nhưng ông khẳng định mình không vi phạm kỷ luật, không vi phạm pháp luật, nên đến giữa năm 1976 người ta buộc ông thôi việc, chỉ cho hưởng một tháng lương.
Ông bảo trong hoạ có phúc. Vì ra khỏi những công việc nghiên cứu trong khuôn khổ cứng nhắc, ông có điều kiện tự do nghiên cứu những gì trực giác mách bảo là có ý nghĩa quan trọng. Mãi đến 14 năm sau, do kiên trì khiếu nại ông mới được trở lại công tác tại Viện Khoa học Việt Nam và chính thức được giao nghiên cứu những khả năng tiềm ẩn của con người theo đúng nguyện vọng của mình.
Tiên tri như một đề tài khoa học
Tuy nhiên việc cơm áo thời bao cấp không phải chuyện đùa. May có người học trò cũ nhờ ông dạy ôn thi đại học môn sinh cho một nhóm con em. Nhưng ông chỉ nhận dạy một lớp đủ sống mà nghiên cứu. Ngày ngày ông miệt mài đến thư viện đọc sách. Sau ngày giải phóng ông có dịp vào TP Hồ Chí Minh sục tìm trong các thư viện các loại sách có liên quan mà ở miền Bắc không có. Một số sách của ông được tái bản, có tiền nhuận bút, ông dành tất cả để mua sách, đặc biệt mua được hai bộ Kinh Dịchcủa Ngô Tất Tố và của Phan Bội Châu. Từ đó ông bước vào nghiên cứu Kinh Dịch và ngộ ra rất nhiều điều.
Khi viết bài tóm tắt lịch pháp và đối chiếu với những trùng hợp ngẫu nhiên trong đời tư của mình, ông nhận ra trong tự nhiên có những chu kỳ bí ẩn. Thế là với niềm say mê vật lý từ ngày còn trẻ, ông say sưa tìm hiểm để giải mã những hằng số vũ trụ. Nguyễn Phúc Giác Hải công bố một loạt bài về mã số vũ trụ và ông tham gia vận động thành lập Hội Thiên văn học Việt Nam và cho đến nay ông vẫn là một thành viên trong Ban chấp hành Hội.
Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục công việc của mình trên cương vị chủ nhiệm bộ môn Dự báo trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà lý học nổi tiếng thế kỷ 15 - 16 của nước ta, Nguyễn Phúc Giác Hải đã đưa ra một số lý giải thú vị về Sấm kýcủa Trạng Trình. Chẳng hạn những đoạn sấm viết về sự ra đời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sự bùng nổ của Cách mạng Tháng 8 – 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hồ Chủ tịch về tiếp quản thủ đô.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra cách đây vừa hơn 500 năm và mất cách đây 420 năm. Lời sấm ứng với thời đại của chúng ta ngày nay là:
Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
(Đất nước Hồng Lam này 500 năm sau sẽ là thời kỳ hưng thịnh ức vạn xuân).
Cũng trong khi nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm ông giật mình gặp trong đó có hai chữ Việt Nam. Thì ra quốc hiệu Việt Nam không phải mãi đến năm 1804 thời nhà Nguyễn mới đặt ra. Thông báo này của ông đã gây bất ngờ cho những nhà sử học “chính thống”. Vấn đề này thôi thúc ông đi đến cùng sự thật. Ông tự bỏ tiền túi lặn lội đi bất cứ nơi nào được mách bảo có bia ký đề hai chữ Việt Nam. Đích thân ông đã tập hợp được 4 tấm bia như vậy. Trong đó tấm bia năm 1670 ở Đồng Đăng có khắc rõ câu: “Đây là cửa ngõ yết hầu Việt Nam trấn giữ ải quan phương Bắc” (dịch nghĩa). Đến nay cộng thêm 7 tấm bia của Viện Hán Nôm tìm thấy đã có 11 tấm bia có chữ Việt Nam. Trong các văn bản, cũng đã tìm thấy Ngô Thì Nhậm từng ghi danh: Việt Nam hậu học Y Doãn Ngô Thì Nhậm. Còn Ngô Thì Vị khi đi sứ Trung Quốc cũng đã đề thơ trên lầu Hoàng Hạc có câu: Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị.
Nhưng ông vẫn muốn tìm cho được một tấm bản đồ đầu tiên có tên Việt Nam. Thì mới đây được biết ở Thư viện Hoàng gia Anh quốc có một tấm bản đồ như vậy, ông đã lặn lội sang tận London. Và quả “trời chẳng phụ lòng”, ông được nhìn tận mắt, sờ tận tay tấm bản đồ viết bằng chữ Hán cổ với bốn màu mực: Việt Nam địa dư đồcủa Sa Khâu Từ Diên Húc (người Trung Quốc) vẽ vào năm 1870, có lời thuyết minh Việt Nam quốc toàn đồ thuật lược.
Theo quy định ở đây tuyệt đối không được phôtô, chụp ảnh tài liệu, nhưng ông đã thuyết phục được cho chụp và in vào đĩa CD. Chiếc đĩa này đang trên đường gửi về, cho đến lúc này ông chưa nhận được. Chắc chắn sau khi nhận được tài liệu ông sẽ cho công bố tấm bản đồ quý báu đó.
Giải thích vì sao ông quan tâm đặc biệt đến vấn đề dự báo và tiên tri, ông cho biết: Đây là một vấn đề bí ẩn lớn nhất của khoa học. Vì sao một nhà ngoại cảm, không dựa vào những quan trắc nào lại có thể biết trước mọi điều sẽ xảy ra trong tương lai. Phải chăng trong vũ trụ đã có chứa một trường thông tin về vấn đề đó? Hiểu biết về vấn đề đó cũng chính là hiểu biết về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, xuân Bính Tuất 2006, tr 30