Bếp tiết kiệm nhiên liệu - Giải pháp bảo vệ môi trường
Từ ngã ba Kim Tràng (xã Việt Lập), hỏi thăm cơ sở sản xuất bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh Thân Xuân Trường, tôi được chỉ dẫn đến xưởng cơ khí nhỏ nằm dưới luỹ tre làng ở thôn 12. Chủ nhân của xưởng cơ khí tất bật làm việc như những công nhân khác. Sinh năm 1977 nhưng nhìn anh già hơn tuổi bởi dấu ấn của những năm tháng vất vả mưu sinh. Anh tâm sự: "Tôi học chưa hết cấp II thì nghỉ ở nhà làm ruộng. Mong muốn thoát nghèo, đầu năm 2003, tôi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia nhưng sang đó không bao lâu lại phải về nước vì sức khoẻ yếu".
Về quê với món nợ 46 triệu đồng vay xuất khẩu lao động, nhiều đêm Trường thức trắng nghĩ cách làm để có tiền trả nợ. Loay hoay mãi mà không tìm được việc làm "ra tấm ra món", được bạn bè giới thiệu, anh vào Sài Gòn học nghề cơ khí rồi đi làm thuê. Tròn một năm xa quê, anh quyết định về làng mở cửa hàng bán khung nhôm, tôn, sắt và vài dụng cụ nông nghiệp khác. Thời gian đầu, công việc sản xuất, kinh doanh khá thuận lợi nhưng về sau nhiều người cùng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Lại nhiều đêm thao thức để rồi đi đến quyết tâm phải làm ra một sản phẩm độc đáo mà người khác chưa có hoặc khó làm theo được. Bao ý tưởng, dự định… nhưng cuối cùng anh chọn bếp tiết kiệm nhiên liệu, một sản phẩm không chỉ giúp vợ chồng anh "ăn nên làm ra" mà còn hữu ích với rất nhiều người. Anh thổ lộ: "Ý tưởng làm bếp tiết kiệm nhiên liệu đến thật tình cờ. Một hôm trời nóng lại mất điện, thấy vợ mồ hôi nhễ nhại dùng nón quạt cho chiếc bếp đun bằng than bùn bén lửa, tôi quyết định sẽ dành thời gian thiết kế một kiểu bếp tiện dụng, tiết kiệm chất đốt để vợ đỡ vất vả khi nấu nướng".
Khi đi sâu tìm hiểu và phác thảo các loại bếp, anh nông dân Thân Xuân Trường mới thấy bếp tiết kiệm nhiên liệu là mặt hàng độc đáo, nếu thiết kế thành công thì không chỉ giúp ích cho gia đình anh mà còn mang lại hiệu quả cho nhiều hộ nông dân khác. Nhiều tháng liền, anh hý hoáy vẽ rồi làm thử, rất nhiều chiếc bếp đã hình thành nhưng không đạt tiêu chuẩn tiết kiệm chất đốt như mong đợi. Nhớ đến những ông "đầu rau" thuở xa xưa được cha ông làm bằng đất nung, Trường nảy ra ý định sử dụng đất chịu nhiệt làm một vanh tròn trên miệng bếp để giữ nhiệt. Mày mò pha chế đất chịu nhiệt và một số nguyên liệu khác, thử đi thử lại, cuối cùng anh đã thành công. Loại đất anh pha chế đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) chứng nhận chịu nhiệt tới 1.300 oC. Đây chính là "bảo bối" khiến bếp của anh làm ra khó bị làm giả. Tháng 4-2008, Trường tung ra thị trường loạt sản phẩm bếp tiết kiệm đầu tiên và nhanh chóng được khách hàng đón nhận.
Đưa cho tôi xem chiếc bếp chứa bao tâm huyết của mình, anh giới thiệu tính năng của từng phần: Chiếc kiềng ba chân làm bằng sắt gắn với phần vanh bếp hình tròn tạo độ vững chắc, cân bằng, an toàn khi sử dụng. Bên ngoài phần vanh là khuôn tôn hình tròn, bên trong là đất chịu nhiệt. Thân bếp hình nón bằng tôn có các cửa hút gió ngược nên ngọn lửa không bị tạt ngang, than, tro không lọt qua thân bếp mà dồn xuống đáy, tiếp tục giữ nhiệt. Với cấu tạo như vậy, chiếc bếp tiết kiệm nhiên liệu do Thân Xuân Trường thiết kế có thể sử dụng nhiều phụ phẩm như củi, rơm, rạ, trấu, vỏ lạc, mùn cưa. Khi dùng không cần bễ thổi hỗ trợ, lửa bén nhanh, ít bụi và tiết kiệm tới 50% lượng chất đốt so với bếp kiềng thông thường. Đặc biệt, chỉ cần nhóm một mồi lửa làm cho vanh đất nóng lên, hấp thụ nhiệt là có thể sử dụng cả những nguyên liệu bị ẩm. Với những ưu điểm nêu trên, việc triển khai nhân rộng bếp đun tiết kiệm nhiên liệu là việc làm cần thiết vừa giúp người dân tiết kiệm được chi phí mua chất đốt và góp phần vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và tiết kiệm năng lượng. Giá bán loại bếp này không cao, tại xưởng chỉ 40-60 nghìn đồng/chiếc nên nhiều gia đình nông dân dễ dàng mua sử dụng.
Đến nay, anh Trường đã cho "ra lò" hơn 10 nghìn chiếc bếp với thương hiệu "Bếp Trường Giang". Thị trường cũng ngày càng mở rộng, trong tỉnh, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và gần đây xuất khẩu sang thị trường nước bạn Lào. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy. Với sản phẩm này, anh được trao giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ IV/2012. Đó là vinh dự lớn với một thanh niên nông thôn không bằng cấp như Thân Xuân Trường, thôi thúc anh tiếp tục tìm những ý tưởng mới trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho mình và giúp ích xã hội.