Bếp than tiện dụng của ông giáo về hưu
Nhìn vào phần trước của ngôi nhà với nhiều vật liệu để làm bếp than, chúng tôi nhận ra đây vừa là nhà ở, vừa là cơ sở sản xuất sản phẩm mà ông đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, sáng tạo. Cả hai ông, bà đều là nhà giáo đã nghỉ hưu. Tiếp chuyện chúng tôi, ông giáo Nguyễn Công Dân cho biết, ông có tất cả là hai nghề: làm nhà giáo và sáng chế bếp than với mục đích phục vụ xã hội và nhân dân, cả hai nghề này đến với ông đều do hoàn cảnh ngẫu nhiên. Năm 1972, chính quyền Sài Gòn ban bố lệnh tổng động viên, ông chọn thi vào ngành sư phạm để trốn quân dịch. Còn nghề sản xuất bếp than là xuất phát từ việc hàng ngày đốt than sưởi ấm cho cha bệnh sốt rét mà nảy sinh ra ý tưởng sáng chế bếp than ít tốn nhiên liệu, có độ sưởi tốt. Từ đó bếp than Công Dân được ra đời… Với việc làm này, bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là: “Kỹ sư hai lúa Công Dân”.
Ông Nguyễn Công Dân đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất và giới thiệu chi tiết, cùng tính năng vượt trội của bếp than này. Thân bếp được cấu tạo hình tròn, làm từ tole inox không sét giữ độ bền và làm tăng giá trị mẫu mã của sản phẩm. Lò chứa than được cấu tạo bằng gốm chịu nhiệt tốt, thích hợp với mọi điều kiện thời tiết. Bộ phận chứa gió, vừa là chân đế của bếp, vừa là bầu hứng gió thổi vào tạo luồng gió xoáy cung cấp đầy đủ oxy để đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu trong bếp tạo rất ít khí độc CO. Bên hông có gắn bộ phận mô-tơ quạt gió để hỗ trợ cấp gió cho lò, tiết kiệm thời gian mồi than (sử dụng điện, bình ắc quy hoặc pin), đồng thời làm tăng giảm độ cháy của than bằng cách thay đổi độ xa gần giữa mô- tơ quạt và cửa lò.
Tính ưu việt của bếp than Công Dân là sử dụng được tất cả các loại than có trên thị trường hoặc củi khô chẻ nhỏ và cả củi trấu. Bếp này còn tận dụng đến 85% năng lượng của nhiên liệu tỏa ra, trong khi bếp than truyền thống lượng nhiệt thất thoát lên đến 70% gây lãng phí. Chỉ cần 200 g than là thực hiện được một buổi nấu ăn cho 5 người trong gia đình…
Ông Công Dân đã đầu tư thiết bị, máy móc tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay đã có trên 2.000 bếp được phân phối đến các đại lý và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh với 3 loại lò lớn nhỏ giá 160.000 đ, 180.000 đ và 220.000 đ, đồng thời ông còn đa dạng hóa mẫu mã, tạo ra các sản phẩm chuyên dụng mới để tạo điều kiện cho chiếc bếp than thoát ra phạm vi nhà bếp có mặt ở các bàn tiệc, quán ăn, nhà hàng, thậm chí được bày bán tại các quầy hàng ở các nơi du lịch.
Nhìn chung, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, giá xăng, dầu, gas chưa ổn định, có lẽ người ta sẽ tìm lại những dụng cụ nhà bếp thích hợp có nhiều tính năng, rẻ, đẹp để sử dụng, thì chiếc “cà ràng” Công Dân sẽ có dịp phát huy khả năng phục vụ vượt trội của mình cho đời sống con người một cách tích cực nhất.