Bệnh viện kỹ thuật số thời hiện đại
Theo những con số do Viện Nghiên cứu y học Mỹ công bố, hằng năm, chỉ riêng tại nước Mỹ, bệnh nhân tử vong ở các bệnh viện do các sai sót trong quá trình điều trị đã lên đến con số 98.000 người, trong đó có 7.000 trường hợp do những vấn đề tương tác thuốc. Hơn bao giờ hết, việc đầu tư các thiết bị y tế phù hợp với công nghệ cao nhằm cải tiến quá trình chẩn đoán và điều trị đã trở thành một vấn đề sinh tử của ngành y tế các nước tiên tiến trên thế giới. Và hình thức bệnh viện kỹ thuật số (KTS) đã ra đời trong điều kiện đó.
Tháng 2-2003, Bệnh viện Tim Indiana của Mỹ được thiết lập, trở thành tên lính tiên phong trên mặt trận y tế. Bệnh viện không có hồ sơ, không có bộ phận y tá theo kiểu truyền thống, muốn biết thông tin về người bệnh đang điều trị tại đây, các nhân viên y tế chỉ cần gõ vào bàn phím của chiếc máy vi tính đặt bên giường họ là có thể nắm được hết mọi tình tiết từ ngày nhập viện đến nay. Những thông tin về người bệnh được cập nhật từng giây thay vì từng giờ hay thậm chí từng ngày như các bệnh viện thường trước đây.
Các yếu tố sau đây là những nét đặc trưng để xác định tính chất của một bệnh viện KTS:
- Tất cả bác sĩ điều trị tại bệnh viện được trang bị loại máy vi tính ""bỏ túi"" có thể liên lạc vô tuyến với mạng lưới thiết bị điện tử toàn bệnh viện. Qua phương tiện hiện đại này, họ có thể ra toa thuốc hay lưu trữ các thông tin y học ở bất cứ nơi đâu.
Các y tá cũng được trang bị laptop (máy tính xách tay) để liên lạc với các bác sĩ, theo dõi những toa thuốc hay chỉ dẫn do các thầy thuốc phổ biến.
- Bệnh viện KTS thiết lập một trang web nội bộ lưu trữ tất cả những hình ảnh ghi nhận được trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Với trang web này, các bác sĩ có thể ngồi một chỗ theo dõi các ảnh chụp bằng tia X, chụp cộng hưởng từ hay CT scanner (chụp cắt lớp) đã thực hiện trong bệnh viện, cho dù họ đang ngồi ở bệnh viện hay ở nhà. Kỹ thuật này giúp cho người thầy thuốc có thể kiểm tra bệnh trạng một bệnh nhân hay hoạt động của một bộ phận trong bệnh viện vào bất cứ lúc nào họ muốn?
- Một nhà thuốc robot được lắp đặt bộ phận đọc toa thuốc, những cánh tay để phát thuốc và treo toa thuốc vào những cái móc trên tường.
- Tại Bệnh viện KTS Hackensack, mỗi phòng của bệnh nhân được trang bị một ti-vi màn hình plasma rộng 37 inch. Ngoài thể thức pay-per-view (xem phim trả tiền), người bệnh có thể nằm tại giường và vào mạng Internet theo dõi bệnh tình của họ và nghe hướng dẫn cách tự chăm sóc khi xuất viện.
- Nhưng có lẽ điểm độc đáo nhất của mô hình bệnh viện KTS là những bác sĩ robot (của Bệnh viện Indiana ) được đặt một cái tên chung là Round. “Bác sĩ” Round cũng được khoác trang phục trắng, đeo ống nghe hẳn hòi, nhưng đầu của Round là một màn hình KTS. Mỗi khi Round đi loanh quanh đây đó trong bệnh viện, một nữ y tá có thể vẫy Round lại, bằng một thao tác nhỏ là có thể liên lạc với vị bác sĩ (bằng xương bằng thịt) mà chị cần gặp, dù cho vị này đang ở trong hay ngoài bệnh viện. Khi đó hình ảnh vị bác sĩ sẽ hiện lên trên màn hình ở đầu ""bác sĩ” robot Round để trao đổi trực tiếp với người nữ y tá những việc cần thiết.
Như vậy, phần cốt lõi của bệnh viện KTS là phần mềm quản lý mạng hoạt động như một hệ thần kinh trung ương của bệnh viện. Các y tá sử dụng laptop nối mạng để theo dõi diễn biến bệnh trạng của những người bệnh dưới sự chăm sóc của họ. Các bác sĩ sử dụng laptop hay máy tính để bàn để ra toa và chuyển đi những chỉ thị cần thiết trong quá trình điều trị. Để xem phim chụp X-quang của một bệnh nhân nào, họ chỉ cần gõ vào bàn phím máy tính và nhìn kết quả dưới dạng ảnh ba chiều. Khi cần trao đổi vấn đề nào đó với các nhân viên y tế thuộc quyền, các thầy thuốc sẽ thông qua các ""bác sĩ” Round (robot) đang di chuyển khắp bệnh viện. Lúc đó, máy tính sẽ chuyển hình ảnh ông ta vào màn hình gắn trên cổ ""bác sĩ” Round để câu chuyện được diễn ra như với hai người đối diện nhau.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế thế giới, bệnh viện KTS là mô hình chăm sóc y tế tốt đẹp của tương lai. Chúng có thể làm giảm đến 80% những sai sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế. Để thực hiện hiệu quả phương án này, cần đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ. Chỉ tính riêng ở Mỹ, trong năm 2005, nhà nước phải chi 30 tỉ USD cho công nghệ thông tin ứng dụng trong bệnh viện. Tuy nhiên, những thuận lợi của mô hình bệnh viện này dù không thể định lượng được nhưng thật to lớn.
Nguồn: nld.com.vn 23/11/2005