Bệnh sẹo đen khoai lang
Bệnh sẹo đen khoai lang là một bệnh phá hại ở rễ và củ, không những làm giảm năng suất, phẩm chất củ mà độc tố của nấm trong củ bệnh còn gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm khi sử dụng củ nhiễm bệnh. Bệnh phổ biến ở một số nước vùng Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở nước ta bệnh sẹo đen là một trong những đối tượng kiểm dịch đối ngoại nhóm 2.
Đặc điểm, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Bệnh gây hại chủ yếu ở rễ và củ. Ngoài ra còn có thể gây hại ở mầm và thân cây. Vết bệnh hình bầu dục hoặc hình tròn. Lúc đầu xanh đen sau đó chuyển sang màu xám đen. Vết bệnh hơi bị lõm vào phần mô cây, mùi hôi, có trường hợp ủng nước, vị đắng, đường kính vết bệnh dao động từ 1 đến 4cm, lõm sâu vào từ 0,5 đến 1cm. Trên bề mặt vết bệnh có nhiều chấm đen nhỏ, đó là quả thể bầu của nấm, đặc điểm này giúp phân biệt triệu chứng bệnh được dễ dàng hơn. Nấm gây bệnh sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 23-28°C, nhiệt độ tối thiểu 9-10°C, tối đa 34,5-36°C.
Nguồn nấm bệnh có thể tồn tại ở nhiều vị trí như: Tàn dư cây bệnh, trong đất, nơi bảo quản khoai, dụng cụ chăm bón, nguồn nước tưới…Hậu bào tử và bào tử hữu tính của nấm có thể tồn tại 3-5 tháng trong điều kiện khô ráo. Trong điều kiện tự nhiên nấm bệnh nằm sâu 7-9mm trong tầng đất vẫn có thể giữ sức sống tới 30 tháng hoặc lâu hơn nữa.
Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh
Bệnh sẹo đen phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều hoặc đất trồng quá ẩm ướt kết hợp với nhiệt độ từ 25 đến 28°C. Ở điều kiện nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao (trên 32°C), quá trình xâm nhiễm của nấm khó khăn, bệnh phát triển chậm, khoai lang trồng đất có kết cấu kém, khó thoát nước, độ ẩm cao hoặc mưa nhiều, nhiệt độ 17-28°C đều là điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại nặng. Củ khoai mang mầm bệnh được bảo quản nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nhiệt độ trong quá trình bảo quản 20-28°C thì vết bệnh phát triển nhanh dẫn đến hiện tượng thối củ hoàn toàn.
Biện pháp phòng trừ
Để phòng trừ có hiệu quả bệnh sẹo đen cần tập trung vào biện pháp chọn lọc, vệ sinh và sử dụng thuốc hoá học. Biện pháp chọn giống chống bệnh còn rất ít được nghiên cứu. Khi tiến hành phòng trừ bệnh cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau đây:
- Chọn lọc mầm củ hoặc dây khoai sạch bệnh:Vật liệu trồng có thể là mầm hoặc dây khoai, cần tiến hành kiểm tra khoai bị bệnh để tránh sự phát sinh ban đầu của bệnh. Ở những nơi sản xuất giống từ củ cần tiến hành xử lý đất để tiêu diệt nguồn bệnh. Không nên chọn ruộng sản xuất giống từ những vùng trồng khoai lang nhiều vụ trước đó. Khi cắt dây khoai lang để trồng cần cắt phần dây cách mặt đất ít nhất 5cm.
Khi xuất hiện bệnh đầu tiên ở vườn giống và ruộng sản xuất có thể sử dụng Thiabendazole là loại thuốc đặc hiệu đối với nấm gây bệnh. Ở vườn giống hoặc trong kho bảo quản cũ có thể sử dụng Methyl bromide để tiêu diệt nguồn bệnh bằng cách xử lý đất hoặc phun thuốc ở nơi bảo quản.
- Ngay sau khi thu hoạch củ khoai, giữ lô củ ở nhiệt độ 32-35°C và độ ẩm 85-90% trong 5-10 ngày sẽ có tác dụng hạn chế rất lớn tới bệnh của các củ có vết thương xây xát hoặc vết cắt trong quá trình thu hoạch.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 87 (1805), ngày 31/10/2005, trang 10