Bệnh nứt thân chảy nhựa ở dưa hấu
Triệu chứng và sự lây lan của bệnh
Biểu hiện của bệnh là các đốn thâm, nâu đen trên lá (cả lá mầm và lá thật). Từ mép lá, đốm bệnh lớn và lan rộng tới cuống lá, làm lá héo không thể hồi phục. Sau đó bệnh tiếp tục phát triển theo cuống lá tới thân cây và tạo ra vết nứt dọc thân. Từ vết nứt có nhựa chảy ra, đông keo lại với màu nâu.
Trong trường hợp như vậy, nếu thời tiết có mưa nhẹ, độ ẩm cao thì tỷ lệ cây con chết khá cao, có khi tới 20-25%. Nếu thời tiết khô, bệnh phát triển chậm hơn. Cây dưa vẫn sinh trưởng, song bệnh lại xâm nhiễm sang các lá thật và lan xuống thân hoặc nhánh của cây, gây ra các vết nứt. Nếu không có các biện pháp phòng trừ để ngăn chặn thì bệnh vẫn tiếp tục xâm nhiễm cho tới khi ruộng dưa ra hoa, đậu quả và tất nhiên gây thất thu năng suất quả khá lớn, có khi tới 15-18%, thậm chí ở một số nơi con số đó còn cao hơn.
Nấm Didymella bryoniae xâm nhiễm vào tổ chức mô non của lá dưa hấu và tản nấm gồm nhiều sợi mảnh, không màu, có nhiều vách ngăn. Các sợi nấm phát triển trong tổ chức mô cây và tạo ra các đốm bệnh trên lá và vết nứt trên thân, nhánh. Khi mô cây bị bệnh chết, nấm sản sinh ra các quả cánh hình cấu nhỏ li ti, màu đen. Các quả cành có một lỗ nhỏ để các bào tử phân chia thoát ra và lây lan gây bệnh.
Các vụ dưa hấu ở nước ta, nhìn chung, đều nằm trong phạm vi thời tiết tương đối thuận lợi cho nấm D.bryoniae phát sinh gây bệnh. Đặc biệt, trong vụ dưa hấu đầu năm ở miền Bắc, từ Thừa Thiên Huế đến Lạng Sơn, tỷ lệ bệnh tới 12-14% số cây bị bệnh và năng suất thất thu 3-7%. Các hộ trồng dưa hấu có nhận xét chung là diện tích dưa hấu nào cỏ dại nhiều, đất thường ẩm ướt, bòn nhiều phân đạm thì bệnh thường nặng hơn.
Biện pháp phòng trừ
- Chọn đất phù hợp để trồng dưa hấu như đất cát pha, dễ tiêu thoát nước không bị ngập úng khi mưa to.
- Không trồng dưa hấu liên tục 3-4 vụ trên cùng một diện tích, không trồng dưa hấu sau các cây thuộc nhóm bầu bí khác.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để trồng dưa hấu như phủ nilông trên mặt luống, ghép dưa hấu trên cây bầu bí (bí đỏ…).
- Vệ sinh triệt để các cây, cỏ dại trước khi gieo hạt và luôn giữ ruộng dưa sạch cỏ dại.
- Theo dõi để phát hiện sớm bệnh ngay từ khi cây dưa hấu có lá mầm. Phun một trong các loại thuốc như Binhnavil 50SC pha 0,1 - 0,15%, hoặc Tofsin M70WP pha 0,02%.
Nguồn: KH & ĐS, số 19 (1841), 6/3/2006