Bệnh loét da quăn tai ở bò
Ở nước ta, bệnh đã xảy ra ở nhiều vùng, thường phát lẻ tẻ từng con một trong đàn gia súc. Thường thấy bò non mắc nhiều hơn và là loài cảm thụ bệnh nhiều hơn trâu. Các loài khác như dê, cừu, ngựa, lợn cũng có thể mắc bệnh nhưng ít.
Đường lây lan và cơ chế lây bệnh
Đường xâm nhập và cơ chế gây bệnh của virus vào cơ thể gia súc chưa được nghiên cứu cụ thể. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hoá hoặc hô hấp.
Bệnh hay tái phát hằng năm ở những ổ dịch cũ vào mùa nóng ẩm hay lúc thời tiết giao thời. Trong điều kiện chăn nuôi thiếu vệ sinh, chế độ nuôi dưỡng chăm sóc kém hoặc gia súc đang mắc các bệnh khác là điều kiện để bệnh phát ra.
Triệu chứng lâm sàng
Thời gian nung bệnh từ 10-15 ngày, có khi đến vài tháng. Bệnh tiến triển theo 3 thể: quá cấp tính, cấp tính và thể nhẹ.
Thể cấp tính
Gia súc ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Con vật sốt 40-41°C theo từng cơn, bò ủ rũ, thở nhanh, bỏ ăn hoặc ăn kém, ngừng nhai lại, lông dựng đứng, nằm một chỗ run rẩy, chảy dãi, phân táo, đi tiểu khó khăn, lượng nước tiểu ít, màu đỏ sẫm. Sau đó bệnh chuyển hướng về một cơ quan, bộ phận nào đó với triệu chứng cục bộ hoặc triệu chứng kết hợp như sau.
- Ở bộ máy hô hấp: Con vật khó thở, nước mũi trong, rồi chuyển sang nhờn có lẫn mủ và những mảnh thượng bì, màng giả. Niêm mạc hai lỗ mũi sưng to, đỏ tía, loét ra, chảy máu lẫn mủ, mùi hôi thối khó chịu. Bệnh có thể tiến triển đến viêm cuống phổi, phổi có màng giả.
- Ở mắt:Kết mạc mắt viêm màu đỏ tía, có chất nhờn và mủ chảy ra, mắt sưng, nửa nhắm nửa mở, con vật sợ ánh sáng hoặc chỉ có viêm giác mạc mà không có các triệu chứng trên. Giác mạc sưng lên, đục, màu trắng ngà (mắt có cùi nhãn). Trường hợp nặng, mủ gây mù cho con vật.
- Ở trên da:Đây là triệu chứng hay gặp ở nước ta. Một số con xuất hiện, những mụn đỏ đường kính 5-6mm ở cổ, lưng, hông,… hoặc toàn thân. Mụn đỏ tróc da nhanh chóng, màu đỏ tía, không chảy nước, không thủy thũng xung quanh. Có thể xuất hiện những mảng da hoại tử, mảng da thối ở những vùng khác nhau của cơ thể bò và thường có giới hạn rõ ràng.
Con vật viêm da nặng và đau, rồi chảy nước hoặc lẫn cả mủ. Da rụng từng mảng to, móng con có thể rụng đi. Ở tai những chỗ thành sẹo co rúm lại làm vành tai uốn cong. Tai quăn là bệnh tích đặc trưng của bệnh ở nước ta, nên còn gọi là bệnh thối mũi tai quăn.
Một số trường hợp khác, sau khoảng một tuần bị bệnh, lông rụng thành từng đám bằng lòng bàn tay có khi bằng cả cái mũi, chỗ loét đỏ bầm, không chảy nước. Da có thể thuỷ thũng và nhăn nheo.
Tóm lại, dù bệnh ở chỗ nào trên da cũng gây cho con vật đau đớn, cứng mình, nhất là ở sừng, móng của con vật.
- Ở bộ máy tiêu hoá:Niêm mạc miệng có những nốt tụ máu ở lợi, trên và dưới lưỡi…phủ bựa xám, rồi thối nát thành màng bong ra, để lại những mụn loét, to nhỏ khác nhau. Con vật tỏ ra đau đớn mỗi khi nuốt hay cử động lưỡi, môi. Nước dãi chảy lẫn máu và những mảnh thượng bì có màu củ nâu. Có thể có cả triệu chứng viêm ruột có màng giả hay mun loét, phân thối lẫn mảnh vụn thượng bì của ruột.
- Ở các cơ quan khác:Có những con run rẩy, co giật khi bị động kinh hay hốt hoảng bất an ở trạng thái điên rồ, chân luôn đá, nhấc lên bỏ xuống, khi gần chết gia súc thường liệt nửa thân dưới, bai liệt hẳn hai chân sau.
Con vật đi đái ít, nước tiểu có lẫn máu và mủ. Có thể viêm niệu đạo, bàng quang, thận, âm đạo hay viêm tử cung. Ở thể nặng, có thể gây sảy thai.
Thể quá cấp tính
Triệu chứng như thể cấp tính nhưng tiến triển nhanh hơn. Bệnh tiến triển 1-2 ngày, gia súc chết 100%. Ở gia súc trưởng thành, bệnh kéo dài 3-5 ngày và chết 95% gia súc mắc bệnh.
Thể nhẹ
Đây là thể thường thấy ở nước ta, mặc dù lúc đầu triệu chứng dữ dội như thể cấp tính, nhưng những triệu chứng ngoài da trở thành triệu chứng chính. Thể này bệnh kéo dài tới 1-2 ngày và con vật thường tự khỏi bệnh.
Điều trị
Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Chỉ điều trị triệu chứng nhằm tăng cường sức đề kháng và chống hiện tượng bội nhiễm vi khuẩn kế phát bằng cách:
-Truyền nước sinh lý mặn 3-5lít/con/ngày. Pha thêm 200-300ml canxi clorua, dung dịch 10% trong 3 ngày liền.
-Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh sau: Ampicillin: 15mg/kg thể trọng /ngày, Norfloxacin: 7mg/kg thể trọng/ngày. Tiêm liên tục trong 3-5 ngày.
Tại những chỗ bị loét da, rửa sạch bằng các loại thuốc sát trùng như: Thuốc tím 0,5% nước oxy già 0,4%, Rivannol 0,1%... Sau đó dùng vải gạc vô trùng, thấm khô và rắc bột than thuốc nam (như xử lý viêm da ở lợn) hoặc dùng bột tetracyclin rắc vào vết thương.
Phòng bệnh:Không cho gia súc khoẻ tiếp xúc với gia súc ốm, cách ly để điều trị, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, tăng cường khâu nuôi dưỡng, chăm sóc, đảm bảo công tác vệ sinh thú y.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 86 (1804), ngày 28/10/2005.