Bệ phóng khoa học của một tiến sĩ trẻ
Từ tiến sĩ chế biến thịt gà hun khói...
Lê Thanh Hưng sinh năm 1975 tại TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp THPT năm 1992, anh là một trong những sinh viên Việt Nam được sang Nga du học theo học bổng của Vinamilk đợt đầu tiên, tài trợ cho những học sinh Việt Nam theo học về công nghệ thực phẩm tại Trường Công nghệ sinh học và ứng dụng Matxcơva - Liên Bang Nga. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ năm 1999, Hưng tiếp tục học chuyên sâu về các sản phẩm thịt, sữa, cá và các sản phẩm đông lạnh. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành trong năm 2003.
Sau khi giành được học vị tiến sĩ sau 11 năm xa Tổ quốc, Hưng xin trở về nước ngay, dù lúc này anh đang có nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty nước ngoài tại Nga.
Cuối năm 2003, TS Lê Thanh Hưng trở về Việt Nam và anh đã chọn bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh để đầu quân. Buổi đầu, Hưng phải chấp nhận chế độ thử việc. Nhiều người khuyên anh nên ra ngoài làm cho các công ty tư nhân, nhưng anh vẫn chấp nhận ở lại thử việc, bởi vì anh luôn mơ ước được truyền các kiến thức đã học được của mình cho các bạn trẻ. Ước muốn được thử thách và rèn luyện trong môi trường mới này đã khiến anh chấp nhận làm việc sáu tháng không lương.
Khoảng thời gian này, để có thu nhập, anh phải cộng tác thêm với Công ty Sao Việt. Công việc bước đầu của anh là đến các hội chợ hàng tiêu dùng để tìm hiểu ý kiến của khách hàng về sản phẩm của công ty và viết những báo cáo cùng những đề xuất cho sự thay đổi sản phẩm.
Bước đầu làm quen với thị trường Việt Nam, vị tiến sĩ trẻ này cảm thấy có thể dùng ngay những kiến thức về công nghệ thực phẩm của mình, nhất là những kiến thức về phụ gia, phụ liệu để chế tạo những sản phẩm giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có những món ăn ngon hơn. Vì vậy anh đã liên kết với Công ty Sao Việt tạo ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước. Nổi bật nhất trong các sản phẩm để chinh phục thị trường Việt của anh là thịt gà xông khói chấm muối tiêu. Sản phẩm khi ra đời được người tiêu dùng ưa thích, được khá nhiều siêu thị đặt hàng. Thế nhưng thật xui xẻo, công việc đang suôn sẻ thì xảy ra dịch cúm gà? Với quan niệm "bán cho người ta cái họ cần, chứ không phải cái mình có", anh đành bỏ ngang sản phẩm mới này mà chuyển sang nghiên cứu các lĩnh vực khác, nổi bật là các loại xúc xích, thịt cá giăm-bông (jambon)...
... đến một nghiên cứu có nhiều triển vọng
Ngưng kế hoạch sản xuất gà hun khói, Hưng chuyển sang thực hiện dự án " Nghiên cứu thu nhận dung dịch bảo quản thay thế hàn the trong chế biến thực phẩm". Đây là công trình nghiên cứu các chất phụ gia thực phẩm làm bằng công nghệ sinh học, hay còn gọi là chế phẩm sinh học, được chiết xuất từ tự nhiên giúp bảo quản thực phẩm ngon hơn. Đặc biệt sản phẩm có độ giòn, dai nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Công trình này được Hưng thực hiện cùng thầy Phạm Thanh Hồ, Trưởng bộ môn Vi sinh, Viện Vệ sinh Y tế công cộng.
Về lý do chọn đề tài này, Hưng cho biết: "Trong những năm gần đây hàn the bị các tổ chức quốc tế không cho phép sử dụng trong thực phẩm vì ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ở các nước tiên tiến đang có khuynh hướng không sử dụng phụ gia trong một số sản phẩm thực phẩm và nhiệt độ là một phương pháp được sử dụng để bảo quản. Để làm được điều này, đòi hỏi cơ sở sản xuất cũng như nhà phân phối sản phẩm phải đầu tư thiết bị hiện đại. Thế nhưng đối với các cơ sở sản xuất nhỏ trong nước, sản phẩm chỉ phục vụ cho người có thu nhập thấp, họ buộc phải sử dụng phụ gia trong bảo quản. Vì vậy cần có một dung dịch bảo quản nhằm thay thế hàn the trong nước, hạ giá thành sản phẩm, góp phần khắc phục tình trạng tăng giá thành của sản phẩm do phải sử dụng chế phẩm ngoại nhập.
Qua nghiên cứu, Hưng đã có sáng kiến phối trộn hai muối hóa học sodium lactate và sodium acetate tinh tạo dung dịch bảo quản. Trong đó, sodium lactate và sodium acetate được sử dụng theo quy định cho phép của các tổ chức quốc tế đối với các sản phẩm để lạnh, sản phẩm ăn liền, thịt chế biến và chưa chế biến là sodium lactate ở mức 8% của dung dịch 60% và sodium acetate là 4%.
Nghiên cứu của Hưng đã mở ra rất nhiều triển vọng cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam . Vì vậy, đề tài đã được Hội đồng khoa học Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trung tâm khoa học công nghệ Trẻ -Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh chọn làm đề tài Vườn ươm 2005-2006, tài trợ kinh phí để tác giả hoàn thiện chuyển giao trong sản xuất.
Hiện nay, ngoài việc làm giảng viên và nghiên cứu khoa học tại bộ môn Vi sinh - Khoa Sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Hưng còn có niềm say mê lớn là chơi dù lượn. Anh là thành viên của CLB dù lượn VIETWINGS do phi công Phạm Thăng Long - một trong 2 phi công được sang Canada học về lái máy bay của dự án VAM1 - sản xuất máy bay nhẹ của Việt Nam, hướng dẫn. Hàng tuần, Hưng cùng các thành viên đến những vùng đất cao như Phan Thiết, Đà Lạt, Tây Ninh... để thực hiện những chuyến bay này.
Hưng tâm sự: Niềm đam mê lớn của bản thân là nghiên cứu về hàng không và vũ trụ. Công việc làm khoa học, Hưng quan niệm cũng giống như việc phóng con tàu vũ trụ. Con tàu vũ trụ có bệ phóng tốt thì sẽ phóng cao. Vì vậy hiện tại trong khoa học, Hưng cũng đang xây dựng bệ phóng của mình một cách cẩn thận, bảo đảm phải chính xác và luôn tới đích nhanh nhất...
Nguồn: nhandan.com.vn 5/10/2005