Báo chí phải “chuyển mình” trước sự phát triển của mạng xã hội
Báo chí có lịch sử tới 500 năm, nhưng 10 năm trở lại đây, nó đã gặp một đối thủ đáng gờm và đang tỏ ra thắng thế: Mạng xã hội – Social Media. “Cuộc chiến” giữa hai thực thể của xã hội này vừa đấu tranh, vừa hợp tác.
Thực tế, báo chí đôi khi tỏ ra lúng túng và đi sau mạng xã hội rất nhiều. Mạng xã hội tranh mất bạn đọc, tranh mất quảng cáo, nhưng bù lại, mạng xã hội lại trở thành nguồn tin, thành đối tác hỗ trợ báo chí lan tỏa, là công cụ để đo đếm uy tín của báo chí đối với xã hội. Đối với báo điện tử, mạng xã hội là nhà phát hành phi lợi nhuận khi những tin bài được chia sẻ (share) trên các trang cá nhân.
LHHVN gặp mặt các cơ quan báo chí trong hệ thống nhân kỉ niệm 96 năm ngày BCCMVN 21/6/1925 – 21/6/2021)
Mất độc quyền
Trước đây, việc xuất bản tin tức là độc quyền của báo chí. Độc giả chỉ tìm được tin tức mình cần và “bị” báo chí “đập” cả những tin tức không cần thiết vào đôi mắt. Nhưng với sự ra đời của mạng xã hội, báo chí đã mất sự độc quyền này.
Với trang cá nhân, mỗi người đều là Giám đốc, là Tổng biên tập của “cơ quan truyền thông cá nhân”. Sự đang dạng thông tin, khả năng xuất bản nhanh, không bị giới hạn phạm vi… của những trang cá nhân là một thực tế. Khi Facebook tích hợp tiện ích “tường thuật trực tiếp” thì địa hạt tưởng chừng là độc quyền của truyền hình cũng bị phá vỡ. Từng giây phút của cuộc sống, của các sự kiện “hot” đều được các Facebooker ghi lại, truyền tải, mang đến sự hứng khởi tức thì cho độc giả.
Báo chí sẽ làm gì với mạng xã hội? Đấu tranh sinh tồn hay sống hòa bình, hợp tác? Nếu đấu tranh, ai sẽ thắng, kẻ nào sẽ bại. Câu trả lời chắc hẳn mọi người đã có giải đáp khi nhìn vào thực tế của mạng xã hội hiện nay.
Tiếp lửa cho khủng hoảng truyền thông
Mạng xã hội, đôi khi còn gây ra những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn hơn cả báo chí và việc xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội đôi khi là vô phương. Xử lý khủng hoảng truyền thông với báo chí dường như đã có cách thức và đôi khi là những cách thức hành chính. Nhưng rõ ràng đối với mạng xã hội, những cách thức truyền thống không còn tác dụng mạnh. Điều đó thực tế đã chứng minh. Bởi ở một góc độ nào đó, một cuộc khủng hoảng truyền thông ở báo chí sẽ được tiếp lửa bởi mạng xã hội.
Khủng hoảng truyền thông, theo cách hiểu của đại đa số, chỉ xảy ra với các tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng thực tế, những cá nhân của doanh nghiệp, của tổ chức ấy mới là nạn nhân hiện hữu. Vụ Tân Hiệp Phát với chai nước có ruồi, vụ kênh kiệu phạt 5 triệu ở An Giang, vụ Vinastas với nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng cho phép… là những ví dụ tiêu biểu. Cuộc khủng hoảng truyền thông đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của những cá nhân liên quan, cầm trịch khi mạng xã hội lan tỏa những vấn đề tiềm ẩn.
Những vụ việc như “Nữ tài xế nói mạng người không quan trọng ở Hải Phòng”, “Giáo viên dạy tiếng Anh của trung tâm MST tại Hà Nội” mới đây cho thấy, đôi khi những quyết định của cơ quan hữu quan cũng không vượt ra khỏi được những chuẩn mực giá trị mà mạng xã hội đã quy định hoặc luôn tôn vinh, cổ vũ. Những diễn đàn có sức lan tỏa lớn, với hàng triệu thành viên, không còn nghi ngờ gì nữa, đã trở thành những “thế lực” trong đời sống xã hội cũng như trên “mạng ảo”.
Mạng xã hội, dù còn những khiếm khuyết, nhưng rõ ràng nếu bất kể một cá nhân, một chủ thể nào không coi trọng mạng xã hội cũng sẽ gánh chịu những hậu quả do mạng xã hội gây nên.
Bởi như một quy luật phổ quát, những “rắc rối” do mạng xã hội gây nên chỉ là một phần rất nhỏ so với những tiện ích, lợi ích nó mang lại cho những “cư dân mạng” và cho xã hội. Sở dĩ những “rắc rối” ấy được chú ý nhiều và trở thành vấn đề là bởi vì thói quen của con người vẫn hay tập trung vào những gì bất thường, khác lạ, độc đáo. Trong khi cây đời vẫn mãi xanh tươi và cỏ thì nhiều hơn hoa.
Kinh nghiệm đau thương
Mạng xã hội 20 năm trước chỉ là một dịch vụ kết nối những người cùng sở thích, cùng mối quan tâm, sau đó được nâng tầm và lan tỏa dần dần. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội tích hợp những tiện ích cho người dùng thoải mái giao lưu, chia sẻ và dần dần hoàn thiện những đặc tính của một công dân mạng. Khi các tiện ích tỏ rõ những lợi thế ưu việt, công dân mạng tăng lên một cách chóng mặt.
Trước khi có e-mail (thư điện tử), bưu chính viễn thông là một tiện ích liên lạc phổ biến. Những cánh thư cứ chậm rãi bay đi, có khi cả một tuần, một tháng những người liên quan mới nhận được thông điệp mà người khác muốn gửi. Những cú điện thoại xuyên tỉnh, xuyên quốc gia… dần dần không còn là xa xỉ, nhưng chi phí vẫn ở mức cao.
E-mail, khi trở thành một thực thể xã hội, nó đã đánh gục ngành bưu chính viễn thông trong lĩnh vực liên lạc cá nhân, và dần dần chiếm lĩnh thị phần ở những lĩnh vực khác. Chi phí rẻ, tốc độ nhanh chóng khiến e-mail được lựa chọn làm phương tiện chuyển tải tối ưu, và hiện nay, bất cứ cư dân mạng nào cũng dùng e-mail và e-mail không cần bất cứ một cuộc đàm phán nào, nó tự động ấn định vị trí của mình trong lĩnh vực bưu chính.
“Sự lấn lướt”
Các dịch vụ mạng xã hội thô sơ đã dần dần cải tiến mà năm 2004 là một thời điểm đáng nhớ khi My Space xuất hiện tại Mỹ. Sau đó, hàng loạt dịch vụ mạng xã hội khác đã ra đời, trong đó Yahoo!360 từng “làm mưa làm gió” cho đến khi chấm dứt “sứ mạng” của mình vì những lý do không phải thuộc xã hội.
Năm 2006, Facebook ra đời và cho đến nay, đã chiếm vị trí rất cao trong lĩnh vực truyền thông. Quan hệ riêng-chung của các Facebooker đều bị Facebook nắm giữ và bắt phụ thuộc. Không chỉ có cá nhân, mà các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là báo chí, đã phải lệ thuộc vào Facebook một cách tự nguyện.
Với nhà báo, phóng viên, Facebook cũng như các mạng khác hiện nay là một nguồn đề tài phong phú. Những sự kiện trong đời sống xã hội đã xuất hiện kịp thời, không nghi ngờ gì nữa, Facebook là “tờ báo” đầu tiên đưa tin, hình ảnh và sau đó các báo “chính thống” phải tổng hợp từ Facebook.
Sự lấn lướt của Facebook là một thực tế và nó làm thay đổi phương thức thông tin, xây dựng nguồn tin của các nhà báo, phóng viên.
Những bình luận (comment) từ Facebook không chỉ là khen chê, mà còn là thước đo cho sự nhanh nhạy, trung thực của bất cứ nhà báo, phóng viên và tờ báo nào. Hầu như không có tờ báo nào là không có Fanpage, và dù có những rắc rối xảy ra, thì không thể phủ nhận, Fanpage không chỉ là miền đất lan tỏa, mà còn là mỏ vàng theo đúng nghĩa đen đối với các báo mà quảng cáo trực tuyến trở thành một yếu tố duy trì sự tồn tại.
Nhà báo Facebook
Tuy vậy, Facebook cũng như các mạng xã hội khiến nhà báo, phóng viên lười biếng hơn. Nhớ lại vụ việc liên quan đến hoa hậu Phương Nga bị cho là đã lừa đảo 16 tỷ được đem ra xét xử, sức mạnh của Facebook đã thể hiện rõ. Facebooker đã phân tích đa chiều. Danh tính đại gia đã được công khai và nhận nhiều chỉ trích. Một nữ phóng viên của một tòa soạn báo đăng nhiều “status” về vụ việc này. Một phóng viên khác của một tờ báo lớn đã cóp nhặt những “status” ấy và “dựng” thành bài phỏng vấn. Sự tiện lợi hay sự lười biếng? Chúng ta mỗi người đều có câu trả lời.
Phóng viên hay nhà báo, muốn làm chủ được mạng xã hội, phải làm chủ được bản thân và tiện ích ấy. Đôi khi những gợi ý cho một đề tài, một tuyến bài phóng viên và nhà báo sẽ vô tình để lộ trên Facebook, dù rằng khi “thổ lộ” ý tưởng, người viết hoàn toàn nói theo cảm tính và chủ kiến.
Có một điều rất nguy hiểm là sự kiểm chứng. có phóng viên đã bị chính cơ quan của mình phạt tới 5 triệu đồng vì đưa tin không toàn diện, không kiểm chứng. Điều này cũng hoàn toàn xảy ra khi phóng viên, nhà báo chỉ chăm chăm vào Facebook để góp nhặt, đưa tin với mỹ từ là “tổng hợp”. Dẫu cho có một tờ báo mở hẳn một chuyên mục gọi là “thời sự Facebook”, thì yêu cầu về sự kiểm chứng cũng không là ngoại lệ.
Hẳn nhiên, mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng, đã, đang và sẽ trở thành một thế lực rất mạnh. Thực tế ấy vừa là lời đe dọa, vừa là động lực để báo chí phải chuyển mình./.