Bài ca về các cửa biển
Năm 1972, trong Văn học Nam Hà [1] (Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn), Nguyễn Văn Sâm có ghi lại bài Hải môn ca, cũng với các chú thích của Bửu Cầm.
Theo Bửu Cầm, bài thơ Nôm này được sáng tác vào thời các chúa Nguyễn với những căn cứ sau:
- Trong bài chỉ nói về các cửa biển từ châu Bố Chính (Quảng Bình) đến biên giới Cao Miên [2] , tức Đàng Trong, là phần đất của chúa Nguyễn.
- Trong bài có nhiều địa danh cũ, được đặt từ thời Lê như cửa Yêu (cửa Eo), tên một cửa biển trước đời Gia Long. Địa danh này năm 1814 mới được đổi tên là Thuận An. Một địa danh khác là cửa biển Tư Khách đời Mạc, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) được đổi tên là Tư Hiền. Và địa danh Mộ Hoa, tên một huyện đời Lê, cũng năm 1841 được đổi tên là Mộ Đức, thuộc tỉnh Quảng Nghĩa.
Nhận thấy đây là tài liệu quý về địa lý, lịch sử, văn hoá dân gian, chúng tôi xin giới thiệu lại với việc nhận xét văn bản, hiệu đính và bổ sung các chú giải. Phần chữ Hán về địa danh trong các chú thích của Bửu Cầm chúng tôi xin lược bỏ.
Bài Hải môn ca là bài thơ lục bát bao gồm 48 câu, tả lại hành trình của các lái buôn ghe bầu từ Bố Chính cụ thể là từ sông Gianh đến Cao Miên. Trong đó chỉ ghi nhận các cửa biển từ châu Bố Chính cho đến trấn Biên Hoà (vùng ven biển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện nay). Các cửa biển từ Phiên Trấn trở đi không thấy nhắc đến. Nếu như Vè Các lái chú ý nhiều đến việc mô tả các cảnh quan kỳ thú của đất nước cùng kinh nghiệm rất cụ thể của những người đi biển như một loại “cẩm nang nghề nghiệp” thì Hải môn ca lại chú trọng nhiều đến “hải trình” qua các cửa biển với những đơn vị thời gian như: “bán nhật trình”, “một ngày”, “một canh”, “ba trống”…, đặc điểm thuỷ văn của các cửa biển.
Bài thơ Nôm này có nhiều chỗ chép nhầm về địa danh hoặc sai cả luật lục bát. Tuy nhiên, đây vẫn là tài liệu có giá trị về lịch sử, địa lý, văn hoá, nhất là trong việc cung cấp các địa danh lịch sử, địa danh dân gian. Nó có nét gần gũi như các bài Vè Các lái, đặc biệt là Lái vô, mô tả lại hải trình ở Đàng Trong, giúp cho việc tính toán hành trình của những người đi biển đường dài được thuận lợi. Thông qua Hải môn ca chúng ta cũng thấy được sự giao thương kinh tế giữa các vùng miền diễn ra khá nhộn nhịp, thậm chí buôn bán sang tận Cao Miên của những đoàn thương lái ghe bầu ngày xưa; tình yêu quê hương đất nước rất chân chất của những con người “An đằng sóng nói đằng gió”.
La Hà [3] xuống ngọn sông Gianh [4] ,
Phỏng bán nhật trình vượt đến Thuận Cô [5] .
Cửa An Niệu [6] nọ sóng xô,
Ngọn từ Xã Thái [7] ồ ồ chảy tuôn.
Một thôi đến Nhật Lệ môn [8] ,
Minh Linh [9] cửa ấy sắt chôn làm hàn.
Một ngày trải khắp giang san,
Đến miền cửa Việt [10] sắt hàn hiểm sao!
Một ngày lại đến cửa Eo [11] ,
Cửa Hàn ngăn sắt sóng reo đầy đầy.
Đến Tư Khách [12] cũng một ngày,
Một canh vượt thuỷ ngày này Cảnh Dương [13] .
Một ngày lại đến cửa Sang [14] ,
Vượt ba canh lại tới Câu Đê [15] .
Đà Nẵng [16] cửa đặt tuần ty [17] ,
Đại Chiêm [18] cửa ấy phỏng đi một ngày.
Thuỷ hành trót một canh chầy,
Hiệp Hoà [19] bên nọ, này đây An Hoà [20] .
Thuỷ một canh lại qua Châu Ổ [21] ,
Sa Trạm [22] kia đi bộ hai canh.
Một canh Tiểu Hải [23] bộ hành,
Đại Nham [24] ba trống, thuỷ trình bao xa?
Một ngày đến huyện Mộ Hoa [25] ,
Mỹ A [26] cửa nọ thực là hiểm thay!
Thuỷ hành phỏng độ nửa ngày,
Tột Bồng Sơn [27] huyện, thực đây Sa Huỳnh [28] .
Hai canh cửa Kim Bồng [29] hải khẩu,
Phỏng vượt qua Thời Phú [30] một canh.
Vào Nước Ngọt [31] một nhật trình,
Tới miền Nước Mặn [32] bộ hành một ngày.
Cù Mông [33] đây, Xuân Đài [34] chốn nọ,
Mây Nước [35] vào An Phú [36] , Đà Nông [37] .
Sông ngang thuỷ thế mênh mông,
Qua miền Nha Lỗ [38] phỏng trong nửa ngày.
Đến Nha Trang [39] một ngày chầy,
Lại trong nửa ngày đến Tiểu Nha Trang [40] .
Cam Ranh [41] cửa ấy lênh lang,
Thuỷ ba canh trót, đi đường năm canh.
Qua Man Rang [42] một nhật trình,
Đến cửa Man Rí [43] thuỷ hành một ngày.
Phố Hài [44] đây, kìa kìa cửa Cạn [45] ,
Đến Ma Ly [46] phỏng bán nhật trình.
Thuỷ hành phỏng độ ba canh,
Xích Lam [47] cửa ấy nước xanh như chàm.
Từ Xích Lam vào miền cửa Lộn [48] ,
Phỏng bộ hành đến bốn trống canh,
Đến Cao Miên nhị nhật trình,
Ay thời đã lại Chiêm Thành phong cương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hoá nguyệt san (bộ mới) tập XIII, quyển 9, tháng 9, 1964, tr.1.149-1.155.
Nguyễn Văn Sâm, Văn học Nam Hà, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.
David Bulbeck, Li Tana biên dịch và diễn giải, Giáp Ngọ niên bình nam đồ, Tạp chí Huế xưa và nay, số 76, tháng 7-8, 2006, tr.34-45.
Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam , Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam , Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
Nguyễn Thanh Lợi, Địa danh kỵ huý trong lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2, 2006, tr.73-81.
Nguyễn Thanh Lợi, Vè Các lái, Tạp chí Khoa học công nghệ & môi trường Khánh Hoà, số 4, 1997, tr.26-27.
Bùi Quang Tung, Bài vè thuỷ trình từ Huế vô Saigon, Tập san Sử Địa, số 17-18, 1970, tr.39-48.
Bùi Quang Tung, Thuỷ trình đường ghe từ Huế (Thừa Thiên) ra Nam Định, Tập san Sử Địa, số 22, 1971, tr.37-41.
Trần Hoàng, “Nhật trình đi biển”- một loại “Cẩm nang nghề nghiệp” của cư dân vùng biển, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 1994, tr.48-50.
Ninh Viết Giao, Bước đầu tìm hiểu những bài ca nhật trình, Tạp chí Văn học, số 1, 1981, tr.78-84.
Nguyễn Đình Chúc, Vè Các lái, Bài viết.
Nguyễn Duy Thiệu, Nhật trình đi biển của người Bồ Lô tại vùng biển Bắc Trung Bo. Trong “Thông báo văn hoá dân gian 2003”, Nxb Khoa học xã hội, 2004.
Đình Hy, Vè Các lái, một bài vè dân gian, một giá trị tri thức của ngư dân miền Trung. Trong “Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hoá văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Thạch Phương, Ngô Quang Hiển sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
Dương Văn An, Ô châu cận lục (Tân dịch hiệu chú), Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, Nxb Thuận Hoá, 2001.
Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu chủ biên, Lịch sử thành phố Quy Nhơn, Nxb Thuận Hoá, 1998.
Phạm Trung Việt, Non nước xứ Quảng tân biên, Soạn giả xb, Sài Gòn, 1971.
Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam đất nước & nhân vật, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.
Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xb, Sài Gòn, 1967.
Quách Tấn, Xứ Trầm hương, Lá Bối xb, Sài Gòn, 1969.
Nhiều tác giả, Khánh Hoà diện mạo văn hoá một vùng đất, Tạp chí Văn hoá Thông tin Khánh Hoà- Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, 1998.
Nguyễn Văn Khánh, Giang Nam chủ biên, Địa chí Khánh Hoa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
Nguyễn Chí Bền, Lê Thế Vịnh, Địa chí Phú Yên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh chủ biên, Địa chí Bà Rịa- Vũng Tàu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Bùi Hồng Nhân chủ biên, Quảng Ngãi đất nước- con người- văn hoa, Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ngãi, 2001.
Nhiều tác giả, Tập bản đồ Giao thông đường bộ Việt Nam , Nxb Bản đồ, 2004.