Bác sỹ Trần Duy Hưng: Một trí thức vì dân
Ông sinh ngày 16/2/1912 tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa và trở thành bác sĩ cùng thời với giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…
Vốn thông minh lại cần cù học tập, năm 30 tuổi, Trần Duy Hưng đã là một bác sỹ có tiếng về chuyên môn, được nhiều đồng nghiệp và người dân yêu quý bởi tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. Thời đó, ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã cùng người em gái mở một bệnh viện tư ở phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm để hành nghề. Là một bác sĩ trẻ tuổi lại có đạo đức nên trong công việc trị bệnh cứu người, ông luôn thể hiện ý thức trách nhiệm cao và sẵn sàng cứu giúp những người nghèo.
Cũng chính tại cơ sở chữa bệnh này, bác sĩ Trần Duy Hưng đã chở che nhiều cán bộ Việt Minh như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… giữa vòng vây bố ráp của kẻ địch. Lòng yêu nước của vị bác sĩ danh tiếng Trần Duy Hưng ngày càng lớn dần, và rồi ông đã tự nguyện làm một cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng Tháng 8. Để rồi niềm vinh dự vô bờ bến đã đến với ông và gia đình sau ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945, khi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà.
Tại đây, Bác Hồ đã đề nghị Bác sỹ Trần Duy Hưng đảm trách cương vị người đứng đầu chính quyền thủ đô Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao đó, bác sĩ Trần Duy Hưng đã xúc động cảm ơn Bác Hồ và đáp lại rằng: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn...”. Vì ông cho rằng mình chỉ biết khám chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo. Nghe vậy, Bác Hồ đã nói: “Bản thân tôi cũng chưa bao giờ lãnh đạo một đất nước, chúng ta phải vừa làm, vừa học thôi”. Từ câu nói chí tình đó của Bác Hồ, bác sỹ Trần Duy Hưng đã nhận lời, để rồi Hà Nội đã có vị chủ tịch đầu tiên mà tác phong, đạo đức, tư duy quản lý của ông vẫn còn sâu đậm trong lòng nhân dân Thủ đô.
Có thể nói, trong thời điểm đất nước đang còn những bộn bề khó khăn sau ngày độc lập, bằng sự sáng suốt của mình, khi đặt trọng trách Chủ tịch thành phố đối với bác sỹ Trần Duy Hưng, Bác Hồ đã nhìn thấy ở ông một nhân cách, một tấm lòng hết mình vì dân, vì nước. Sự nhìn nhận sáng suốt đó đã được minh chứng theo thời gian và đã để lại lịch sử cách mạng Hà Nội một vị Chủ tịch mẫu mực trong suốt hàng chục năm liền trên cương vị người đứng đầu thành phố.
Sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng đã bắt tay vào làm rất nhiều việc cho Thủ đô, từ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, chống nạn đói, chống giặc dốt, khôi phục kinh tế, đến tổ chức Tuần lễ vàng…Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan chính quyền rút lên Việt Bắc, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ suốt thời kì kháng chiến chống Pháp, rồi sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời gian đầu năm 1954. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội (sau đó là UBND Thành phố) cho đến năm 1977.
Đảm đương chức vụ Chủ tịch thành phố trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong giặc ngoài vây hãm, giữa bộn bề công việc, người dân Hà Nội biết đến vị Chủ tịch của mình bởi sự tận tâm, tận lực trên cương vị người đứng đầu thành phố. Trong đời sống bình thường, ông được nhắc đến là con người có tác phong giản dị, gần gũi với người dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong công việc, ông tự soạn thảo công văn, diễn văn, thư từ, điện tín và thường xuyên tiếp dân ngay trong nhà mình bất kể lúc nào…
Dưới thời ông làm Chủ tịch thành phố, Hà Nội từng có nhiều chính sách khá mạnh mẽ để đạt nhiều thành tựu lớn: Nông nghiệp đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc; hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước.
Bác sĩ Trần Duy Hưng còn là người đã từng gợi mở ý tưởng đưa Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, biến con sông thành một tài nguyên cảnh quan, du lịch vô giá” vào những năm 1960.
Sau mấy chục năm cống hiến, bác sĩ Trần Duy Hưng đã ra đi vào ngày 2/10/1988 ở tuổi 76, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh sau đó vào ngày 3/2/2005 và tên tuổi của ông đã được đặt cho một tuyến đường to đẹp của Thủ đô Hà Nội kể từ năm 1999 cho đến nay - đường Trần Duy Hưng.
Nói về ông, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”. Còn theo GS.TS Sử học Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, bằng sự sáng suốt của mình, Bác Hồ thấy ở bác sĩ Trần Duy Hưng một nhân cách, một tấm lòng son sắt vì nước, vì dân. Bác Hồ đã chọn đúng người đảm nhận trọng trách đứng đầu Thủ đô, gánh vác những công việc của cách mạng.
Hình ảnh về bác sỹ Trần Duy Hưng - vị chủ tịch đầu tiên của Hà Nội có dáng vẻ thư sinh trí thức, với cặp kính trắng và nụ cười hiền hòa ấy cùng những đóng góp của ông sẽ mãi còn in đậm trong lòng nhân dân Thủ đô Hà Nội hôm qua, hôm nay và mai sau.