Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 03/03/2006 22:24 (GMT+7)

Bác sĩ Phùng Văn Cung

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, BS Phùng Văn Cung là một trong những nhà trí thức tiêu biểu đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, nhân dân cảm mến, đồng nghiệp, đồng chí thương yêu, mến phục bởi đức độ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, năng lực tập hợp quần chúng.

BS Phùng Văn Cung sinh ngày 5.5.1909, tại xã Tân An, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân lao động. Từ hồi còn nhỏ, ông đã có chí ham học và luôn luôn là học sinh giỏi. Khi đến bậc trung học, rồi đại học, ông luôn được cấp học bổng. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tuy được hưởng những điều kiện thuận lợi của chính quyền thực dân Pháp để học và thành đạt, nhưng với sự hiểu biết, giác ngộ của mình, ông luôn luôn cảm nhận sự đô hộ của Pháp đối với Tổ quốc, nhân dân ta là một sỉ nhục.

Với nghề nghiệp mang tính nhân đạo, tình thương và trách nhiệm với người bệnh, ông có ý nguyện hoạt động xã hội. Ra hành nghề bác sĩ, với bản chất thương người là vốn sẵn có của người thầy thuốc, ông lao vào cứu chữa bệnh nhân với lương tâm nghề nghiệp cao, với phong cách làm việc tận tuỵ, thương người như thể thương thân. Đặc biệt đối với bệnh nhân nghèo ở nông thôn và thành thị, ông phục vụ hết mình, không quản khó khăn mệt nhọc, thậm chí còn miễn giảm tiền điều trị và thuốc men cho số bà con nghèo khó. Vì thế, ông luôn được đồng bào, bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, mến phục. Thực tế cho đến nay, người cao tuổi ở địa phương hãy còn nhắc và nhớ tới, biết ơn người bác sĩ họ Phùng năm xưa.

Cách mạng tháng Tám nổ ra chính là điều kiện thôi thúc nhà trí thức cùng đứng lên với nhân dân địa phương tham gia giành chính quyền thành công tại tỉnh Sa Đéc, thuộc Đồng Tháp ngày nay. Nguyện vọng vì dân, vì nước luôn âm ỉ trong tâm hồn ông mà vì do hoàn cảnh đặc biệt ông chưa thoát ly vào hẳn chiến khu. Năm 1957, ông làm Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Châu Đốc, Rạch Giá và sau đó làm Giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi, TP Hồ Chí Minh).

Tuy làm việc cho chính quyền Sài Gòn, nhưng bên trong, ông nhiệt tình tham gia công tác cách mạng. Ông không sợ hy sinh nếu bị kẻ thù phát hiện. Ông đã che giấu, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo của ta tại bệnh viên khi hoạt động bí mật ở nội thành. Còn vận động nhân dân yêu nước góp tiền bạc, thuốc men cho kháng chiến là nghĩa vụ thường xuyên của BS Cung và gia đình. Nhất là bà Lê Thoại Chi, vợ ông là cánh tay đắc lực giúp chồng làm liên lạc như con thoi trong các mối quan hệ với tổ chức cách mạng, luôn luôn khích lệ ông làm tròn trách nhiệm nhất là khi ông bị chính quyền nguỵ trưng tập, đưa vào quân đội của chúng. Đây cũng là dịp ông có cái bình phong hợp pháp để tham gia công tác với cách mạng có hiệu quả. Với danh nghĩa sĩ quan quân y ngụy, BS Cung đã nhiều lần dùng xe công tác để chở vũ khí, thuốc men tiếp tế cho kháng chiến.

Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ, ông luôn luôn có biện pháp chống lại các chính sách của Mỹ - Diệm đối với trí thức. Thể hiện thái độ cách mạng của mình, đầu năm 1955, Ông bà Phùng Văn Cung đã đề nghị với tổ chức cách mạng đưa hai con trai của mình là Phùng Ngọc Thạch và Phùng Ngọc Ấn đi tập kết ra miền Bắc. Sau khi học tập thành tài, hai anh đã trở về Nam cùng cha mẹ và nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một là sĩ quan quân y (bác sĩ ngoại khoa) một là bác sĩ thú y.

Năm 1960, do yêu cầu của cách mạng Việt Nam, BS Phùng Văn Cung cùng gia đình đã thoát ly hẳn ra vùng giải phóng, không mảy may tiếc nuối gia tài, cơ ngơi, tài sản. Ngày 20.12.1960, tại Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, BS Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Cuối năm 1969, ông được cử làm Trưởng phái đoàn của nhân dân miền Nam ra thăm Bác, kính chuyển tấm lòng biết ơn và tình cảm ruột thịt của đồng bào miền Nam đối với Trung ương Đảng và đồng bào miền Bắc, được Bác Hồ đón tiếp nồng hậu, ân tình và ôm hôn thắm thiết.

Ngoài ra, BS Phùng Văn Cung còn đảm nhận các nhiệm vụ: Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới của miền Nam Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của TP Hồ Chí Minh (sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ miền Nam. Tại Đại hội thống nhất Mặt trận toàn quốc tháng 2 năm 1977, BS Phùng Văn Cung được cử làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với sức lực, trí tuệ và uy tín của mình, trong những chuyến đi công tác đối ngoại, cũng như ở trong nước, BS Cung luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Mặt trận, Chính phủ và nhân dân giao phó cho mình.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, BS Phùng Văn Cung theo chức năng nhiệm vụ được giao, ông sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh luôn luôn lạc quan, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, gần gũi đồng bào, được mọi người quý trọng. Đảng, Nhà nước đã trao tặng BS Cung huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác. Riêng bà Lê Thoại Chi, vợ của BS Cung, hy sinh trong chuyến đi công tác cuối năm 1966 và được công nhận là liệt sĩ.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, BS Phùng Văn Cung đã từ trần ngày 7.11.1987 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 78 tuổi, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội, đồng chí, đồng bào. Trước khi ra đi, ông còn trăn trối lại với gia đình nên thiêu xác để giữ môi sinh, môi trường về sau và bớt diện tích đất đai chôn cất, con cháu, người thân khỏi tốn thời gian, công sức đi lại viếng thăm, chăm sóc phần mộ. Gia đình đã làm đúng theo nguyện vọng sau khi ông qua đời.

Để tưởng nhớ công lao của BS Phùng Văn Cung, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho một con đường tại hai phường 2 và 7, khu dân cư mới Rạch Miễu, quận Phú Nhuận.

Nguồn: T/c Thuốc - sức khoẻ, số 300 - 301, 2/2006, tr 6 - 7

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.