Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một tấm gương sáng ngời
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh 7/5/1909 tại Phan Thiết trong một dòng họ có danh tiếng. Sau 4 năm học Đại học Y Hà Nội, ông sang học tiếp Y khoa ở Pháp. Năm 1934, ông tốt nghiệp đại học và mở phòng mạch tư chữa bệnh lao lúc bấy giờ còn khá hiếm ở Sài Gòn. Năm 1936, ông trở thành hội viên duy nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu bệnh lao Pháp. Vừa chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa tham gia các phong trào thanh niên yêu nước. Ông là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao trung ương. Ông cũng là Ủy viên Ban Kỹ thuật Hội Bài trừ lao quốc tế. Những đóng góp to lớn trong lĩnh vực y tế của ông được chính phủ ghi nhận, trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Người đi tiên phong trên mặt trận y khoa
Nhiều người vẫn nhớ mãi, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm đến công tác tiêm chủng, quyết định dùng vắc-xin Sa-bin để phòng bệnh bại liệt. Nhờ vậy, từ năm 1961, số người bệnh bại liệt có tỷ lệ mắc giảm xuống còn 3,09/100 nghìn dân, mà trước đó có tỷ lệ mắc hơn 120/100 nghìn dân tại các vụ dịch bại liệt lớn trong ba năm 1957, 1958, 1959.
Ðể chủ động nguồn vắc-xin phòng bệnh trong nước, Bộ trưởng cử bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên đi tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại Liên Xô (trước đây). Ðó là sự khởi đầu tốt đẹp để hơn 40 năm sau, VN thanh toán được bệnh bại liệt kể từ năm 2000.
Chính ông là người đề xuất và thuyết phục các cơ quan Nhà nước chuyển Bệnh viện Lao và một số bệnh viện Trung ương thành các Viện chống Lao, Viện Tai - Mũi - Họng, Viện Mắt và Viện Ðông y. Mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở.
Nhiều giáo sư trong ngành Y hiện vẫn khâm phục khả năng lãnh đạo ngành của cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Năm 1965, chỉ sau mười năm giải phóng miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, công tác y tế có nhiều chuyển biến rõ rệt. Mạng lưới y tế nông thôn phát triển rộng khắp, tuổi thọ người dân tăng, nhiều dịch bệnh được đẩy lùi, sức khỏe người dân được cải thiện.
Phạm Ngọc Thạch là một nhà bác học lớn, có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao trong và ngoài nước. Với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học có uy tín tại nhiều quốc gia, cùng với những thực nghiệm thành công của mình, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được xem như một trong những chuyên gia lớn về bệnh lao của thế giới.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (thứ 3, phải qua) tại vùng giải phóng Tây Ninh, 1968. Ảnh tư liệu. |
Từ năm 1957, ông đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao. Nhờ đó, năm 1962, việc tiêm phòng lao ở nước ta được tiến hành rộng rãi và thu được kết quả to lớn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người đầu tiên đề ra phương pháp dùng kích sinh chất Filatov điều trị bệnh lao và kết hợp Đông - Tây y để tiêm thuốc vào vùng huyệt chữa lao và bệnh phổi. Sau đó, nhờ chủng vi trùng Suptilite mang từ miền Nam ra Bắc, sau 10 năm trời nghiền ngẫm, ông đã thành công trong việc dùng Suptilite điều trị bệnh lao, bệnh phổi cũng như một vài bệnh nhiễm trùng khác.
Giáo sư bác sĩ Hoàng Minh từng nhận xét: “Đối với ngành lao và bệnh phổi, những nghiên cứu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc áp dụng miễn dịch học chữa ung thư, điều trị lao, giải quyết các bệnh phổi mạn tính đã được các đồng nghiệp, học trò của ông thừa kế một cách sáng tạo…”.
Một tấm guơng sáng ngời
Theo dòng hồi ức của dược sĩ anh hùng Nguyễn Duy Cương- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một thầy thuốc nhân hậu, rất bình dân. Nửa đêm có người bệnh gõ cửa đánh thức, ông vẫn lái xe đến tận các khu nhà nghèo để khám và chữa bệnh cho người lao động là tấm gương sáng đến nay không nhiều bác sĩ noi theo được.
Trong ký ức nhiều bệnh nhân tại Viện Chống lao trung ương, ông để lại nhiều ấn tượng với hình ảnh đẹp đẽ thân thuộc: người thầy thuốc trong chiếc áo choàng trắng cùng chiếc ống nghe bên cổ, ân cần thăm hỏi từng giường bệnh. Không ít lần ông đã tự tiếp máu mình cho bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu nguy kịch. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là hiện thân sống động nhất của y đức- “Lương y như từ mẫu”.
Với bè bạn, ông vẫn là người thầy thuốc hết sức tận tụy. Năm 1953, trên đường ra Việt Bắc, ông ghé thăm hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Hồ Đắc Di. Gặp lúc bác sĩ Hồ Đắc Di đang bệnh nặng. Công việc dù rất gấp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vẫn xin phép cấp trên nán lại một tuần để chữa bệnh và chăm sóc đồng nghiệp.
Hình ảnh cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch rất tích cực đi xuống cơ sở, từ các xã vùng đồng bằng đến các tỉnh vùng cao đã trở nên gần gũi, thân thuộc. Dù bận rộn công tác quản lý nhưng ông vẫn dành thời gian làm người thầy thuốc chuyên khoa lao. Hằng ngày ông vẫn đến với người bệnh lao, tự soi chiếu X quang cho người bệnh, có mặt bên giường những người bệnh nặng, cho chỉ định điều trị và đôn đốc các công việc chuyên môn.
Đặc biệt, giữa khói lửa đạn bom, hình ảnh một Bộ trưởng mang ba lô, đầu trần, chân đất có mặt trên mọi chiến trường đã gây xúc động mạnh. Ông quên ăn, quên ngủ để cứu chữa cho thương bệnh binh và đồng bào. Nhờ tấm gương của ông và cách chỉ đạo đưa bác sĩ, y tá vào các chiến trường đã giảm tỉ lệ thương bệnh binh rất đáng kể trong kháng chiến.
Các bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: VNN |
Còn mãi với quê hương
Sinh thời, Miền Nam luôn là nỗi nhớ trong trái tim của ông. Và cũng chính nơi vùng đất Tây Nam Tổ Quốc, trên quê hương Nam Bộ ấy, ông vĩnh viễn nằm xuống trên chiến trường sau một cơn sốt rét ác tính. Đó cũng là lúc ông đang chỉ đạo nghiên cứu căn bệnh này và những vấn đề y tế cấp bách khác. Khi nghe tin ông hi sinh, Chủ Tịch Hồ Chí Minh không giấu được đau đớn, lặng im hồi lâu. Nhiều đồng nghiệp, cán bộ ngành y tế không cầm được nước mắt trước tổn thất ấy.
Ngay thời điểm ấy, trên tờ tạp chí của Hội Y học Pháp - Việt, Giáo sư thạc sĩ André Roussel đã phải thốt lên về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch “do tập trung được những đức tính hiếm có và quý báu, mà khi nói đến ông người ta dùng một câu rất hiếm: Đó là một người hiền vĩ đại”.
Tại mảnh đất Sài Gòn đã dựng nên tên tuổi và sự nghiệp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, hiện có một con đường đẹp, là nơi tập trung nhiều thanh niên thành phố (vì có nhiều trung tâm văn hóa thanh niên, trường đại học) ở khu trung tâm mang tên ông. Tên ông cũng được đặt cho một bệnh viện chống lao và một trường Đại học Y khoa của TP.HCM.
Nói về ông, Bộ trưởng Bộ Y tế, TS. Nguyễn Quốc Triệu chia sẻ: “Anh hùng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã đi xa hơn 40 năm, nhưng hình ảnh quen thuộc thân thương của Bộ trưởng còn mãi trong tâm trí mọi người. Ông có tình cảm chân thành cởi mở với cán bộ, tôn trọng đồng sự, cho nên nhận được sự kính trọng, quý mến của mọi người. Những ai có dịp chung sống, hay làm việc với ông đều bị chinh phục bởi sự cởi mở chân thành ấy”.