Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/12/2005 00:09 (GMT+7)

Bác Hồ với ngành giáo dục lao động

Vấn đề giáo dục lao động có quan hệ chặt chẽ với quan niệm của Bác Hồ về con người hoàn toàn mà nhà trường phải đào tạo: “Người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay, người lao động chân tay muốn là người hoàn toàn phải biết lao động trí óc”. Người kêu gọi: “Mỗi người chúng ta phải nhận rõ: lao động-lao động chân tay và lao động trí óc - đều là vẻ vang, đáng quý. Chúng ta phải chống tư tưởng xem khinh lao động”.

Từ quan niệm đó, Bác chủ trương phải cải tạo nền giáo dục: “Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước”, mà “giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Theo Bác, điều đặc biệt quan trọng là phải thay đổi nội dung giáo dục: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”.Trong bài “Học hay, cày giỏi”, Bác khẳng định chủ trương của Bộ giáo dục lúc bấy giờ là: Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác cũng rất coi trọng việc nhắc nhở thế hệ trẻ phải tiết kiệm, thực hiện cần cù và tiết kiệm, cần cù đi với tiết kiệm.

Về kế hoạch đào tạo, Bác Hồ yêu cầu: “Trong việc giáo dục phải có môn giáo dục về lao động”. Yêu cầu đó đã được Đại hội giáo dục toàn quốc ngay từ tháng 7-1951 ghi trong Nghị quyết: Coi môn tăng gia sản xuất như các môn học chính thức khác và dành mỗi tuần lễ 3 giờ cho tăng gia sản xuất ở tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 9) của trường phổ thông 9 năm. Tinh thần cơ bản đó vẫn được duy trì suốt từ đó tới nay.

Bác cũng đã xác định: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: -Học đi với lao động, - Lý luận đi với thực hành, - Cần cù đi với tiết kiệm”. Người yêu cầu: “Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học Bắc Lý và của các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa”.

Trong bản thảo Di chúc, viết tháng 5 năm 1968, Bác còn dặn: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”.

Tư tưởng giáo dục trình bày trên đây, trước hết và hơn hết, đã được Bác Hồ đích thân thực hiện bằng chính hoạt động của mình. Ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã trải qua quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú tại nhiều nơi trên thế giới. Người hoà mình vào quần chúng công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da và chính Người cũng đã lao động chân tay và lao động trí óc để sống: phụ bếp, làm vườn, quét tuyết, đốt lò, phục vụ trong khách sạn, làm ảnh, vẽ thuê, v.v… Khi ở Thái Lan, Bác tham gia lao động cùng kiều bào trong hội hợp tác, như đào giếng, làm vườn, gánh gạch xây trường học cho trẻ em, v.v... Về sau, khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù ở chiến khu Việt Bắc hay giữa Thủ đô Hà Nội, Bác vẫn thường trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi cá,…coi đó là một dạng hoạt động và là niềm vui. Lao động chân tay đã tạo thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của Bác, có quan hệ khăng khít với lao động trí óc và hoạt động cách mạng của Người. Qua đó, Bác đã nêu tấm gương sáng về sự kết hợp, bổ sung lẫn nhau giữa lao động chân tay và lao động trí óc, về sự gắn liền cần cù với tiết kiệm theo tinh thần cao quý của dân tộc “cần, kiệm, liêm, chính”.

Mặt khác, Bác bền bỉ tuyên truyền, giải thích ý nghĩa của lao động đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Khoảng 65% số phát biểu của Bác về giáo dục, trong suốt nửa thế kỷ, đã đề cập vần đề giáo dục lao động.

Dưới sự lãnh đạo của Bác, vấn đề giáo dục lao động đã được đưa vào nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng tháng 4 năm 1947, đã chỉ rõ: “Học sinh phải vừa học vừa tham gia sản xuất”. Đại hội III Đảng ta, tháng 9-1960, khẳng định: “Trong công tác giáo dục, chúng ta phải nắm vững nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất (…). Đi đôi với giáo dục văn hoá, phải thực hiện việc giáo dục kỹ thuật”. Bản chỉ thị về công tác giáo dục trong ba năm 1968-1970 của Ban bí thư Trung ương Đảng cũng nêu bật nhiệm vụ “Cải tiến một bước việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp cho học sinh”.

Bác đã trực tiếp góp phần giáo dục lao động cho học sinh bằng cách luôn luôn chú ý khuyên nhủ, khen ngợi và khuyến khích những cháu đạt thành tích tốt trong lao động. Bác khuyên các cháu “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động” và khen ngợi “nhiều cháu đã tổ chức tham gia sản xuất, trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà, nuôi vịt”. Trước lúc đi xa, Người còn gửi thư cho thiếu niên hợp tác xã Măng Non thôn Phú Mẫn (Hàm Sơn, Yên Phong, Hà Bắc): “Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt, vừa tăng gia sản xuất tốt (…) Bác cũng mong các cháu thiếu niên ở những địa phương khác làm theo các bạn nhỏ hợp tác xã Măng Non Phú Mẫn trong việc chăm sóc trâu bò và giúp đỡ thiết thực cho hợp tác xã ở địa phương mình”.

Mặt khác, Bác cũng đã chỉ ra những thiếu sót trong việc thực hiện giáo dục lao động. Chẳng hạn, Người viết: “Trong thời kỳ kháng chiến, ta chưa kết hợp được chặt chẽ giữa giáo dục văn hoá với lao động sản xuất”.

Lần theo dấu chân của Bác, chúng ta có thể nhận thấy Người đã có dịp tiếp xúc với những nền văn hoá khác nhau. Người sinh ra và lớn lên ở một đất nước mà hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến Trung Hoa đã có ảnh hưởng đậm nét trong đời sống xã hội, trước hết trong giáo dục. Vào đầu thế kỉ này, những quan điểm trí tuệ luận của giáo dục học tư sản Pháp đã thâm nhập nước ta, một nước thuộc địa nửa phong kiến với nền kỹ thuật và sản xuất còn rất thô sơ. Đại bộ phận nhân dân bị áp bức, bóc lột cũng đồng thời là những người thất học, trong khi chỉ một số rất ít người kiếm được chút học vấn mới có cơ may thoát khỏi cảnh ngộ đó. Trong hoàn cảnh ấy, coi khinh lao động chân tay là hiện tượng không hiếm. Tuy vậy, tư tưởng của Bác về giáo dục lao động lại rất xa lạ với những loại ảnh hưởng tiêu cực kể trên.

Bác Hồ sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước nguồn gốc nông dân lao động. Ngay từ tuổi thiếu niên, Người đã được giáo dục ý thức lao động. Sống và hoạt động cùng với nhân dân, không những người thấu hiểu được nỗi thống khổ của đồng bào, mà còn sớm nhận thấy giá trị to lớn của lao động và biết quý trọng người lao động.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân ta vun đắp nên biết bao truyền thống tốt đẹp trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, mà nổi bật là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Cũng từ rất sớm, nhân dân ta đã nhận thức được ý nghĩa của lao động đối với phẩm chất đạo đức của con người và đối với việc giáo dục những thế hệ đang lớn lên. Nhiều truyện dân gian, nhiều câu ca dao, tục ngữ đã phản ánh nhận thức đó và là một phương tiện giáo dục có hiệu quả, được sử dụng từ đời này qua đời khác. Ý nghĩa của lao động cũng như của mối quan hệ giữa học và làm đã được phản ánh qua tác phẩm của các nhà tư tưởng trong những thế kỷ trước. Chẳng hạn Nguyễn Trãi đã viết:

“Nên thợ, nên thầy vì có học.

No ăn, no mặc bởi hay làm”.

Truyền thống tốt đẹp đó đã để lại dấu ấn đậm nét trong quan niệm của Bác Hồ về lao động và giáo dục lao động.

Là một nhà giáo yêu nước và một chiến sĩ cách mạng suốt đời là phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, Bác sớm quan tâm đến vấn đề đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ. Người không những thông cảm sâu sắc với nguyện vọng khát khao được học tập của quần chúng nghèo khổ, mà còn sớm tiếp thu được những tư tưởng giáo dục tiên tiến của chủ nghĩa Mac-Lenin, trong đó có vấn đề kết hợp việc dạy học với lao động sản xuất như là “phương pháp duy nhất để sản xuất ra những con người phát triển toàn diện”.

Tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục lao động đã có ảnh hưởng to lớn trong trường học ở nước ta. Ngay giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt thì trong các trường phổ thông do chính quyền cách mạng quản lý đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Kết quả của phong trào thi đua đó đã góp phần giải quyết nhiều khó khăn cho nhà trường cách mạng còn non trẻ, cho đời sống còn nhiều thiếu thốn của giáo viên và học sinh, đồng thời cũng có tác dụng tốt đối với sự hình thành phẩm chất chính trị - đạo đức mới cho thanh niên, thiếu niên.

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” do Bác Hồ đề xướng, việc kết hợp dạy học với lao động sản xuất được đẩy mạnh trên quy mô lớn. Trong nhiều trường phổ thông, bài giảng được gắn chặt hơn với đời sống. Lần đầu tiên, nội dung giáo dục phổ thông được mở rộng và bao gồm cả kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật sản xuất. Lao động sản xuất đã trở thành một trong những nội dung hoạt động quan trọng của phần lớn trường học. Hàng chục vạn học sinh thành thị được đưa vào nhà máy để tham quan hoặc trược tiếp tham gia lao động. Nhờ nỗ lực vượt bực của giáo viên và học sinh, sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, xí nghiệp và của nhân dân, trong đó có cha mẹ học sinh, nhiều nơi đã xuất hiện các xưởng trường và đã trở thành một bộ phận hợp thành khăng khít của nhà trường mới. Nhiều trường học ở nông thôn đã xây dựng được vườn trường. Một số trường còn có cả ruộng để cấy lúa và trồng các loại hoa màu. Những năm gần đây đã xuất hiện khoảng một trăm trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp. Lớp lớp học sinh ra trường đã có thể mang theo kiến thức và kỹ năng lao động kỹ thuật, những hiểu biết ban đầu về quá trình sản xuất để đi vào cuộc sống. Đó là một đặc điểm mới về chất phân biệt thế hệ học sinh của nhà trường mới với các thế hệ học sinh trước đây.

Ngày nay, theo tinh thần tư tưởng giáo dục của Bác Hồ và dưới ánh sáng Nghị quyết các Đại hội của Đảng, nhà trường phổ thông nước ta đang ra sức phấn đấu trở thành trường “dạy kiến thức phổ thông cơ bản lao động, kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông” nhằm góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.