Bác Hồ và nhân sĩ trí thức trong những ngày đầu cách mạng
Để thực hiện ham muốn có vẻ bình thường ấy, Nguyễn Ái Quốc vào Đảng cộng sản Pháp và tham gia sáng lập nhiều Đảng cộng sản khác nhưng với tinh thần độc lập. Tinh thần ấy đã được trình bày trong bài viết năm 1924: Báo cáo về Bắc - kỳ, Trung – kì, Nam – kihh (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 468);
“Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại.
Mác cho biết rằng sự tiến triển của xã hội trải qua ba giai đoạn: Chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản, và trong mỗi giai đoạn ấy đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không!
Rồi Nguyễn khẳng định:
“Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương đông.”
Khi Mác viết những công trình của mình, Đông Phương học khoa học chưa ra đời. Còn giờ đây, nhìn lại lịch sử Việt Nam, thì không thể nào tìm thấy được ở đấy bóng dáng của chế độ nô lệ và chế độ nông nô. Riêng sự tồn tại của chế độ ruộng công và chế độ thôn xã tự quản cũng đủ chứng minh điều đó. Còn sự hình thành của nước đại việt thì không phải do giai cấp nào dựng lên vì quyền lợi kinh tế, giai cấp của mình. Trong công trình Một vài hình thức về văn hóa Việt Nam (Viện Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2004), tôi đã chứng minh ở chương Tìm hiểu quan niệm tổ quốc luận của xã hội Việt Nam rằng nhà nước Đại Việt đã dựng lên do ý chí của toàn dân để có đủ sức mạnh chống xâm lược phương Bắc. Không phải ngẫu nhiên mà tư khi Nhà nước này hình thành đến năm 1859 Nhà nước này đã đánh bại 8 lần xâm lược và chỉ chịu đô hộ trong một khoảng khắc 20 năm (1407 – 1427). Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam xem mình phải hy sinh cho tổ chức nào bảo vệ được nước. Câu chuyện nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê rõ ràng. Còn khi nhà nước đầu hàng, thì nhân dân tự động nổi lên, trong đó vai trò của các thân sĩ trí thức là nổi bật. Cũng chính vì vậy mà từ năm 1930 trở đi, dù có lo lắng nhất định về số phận của mình, nhân dân cũng như trí thức, thân sĩ Việt Nam sẵn sàng hy sinh theo con đường cứu nước của Bác và Đảng cộng sản.
Chính Nguyễn Ái Quốc, cũng trong bài đã nói khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc:
“Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn Việt Nam cạnh tranh với những người Pháp và Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá; làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917”.
Ta thấy cách nhìn của Nguyễn, mọi người Việt Nam từ công (cu li), nông (nhà quê), thương nhân (nhà buôn), trí thức (thanh niên bãi khoá) ngay cả vua chúa (Duy Tân) đều có lòng yêu nước.
Do đó, theo truyền thống Việt Nam, một truyền thống tôn trọng nhân sĩ, người có tên tuổi, như ta thấy ở đời Trần họp hội nghị các bô lão, nhân sĩ, để bàn chuyện đánh giặc Nguyên và các cuộc họp làng thông thường ở Việt Nam, tôi xin nói quan hệ của Bác với nhân sĩ, trí thức trong những ngày đầu cách mạng. Trong công việc này, tôi được may mắn là có công trình Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minhcủa bác Vũ Đình Hoè (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004). Những trích dẫn của tôi phần lớn lấy ở đấy. Bác Hoè còn sống, nay đã 96 tuổi và đã từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồ Bộ Tư phát suốt 15 năm, được Bác Hồ giáo dục, nên tác phẩm này là không thể vượt được khi muốn xét đến quan hệ của Bác Hồi với các nhân sĩ, trí thức. Tôi chỉ nêu một vài điểm đáng nhớ của thế hệ ngày nay vào tuổi 80, tức là lên 20 tuổi trong những ngày đầu cách mạng.
Có thể nói uy tín của Nguyễn Ái Quốc là vô bờ bến trong nhân sĩ, trí thức. Tôi còn nhớ khi nghe tuyên truyền Việt Minh, các trí thức, nhân sĩ thường chỉ hỏi có một câu: “Ai cầm đầu Việt Minh?”. Khi nghe nói đó là Nguyễn Ái Quốc thì họ theo ngay, dù biết là con đường gian lao vất vả vô cùng.
Là người thức nhận lo tìm hiểu tại sao, tôi thấy tầng lớp Tây học chúng tôi phục Nguyễn Ái Quốc theo lối riêng của mình. Việt Nam có nhiều người nói giỏi tiếng Pháp, và viết được những bài công kích thực dân Pháp có giá trị. Nhưng xưa nay chưa ai viết được những bài công kích thực dân Pháp trào lộng, dí dỏm, đặc Pháp, mà lại của riêng mình không ai bắt chước được như Nguyễn Ái Quốc. Chị Bích Hà, bạn tôi và phu nhân Võ đại tướng, cho tôi biết câu chuyện sau đây: Bác viết một bức thư tiếng Việt cho De Gaule. Ba ông trùm Pháp văn là Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Phan Anh xúm lại dịch. Khi xem bản dịch Bác khen nhưng bảo văn còn trường ốc. Phan Anh nói:
Chúng tôi chỉ viết được thứ tiếng Pháp để đi thi. Làm sao có thể viết được thứ tiếng Pháp của riêng Bác được?
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Giáp, đỗ đầu cả hai kỳ thi Hội và thi Đình, khi trở về Nam để lãnh đạo cách mạng, có hẹn gặp cha tôi, Phan Võ, và hai bác Đặng Văn Oánh, Đặng Văn Hướng, cả ba đều đỗ Phó bảng, ở ga Diễn Châu (Nghệ An) để hàn huyên trong thời gian tàu tạm dừng. Vừa gặp cụ Huỳnh nói ngay:
- Không biết ông Cung (Nguyễn Sinh Cung là tên Bác Hồ) học chữ Hán bao giờ mà rất hay chữ! Tôi đã hoạ thơ một đêm với ông mới biết ông rất hay chữ!
Cha tôi có hỏi cụ:
- Tại sao lúc ra Hà Nội, ông lớn bảo tôi ông lớn chỉ đến gặp Bác Hồ cho biết rồi về, không nhận chức vụ gì cả. Tại sao giờ nhận chức Phó chủ tịch.
Cụ Huỳnh đáp:
- Ông Hồ bảo tôi: “Chúng tôi lập chính phủ để hy sinh cho nước. Bây giờ xin Bác hy sinh!”. Các ông hiểu cho: Cái gì cũng từ chối được, nhưng nếu hy sinh thì từ chối sao được?
Đây chính là câu trả lời của toàn dân Việt Nam đối với đường lối cứu nước của Bác và Đảng.
Khi nghiên cứu đường lối văn hoá của Việt Nam mà Bác thi hành, tôi công thức hoá nó bằng khái niệm “vượt gộp”, tức là nó gộp cái đúng, cái hay của văn hoá dân tộc, đồng thời vượt quá khứ bằng cách hiện đại hoá nó chứ không phải xoá bỏ quá khứ.
Tôi nói trước hết đến mặt gộp
Cuộc kháng chiến của ta giống như cuộc kháng chiến của Lê Lợi ở điểm quân giặc đã làm chủ nước mình nên phải có một quá trình vận động nhân dân chứ không thể dùng ngay nhân dân và quân đội đã là của mình. Theo tôi “Bình Ngô đại cáo”,viết năm 1427, là bản tuyên ngôn quyền tự quyết của dân tộc đầu tiên của loài người. Nó giống như bản Tuyên ngôn độc lập viết sau đó 518 năm về nhiều điểm.
Nó lấy văn hoá làm điểm xuất phát ( Nhớ xưa nước Đại Việt ta, vốn là một nước văn hiến).
Sau đó nó nói đến những yếu tố mà lý luận dân tộc châu Âu sau này nhắc đến:
(a). Lãnh thổ độc lập ( Sơn hà cương vực đã chia).
(b). Văn hoá riêng ( Phong tục Bắc Nam cũng khác).
(c). Chế độ chính trị độc lập cho cả nước ( Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, nối đời dựng nước; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyễn mỗi đàng làm đế một phương).
(d). Con đường để giải phóng là “ Chí nhân, đại nghĩa”, đoàn kết toàn dân, tận dụng sự đóng góp của những người nghèo khổ ( bốn phương manh lệ).
(đ). Và cuối cùng là đổi mới đất nước ( duy tân từ đấy).
Trong đó đồng thời nói đến sự tàn bạo của quân Minh, những gian khổ trải qua và cuối cùng là thắng lợi huy hoàng. Đây không phải là chủ nghĩa dân tộc sao?
Bây giờ nói đến mặt vượt.
Trong khuôn khổ một bài nói về đường lối đối với nhân sĩ, trí thức, tôi chỉ có thể nhắc đến Đường lối mặt trận bao gồm việc thành lập Đảng Dân chủ và Mặt trận Liên Việt.
Mặt trận Việt Minh thành lập tháng 5 năm 1941. Ngoài việc đoàn kết các nhóm cách mạng ngoài nước, việc đoàn kết các thân sĩ, trí thức yêu nước trong nước là rất quan trọng “Thành bộ Việt Minh khẩn trương giúp nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và nhóm Thanh Nghị lập ra Đảng Dân chủ Việt Nam ( Pháp quyền… trang 16).
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh chủ trương thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt. Tôi thấy toàn bộ nhân sĩ, trí thức Việt Nam không sót ai, chỉ trừ những kẻ ác ôn nhẵn mặt, đều được dùng, và có phần đóng góp của mình vào công việc chung. Trong lịch sử chưa bao giờ có một sự nhất trí như vậy của toàn thể trí thức, nhân sĩ. Thực tế, các nhân sĩ, trí thức đã cùng với toàn dân thực hiện được việc nhường cơm, xẻ áo, chia chữ, đẩy lùi được hai tên giặc khủng khiếp là giặc đói và giặc dốt, khẳng định uy tín vô song của Đảng và Chính phủ để chuẩn bị tạo điều kiện choa việc đánh bại giặc ngoại xâm.
Đường lối đoàn kết dân tộc trong chính sách thân sĩ – trí thức biểu hiện cụ thể nhất trong cách xây dựng chính phủ.
Ngày 28 – 8 – 1945, Bác từ Tân Trào về Hà Nội. Ngày 28 – 8 – 1945, Nội các lâm thời được công bố, trong đó có 6 người là Cộng sản (Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Lê Văn Hiến) và 9 người không Cộng sản (Vũ Đình Hoè, Dương Đức Hiền, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tố, Đào Trọng Kha, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân).
Nhưng khi 20 vạn quân Tàu Tưởng vào, tình hình cực ký khó khăn. Chính phủ lâm thời chuyển thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời trong đó ngoài hai Bộ dành cho những người ngoài Đảng là Bộ Nội vụ (Huỳnh Thúc Kháng) và Bộ Quốc Phòng (Phan Anh), còn bốn Đảng Cộng sản, Dân chủ, Việt Quốc, Việt Cách mỗi đảng giữ hai Bộ. Đồng thời, thực hiện bốn điều khiến Việt Nam rõ ràng là một Nhà nước hiện đại, dân chủ, dù người có khắt khe nhất cũng không thể bác lại tính dân chủ, hiện đại và toàn dân của nó:
1. Tổng tuyển cử 6 – 1 – 1946: cực kỳ phổ thông và ự do cao độ.
2. Thành lập Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
3. Trực tiếp quan hệ ngoại giao với Pháp: Hiệp định sơ bộ 6 – 3, Hội nghị Fontainebleau 14 – 4.
4. Xây dựng hiến pháp.
Tất cả những điều này quyển Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh đã nói rất rõ.
Đặc biệt, quyển Pháp quyền giúp ta thấy rõ thái độ đoàn kết giữa Đảng, Chính phủ và Bác với các thân sĩ, trí thức là thân mật, vui vẻ, gắn bó, thoải mái như trong một nhà. Không những lịch sử Việt Nam chưa có tình trạng ấy mà lịch sử thế giới cũng vậy.
Có thể nói Đảng Cộng sản đã kéo được toàn bộ trí thức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Bộ trưởng Bộ Từ pháp thời Pháp thuộc Bùi Bằng Đoàn, khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại, Tổng đốc Hồ Đắc Điềm chỉ kể vài người tiêu biểu đều tích cực tham dự và chiến đấu. Ngay cả cựu hoàng đế Bảo Đại cũng thành cố vấn tối cao. Dù cho sau này có vài người như: Nguyễn Trường Tam, Bảo Đại, rời bỏ hàng ngũ vì họ quá nặng căn thì đó là chuyện riêng từng người không phải do sơ suất của đường lối trí thức của Bác.
Tôi thấy có thể kết thúc bài này bằng hai nhận xét:
Trước hết là nhận xét của UNESCO khi tặng bằng danh xưng “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc – nhà văn hoá lỗi lạc thế giới”.
Một là, văn hoá Hồ Chí Minh đại diện Văn hoá Việt Nam: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh các truyền thống văn hoá qua mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam”.
Hai là, tình toàn nhân loại của lý tưởng của Bác: “Những lý tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của nhân dân các nước trong việc khẳng định văn hoá của mình”.
Ba là, tác dụng tích cực của nó với cả thế giới hiện đại “Khi người ta chỉ nhìn thấy sự phát triển bằng cách độc nhất nhìn vào sự tăng tiến vật chất, và cải thiện vật chất đã diễn ra một sự suy thoái nghiêm trọng có quy mô thế giới nền văn hoá đang suy thoái tới mức có thể diệt vong”.
Nhận xét thứ hai là của chính bác Hoè: “Bác Hồ đã cải hoá bọn chúng tôi thành những cán bộ pháp lý khả thi, dần dần biết suy nghĩ và hành động đúng đắn Công ơn tái tạo của Người đối với chúng tôi sâu biết bao nhiêu”.
Chính nhờ đường lối đối nội và đối ngoại hết sức tinh tế đúng đắn mà miền Bắc hồi đầu cách mạng giành được một năm, bốn tháng, cho đến ngày 19 – 12 – 1946 là ngày kháng chiến toàn quốc, để thống nhất ý chí toàn dân, củng cố quân đội, tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc, toàn dân, toàn diện. Quân đội thực dân Pháp tưởng chiếm được Việt Nam dễ dàng đã vấp phải hết thất bại này đến thất bại khác, nhất là trong chiến dịch thu đông 1947 thường gọi là chiến dịch sông Lô thì Việt Bắc đã thành đất thánh không thể xâm phạm.
Ngày 1 – 10 – 1949, Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập, phía Bắc Việt Nam là một hậu phương mênh mông ủng hộ cách mạng Việt Nam. Pháp phải vay tiền của Mỹ để “Đánh cộng sản”, tỷ lệ vay đã lên tới 80%. Chiến dịch biên giới 1950 với chiến thắng Đông Khê, Thất Khê mở toang biên giới, Việt Nam là một bộ phận của phe xã hội chủ nghĩa.
Đường lối đối với nhân sĩ, trí thức cũng như đường lối chính trị, kinh tế có những thay đổi. Chúng ta đã bước sang giai đoạn mới của cách mạng.
Nguồn: Diễn đàn trí thức, tháng 1 – 2005, trang 3 - 5