Bắc Giang: Sáng chế máy sàng đa năng phân loại vải thiều
Nguyễn Xuân Tình (SN 1977), hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn (Lục Ngạn). Lập nghiệp trên vùng đất vải thiều, ngoài việc nỗ lực vì sự nghiệp trồng người, anh Tình luôn trăn trở với bà con nông dân trong việc tìm đầu ra của quả vải. Vì thế, tranh thủ những ngày nghỉ hè, hơn chục năm qua, anh đã tham gia thu mua vải thiều sấy khô. Anh Tình nhận thấy, thời gian thu hoạch quả vải thiều chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy hai tháng nên áp lực tiêu thụ rất lớn. Ngoài việc tiêu thụ vải thiều tươi, việc tiêu thụ vải thiều sấy khô cũng góp phần quan trọng điều tiết thị trường. Tuy nhiên, trong khâu sấy, do phải đảo nhiều nên tỷ lệ quả vải bị giập vỡ khá lớn (thường 50 kg vải sấy bị giập vỡ mất 1kg), chất lượng không đồng đều và khi sấy xong, chủ lò phải thuê rất nhiều lao động phân loại quả làm tăng giá thành sản phẩm. Để khắc phục những hạn chế trên Nguyễn Xuân Tình bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo máy sàng đa năng phân loại quả vải nhưng công việc chế tạo máy đối với một giáo viên không đơn giản. Nhiều đêm anh thức trắng nghiên cứu, rồi thuê thợ hàn về trực tiếp gia công từng công đoạn của máy ngay tại lò sấy trong suốt một vụ vải. Có lúc tưởng thất bại, nhiều thợ hàn bỏ cuộc, nhưng rồi cuối cùng máy sàng đa năng phân loại quả vải cũng được chế tạo thành công.
Theo đó, một sản phẩm vải thiều đưa vào phễu đầu vào sẽ cho ra 4 loại sản phẩm: thứ nhất quả vải to tròn đều loại 1; thứ 2 quả nhỏ hơn loại 2; thứ 3 là cỡ quả nhỏ nhất; thứ 4 là phế phẩm gồm cuống quả vải, lá vải và những quả vỡ. Anh Tình cho biết, cái khó để máy hoạt động hiệu quả là hệ thống sàng phải vừa rung vừa lắc, mắt sàng phù hợp với kích cỡ của quả vải ở địa phương.
Sản phẩm vải thiều đưa vào máy sàng đa năng phân loại vải là quả vải đã được sấy sơ bộ. Ba sản phẩm vải thiều được phân loại ở đầu ra của máy sàng được hứng vào các bao lưới, sau đó tiếp tục đưa lên sấy khô hoàn toàn. Việc sử dụng bao lưới trong sấy vải thiều cũng là sáng chế của anh Tình nhằm bảo đảm cho quá trình sấy nhanh, chất lượng cùi quả vải khô đồng đều, đỡ nhiều công đảo trên lò sấy cũng như công đóng sản phẩm vào bao bì, hạn chế tối đa vải thiều bị cháy và giập vỡ ở công đoạn sấy vải khô hoàn toàn. Khi vải thiều đã được phân loại cho vào bao lưới đưa lên lò sấy tiếp, thợ sấy vải chỉ cần cầm đầu bao lưới lật ngược lại là xong. Thao tác này vừa nhanh, vải lại được đảo khô đều và hạn chế cơ bản tình trạng đảo quả vải còn sót lại như đảo thủ công dẫn đến cháy hoặc giẫm chân vào làm vỡ vải.
Ông Bùi Văn Tiệp ở Hưng Yên, chủ lò sấy vải thiều khô lớn có công suất 25 tấn vải thiều tươi/mẻ tại Lục Ngạn, người đầu tiên đưa chiếc máy sàng đa năng phân loại quả vào sử dụng, cho biết: Đã sử dụng chiếc máy sàng đa năng phân loại quả vải cùng công nghệ sấy vải bằng bao lưới do anh Tình sáng chế. Thực tế với công suất hoạt động của máy sàng đa năng phân loại quả vải làm việc trong một giờ bằng cả 30 nhân công lao động thủ công nhặt vải vất vả trong một ngày. Hơn nữa, việc sử dụng bao lưới để sấy vải, số lượng quả vải bị hỏng vì sấy quá lửa và giập vỡ giảm đáng kể. Mặt khác, chất lượng quả vải đẹp và đồng đều được khách hàng ưa chuộng nên không bị tư thương ép giá.
Từ khi lò sấy vải của ông Tiệp đưa chiếc máy này vào hoạt động hiệu quả, nhiều người đến đặt mua máy của anh Tình. Đến nay, anh Tình đã sản xuất được hơn 30 chiếc máy sàng đa năng phân loại quả vải. Mới đây, anh Nguyễn Xuân Tình đã được Sở Khoa học - Công nghệ cùng đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn đến nghiệm thu công trình sáng tạo khoa học và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Anh Tình dự định sẽ đưa chiếc máy sàng đa năng phân loại vải cùng công nghệ sấy bằng bao lưới đi dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.