Bắc Giang: Sáng chế lò rác thải gia đình và nhóm hộ
Sau 15 năm quân ngũ, năm 1989, ông Dương Văn Cảnh trở về địa phương. Nhận thấy đường làng ngõ xóm ngày càng bị ô nhiễm bởi nhiều loại rác thải như túi nilon, vỏ bánh kẹo, túi đựng thức ăn gia súc, thậm chí cả xác súc vật chết vất bừa bãi; trong khi ngoài đồng, bao gói thuốc trừ sâu không được thu gom ảnh hưởng đến nguồn nước đã thôi thúc ông tìm hướng xử lý. Ban đầu ông chọn cách tự thu gom rồi chôn lấp rác trong vườn nhưng không hiệu quả, nhất là với túi nilon, chất dẻo... Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối năm 2011, ông Cảnh đã thành công với mô hình lò đốt rác gia đình.
Lò được xây bằng gạch, có cửa cách mặt đất 20-25 cm để tiện hót tro. Phía trên đặt các thanh sắt có tiết diện 6 -10 cm làm ghi để khi đổ rác vào lò không bị lọt xuống đất. Trên lò có nhiều khe thoát và mái che nước mưa. Lò đốt đặt ở góc vườn hoặc một nơi nào đó tiện lợi, trên diện tích khoảng 0,5m2, cao từ 1,5m trở lên, chi phí hết khoảng 200 nghìn đồng. Lò đốt nhóm hộ có quy mô lớn hơn, chi phí xây từ 800 nghìn đến một triệu đồng. Bên cạnh ưu điểm rẻ tiền, lò đốt rác còn rất tiện dụng. Khi có rác người dân chỉ cần bỏ vào lò, kể cả nilon, cao su và các chất thải rắn khác, luồng khí đối lưu tự làm khô. Khi lò đầy rác, chỉ cần châm lửa từ phía dưới, rác sẽ tự cháy hết.
Bằng cách đốt như vậy, các loại rác khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên như túi nilon, lốp cao su, đế giày dép… cho vào lò đốt đều cháy thành than. Với rác thải là chai lọ thuỷ tinh, vật rắn được ông Cảnh xử lý bằng cách đào bên cạnh lò đốt một hố sâu, dung tích khoảng 1 m3 có nắp đậy để chứa. Với dung tích trên, một gia đình có thể dùng từ 20-30 năm, khi nào đầy hố thì lấp đất có đánh dấu để tránh nhầm lẫn.Cái ưu điểm lớn nhất của lò đốt là từ cháu nhỏ cho đến cụ già đều có thể tự làm sạch cho gia đình, ngõ xóm, hình thành ý thức bảo vệ môi trường chung trong nhân dân.
Từ khi gia đình, nhóm hộ, cánh đồng có lò đốt rác, đồng ruộng, thôn xóm ở xã Phi Mô cơ bản không còn túi nilon, bao bì vương vãi hoặc bị vứt xuống kênh mương, ao hồ. Hàng tuần, chi hội phụ nữ huy động hội viên thu gom rác đổ vào lò, khi đầy thì đốt. Các lò nhóm hộ được xây ở ven làng, các cánh đồng. Sáng kiến của CCB Dương Văn Cảnh tuy nhỏ, nhưng thực sự đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng.
Được biết, ông Dương Văn Cảnh sinh năm 1954, nhập ngũ tháng 4-1974, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo vệ biên giới phía Bắc và được kết nạp vào Đảng trong quân ngũ. Năm 1989, ông Cảnh phục viên với quân hàm Đại uý. Vừa về quê, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ, trưởng ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình xã, sau đó nhiều năm làm trưởng thôn. Ở vị trí công tác nào ông cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên nhiều lần khen thưởng. Từ ý tưởng về bảo vệ môi trường, sáng kiến của ông đã có sức lan toả lớn và tạo được hiệu quả thiết thực ngay trong mỗi gia đình, khu dân cư.