Bắc Giang: Phản biện Quy hoạch chung xây dựng đô thị tại huyện Lục Nam
Ngày 16/2, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, phản biện: “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cẩm Lý, đô thị Lan Mẫu huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040”.
ự hội nghị có GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam; TS. Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội… và một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong tỉnh.
Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cẩm Lý, đô thị Lan Mẫu huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 do UBND huyện Lục Nam chủ trì soạn thảo, với mục tiêu phát triển đô thị Cẩm Lý và đô thị Lan Mẫu đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2027 và thành lập thị trấn vào năm 2030.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện nhận xét, đánh giá Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cẩm Lý, đô thị Lan Mẫu huyện Lục Nam đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Tuy nhiên, cần xác định lại đúng tính chất, chức năng, vai trò của đô thị như: là cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang, là đô thị trung tâm của vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và là đô thị hạt nhân phía Nam và phía Tây của huyện Lục Nam. Làm rõ động lực phát triển đô thị Cẩm Lý và Lan Mẫu. Tính toán lại tỷ lệ tăng dân số, làm rõ cơ sở tính toán; thiếu dự báo về lao động và cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Cần tính toán lại diện tích đất ở cho phù hợp với quy mô dân số.
Phần thiết kế đô thị, đề nghị xác định rõ hơn các công trình điểm nhấn như công trình trọng điểm, kiến trúc tiêu biểu, công trình hạ tầng xã hội, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, dịch vụ cấp đô thị… để định hướng đầu tư tạo điểm nhấn của đô thị.
Cần xác định rõ hệ thống hạ tầng giao thông như: giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, giao thông nông thôn; các công trình cầu, bến, bãi đỗ xe, các nút giao thông.
Xem xét việc quy hoạch nhiều trạm xử lý nước thải phân tán, gây tốn kém trong đầu tư và vận hành; cần nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trạm bơm để đưa nước thải về 1 trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đề nghị xác định rõ hơn lộ trình, phân kỳ đầu tư, dự kiến nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn đầu; bổ sung việc đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tạo điểm nhấn và động lực phát triển đô thị…
GS.TS. Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Khu vực lập quy hoạch có cao độ tự nhiên đa dạng, nên cần nghiên cứu kết nối không gian phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với khung tự nhiên, đảm bảo phát triển bền vững và giữ cảnh quan môi trường, hạn chế tối đa san lấp; cần phải đi sâu phân tích đánh giá những rủi ro thiên tai, phân tích mối liên hệ vùng với các đô thị xung quanh. Xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cải tạo và xây dựng mới, đánh giá khả năng đáp ứng trước và sau các giai đoạn quy hoạch thông qua các chỉ tiêu phát triển giao thông, phân tích rõ hơn các dạng địa hình và xác định rõ khu vực hạn chế xây dựng...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Quang Hải, Chủ tịch Liên hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, phản biện đề nghị UBND huyện Lục Nam tiếp thu ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng trình UBND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện.