Bắc Giang: Phản biện chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ngày 27/4/2023, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện: “Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030”.
Tham dự hội thảo có Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT Nguyễn Tiến Định; Trưởng bộ môn thể chế nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Phùng Giang Hải và một số chuyên gia, nhà quản lý trong tỉnh.
Chủ tịch Liên hiệp hội Ngô Chí Vinh, chủ trì hội thảo.
Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh, huy động tốt các nguồn lực trong xã hội, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao.
Tại hội thảo, các thành viên hội đồng phản biện đã nhận xét, đánh giá đối với Tờ trình và Nghị quyết. Đối với Tờ trình: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết cần luận cứ có tính thuyết phục cao; nêu rõ lý do tập trung vào 10 chính sách hỗ trợ; quan điểm cần bám sát chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết, hiệu quả sau hỗ trợ. Đối với Nghị quyết: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc áp dụng cần làm rõ và thống nhất trong toàn bộ nội dung Nghị quyết và từng chính sách hỗ trợ; chính sách cần bám theo mục tiêu đặt ra, có sự ưu tiên, tránh dàn trải; chính sách hỗ trợ nên thông qua tổ chức, HTX. Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ xét hỗ trợ; nghiên cứu đưa thành phụ lục, để Nghị quyết ngắn gọn, rõ các nội dung chính sách hỗ trợ. Các thuật ngữ trong Nghị quyết cần phải rõ ràng, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết còn thấp, chưa thể hiện rõ tính chất đòn bẩy, tác động chưa cao.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, phản biện Ngô Chí Vinh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Nghị quyết bảo đảm chất lượng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện.