Bắc Giang: Những gương sáng tạo trẻ đoạt giải quốc gia
Robotđa năng phục vụ nông nghiệp
Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1993, ở xã Hương Lâm huyện Hiệp Hòa đã chế tạo robot đa năng có thể thay thế nông dân đi phun thuốc trừ sâu, hái hoa quả, tưới nước. Với sản phẩm này, em đã đoạt giải Đặc biệt củaCuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 6năm 2010 và được trao Huy chương Bạc tạiTriển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ năm 2010.
Robot của Hòa có hai vòi phun, một phun gần và một phun xa cùng hệ thống cánh quạt hỗ trợ. Chỉ cần điều khiển robot di chuyển trên bờ có thể phun khắp ruộng.
Sản phẩm được Hòa thiết kế có chức năng quan trọng nhất là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra còn có chức năng tưới nước, có cánh tay để cầm nắm, hái lượm và một chức năng phụ khác là " biến hình " để trở thành một loại đồ chơi (xe bốn bánh, hình người...) cho trẻ em.
Cánh tay bên trái của robot được thiết kế theo chế độ phun xa (có thể tới 4m), phù hợp cho những cánh đồng trồng lúa có kích thước khoảng 8x8m. Cánh tay bên phải lại được thiết kế ở chế độ phun gần, thích hợp cho phun tưới nước, thuốc trừ sâu cho các ruộng trồng hoa màu theo luống. Robot được làm chủ yếu từ các miếng gỗ ép, kẽm mỏng, khung nhôm, bánh ròng rọc, dây giày, xích sắt... Để robot di chuyển được, Hòa đã thiết kế hệ thống bánh xích và hệ thống bánh tròn, trong đó hệ thống bánh xích tận dụng những chiếc xích cam của những chiếc xe máy cũ, còn hệ thống bánh tròn sử dụng bánh xe đẩy trong một số chiếc xe đẩy dành cho trẻ em. Ngoài ra, môtơ để cho robot hoạt động cũng được tận dụng lấy từ các đầu đĩa, đài cũ, hỏng. Phía sau robot được thiết kế gắn bình đựng thuốc trừ sâu và đựng nước, có gắn hai ống dẫn để phun tưới với đường kính mỗi ống khoảng 8cm, trong đó một ống cao khoảng 1m và một ống cao khoảng 60cm. Hệ thống bảng điện điều khiển của robot do em tự nghiên cứu chế tạo, điều khiển bằng chuột máy tính và sử dụng pin ắc quy loại 12V và 7,2V. Để robot phun được thuốc trừ sâu và nước còn cần phải lắp thêm một máy nén khí mini.
Với những tính năng hữu ích như vậy, sản phẩm " Robot đa năng phục vụ nông nghiệp " của em Nguyễn Văn Hòa đã được thử nghiệm hoạt động tốt tại đồng ruộng huyện Hiệp Hòa.
Robot cứu hỏa đa năng
Rô-bốt cứu hóa đa năng
Bắt nguồn từ niềm say mê môn Vật lý khi còn là học sinh THPT, Nguyễn Văn Hưng ở thôn Hải, xã Tân Thịnh (Lạng Giang) đã nghiên cứu sáng tạo nhiều sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao. Em đã tự làm rất nhiều mô hình đồ chơi như: Ôtô đa năng; máy lọc nước, cần cẩu tự động, máy thu hoạch nông sản, máy bơm nước tự động... Những sản phẩm này đã góp phần bổ trợ kiến thức, phát triển ý tưởng sáng tạo mới đồng thời làm phong phú hơn thế giới đồ chơi, giúp em thoải mái, thư giãn vào những ngày nghỉ.
Năm 2010, Hưng đã tìm tòi, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của xe cứu hoả và cho ra đời sản phẩm "Robot cứu hoả đa năng". Dựa trên bài toán vật lý về dòng điện một chiều, nguyên tắc đảo chiều, sự đàn hồi của lò xo, Hưng đã sử dụng vật liệu chủ yếu của gia đình như: tôn mỏng, ống truyền nước, máy bơm ly tâm... để làm mô hình robot. Robot dài 66cm, cấu tạo bởi 4 thành phần chính: cánh tay, thân, cầu chuyển động, hệ thống điều khiển. Thân robot dùng để chứa nguồn điện và bồn đựng nước chuyển hướng linh hoạt; hệ thống trục quay điều khiển hướng phụt nước. Ngoài ra, Hưng còn sáng tạo thêm 1 tay cẩu để gắp những đồ vật trong khu vực xảy ra hoả hoạn hoặc phá huỷ những thứ nguy hiểm... Em đã nghiên cứu rất kỹ lý thuyết về chuyển động, tự động hoá, sau đó lập thiết kế, trình bày bản vẽ trên máy vi tính, thiết lập độ dung sai của mô hình khi áp dụng vào thực tế. Sau khi căn chỉnh, tính toán kỹ thuật tỉ mỉ, chính xác, Hưng tìm đến các xưởng cơ khí nhờ khoan, cắt, chế tạo, bảo đảm kỹ thuật, mang tính thẩm mỹ. "Robot cứu hoả đa năng" vừa có thể chữa cháy vừa có thể cẩu hàng, ủi vật nặng.
Sản phẩm này đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ VI- 2010.
Đặng Quốc Đạt thực hành pha chế nước cám gạo để rửa bát.
Nước rửa bát từ cám gạo thân thiện với môi trường
Đặng Quốc Đạt, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã chế tạo thành công nước rửa chén, bát thân thiện với môi trường và con người từ cám gạo. Sản phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ VII- 2011 và giải Ba cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
Ý tưởng làm nước rửa chén, bát của Đạt bắt nguồn từ những lần đi ăn cỗ đám cưới, chứng kiến nhiều nhà hàng xóm khi xong công việc thì cá nuôi trong ao hồ đều bị chết. Đạt tự đặt cho mình câu hỏi câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó? Qua những lần lên mạng và nghiền ngẫm kiến thức học được trong trường, em biết chính nước rửa chén bát là nguyên nhân gây ra điều đó bởi trong nước rửa bát có chứa những thành phần độc hại. Một lần quan sát những chậu nhôm của gia đình để thức ăn chăn gà, vịt đều trắng sáng mà không phải rửa bằng bất cứ loại nước xà phòng nào. Đạt nghĩ "chắc chắn trong cám gạo có chất gì đó thì mới có hiện tượng như vậy", em lấy một nhúm cám hoà vào nước để rửa bát thì thấy bát sạch dầu mỡ, sáng bóng. Từ đó, em âm thầm nuôi ý tưởng sẽ chế ra loại nước rửa chén không độc hại mà hiệu quả tẩy rửa vẫn cao.
Đặc điểm của loại nước này là khi rửa chén bát sạch hoàn toàn mỡ, khô ráo. Ngoài ra, hỗn hợp có khả năng tẩy sạch vết ố của trà, cà phê trên chén, bát nhanh, không có mùi tanh khó chịu như khi dùng nước rửa bát không rõ nguồn gốc. Không chỉ trên những đồ bằng gốm sứ, trên vật dụng làm bằng nhựa thì hiệu quả tẩy rửa cũng cho kết quả tương tự. Hơn nữa, nước rửa bát chế từ cám gạo có thể thải trực tiếp xuống ao hồ mà không gây nguy hại cho cá hay các loài thuỷ sinh. .
Hiện nay, nước rửa bát pha chế bằng cám gạo, của em đã trở nên phổ biến với người nông dân ở xã Cẩm Lý và khu vực phụ cận huyện Lục Nam, Bắc Giang.
Bài, ảnh: Bá Dương