Bắc Giang: Những giải pháp sáng tạo thiết thực của học trò
Lọc nước bằng năng lượng mặt trời
Tác giả của mô hình là em Nguyễn Văn Đôn, học sinh lớp 11 A5, Trường THPT Lục Nam .Ý tưởng sáng tạo của em bắt nguồn từ tình yêu thương chị gái, cách đây 4 năm, người chị cả trong gia đình Đôn bị sỏi mật. Đã không ít lần em chứng kiến những cơn đau hành hạ chị. Thương chị nhưng em chẳng thể làm gì để giúp chị vơi đi nỗi đau ấy. Về sau em mới biết một trong những nguyên nhân khiến chị mắc bệnh như vậy là do nguồn nước dùng sinh hoạt hằng ngày của gia đình không bảo đảm. Với kiến thức hoá học, vật lý được học ở trường, để kiểm tra chất lượng nước, em đã tự ra Hà Nội mua hoá chất về xét nghiệm, thấy nước bị nhiễm các muối sắt và đá vôi rất nặng. Bởi vậy, bố em đã phải đầu tư một khoản tiền để mua máy lọc nước nhưng dùng chẳng được bao lâu thì hỏng. Trong một lần lên mạng internet, em vô tình đọc được bài báo cho biết mặt trời có thể làm sạch nước. Về nhà em luôn trăn trở làm thế nào để vận dụng tác dụng đó để lọc nước sinh hoạt của gia đình. Sau gần ba năm loay hoay, mày mò em cũng tìm ra cách làm. Em sử dụng chai nước khoáng làm máng thu gom nước mưa, tháp tạo mưa. Buồng đốt, ngưng tụ hơi nước được làm bằng nhôm để dễ hấp thụ nhiệt. Hệ thống này hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời với nguyên lý hoạt động là tận dụng bức xạ mặt trời làm nóng nước khiến nước bốc hơi, ngưng tụ thành nước tinh khiết để sử dụng. Nước từ máng dẫn đến tháp tạo mưa, sau đó nước lại được đưa vào buồng đốt. Tại đây, ảnh hưởng của bức xạ nhiệt làm nước nóng lên và bốc hơi. Ngoài ra, dưới tác dụng của tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, nước được khử trùng, bảo đảm vệ sinh. Tiếp đó, hơi nước đi vào buồng ngưng tụ được tái tạo lại và dẫn vào bình chứa. Dùng máy đo PH, độ tinh khiết để kiểm tra chất lượng nước cho thấy các chỉ tiêu trên đều bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Về mùa đông, thiết bị này còn có thể thu gom lượng nhiệt toả ra từ hoạt động đun nấu để lọc nước, góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy, trong những ngày thời tiết âm u, thiếu ánh sáng có thể đặt hệ thống gần nguồn nhiệt cung cấp năng lượng cho việc lọc nước. Đôn cho biết: "Ưu điểm của phương pháp này là rẻ, dễ lắp đặt, sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Nguyên liệu lại rất dễ kiếm, chiếc bát múc canh, chai đựng nước ngọt, khoáng có thể dùng để làm thiết bị, chi phí chỉ khoảng 30-50 nghìn đồng.
Được biết, sản phẩm của em đã đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lấn thứ VIII . Tuy nhiên, đây là mô hình nhỏ nên thời gian lọc nước lâu hơn so với một số thiết bị chạy bằng điện bán trên thị trường. Em mong sẽ được các nhà khoa học trợ giúp để khắc phục nhược điểm này".
Máy trồng lạc
Nguyễn Đức Hảo giới thiệu mô hình máy trồng lạc tại cuộc thi.
Cùng đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VIII là mô hình, sản phẩm Máy trồng lạc củaem Nguyễn Đức Hảo, học sinh lớp 8, trường THCS Đồng Tâm (Yên Thế).
Để lắp ghép sản phẩm, em tận dụng những nguyên vật liệu phế thải sẵn có của gia đình. Đầu tiên Hảo lấy máng nước chăn gà hỏng làm 4 bánh xe, cứ hai bánh được nối với nhau bởi trục xe bằng thanh sắt hoặc gỗ. Khung máy được làm bằng những thanh sắt, có thể đẩy từ phía sau hoặc kéo phía trước, gập lại gọn nhẹ khi không sử dụng và gắn với hai trục của bánh xe. Dưới gầm khung máy có gắn một miếng tôn để gạt đất ở hai bên sườn luống vào giữa luống. Ống sạ lạc được gắn vào trục trước của máy, trong đó có các cần gạt đặt so le với nhau để gạt lạc bảo đảm mật độ. Trên ống sạ lạc được gắn bình chứa hạt giống. Tất cả các bộ phận được kết nối với nhau bởi đinh, dây thép và keo dính. Sản phẩm hoàn thành, em đã đưa máy thử nghiệm trồng tại gia đình trong vụ lạc xuân vừa qua và thấy rất hiệu quả.
Cụ thể, làm đất xong rồi lên luống, thả phân vào rãnh và tiến hành trồng lạc như sau: cho lạc đầy vào bình chứa lạc, sau đó tiến hành đẩy, kéo máy. Khi máy vận hành, ống sạ lạc sẽ tự động gạt lạc xuống rãnh, đồng thời miếng tôn gạt đất phía sau sẽ tự động lấp đất vào chỗ lạc vừa được rải xuống. Với chiếc máy này, người trồng lạc không phải ngúi thả từng hạt vào hốc và lấp đất như trước, qua đó tiết kiệm công lao động. Áp dụng cách trồng lạc bằng máy chỉ trong khoảng 45 phút là hoàn thành xong một sào lạc (bao gồm các công đoạn) thay vì phải mất một buổi sáng như trước đây.
Để có được sản phẩm này, Hảo cho biết không hề đơn giản, sau ba tháng nghiên cứu em đã thành công với ý tưởng của mình. Được biết, đây là lần đầu tiên em tham dự Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh. Từ thành công này hiện Hảo đang mầy mò, lắp ráp sản phẩm mới để tham dự ở cuộc thi năm sau với hy vọng sẽ đoạt giải thưởng cao hơn.
Rô bốt quét rác
Điệp giới thiệu về sản phẩm với các bạn
Đây là ý tưởng sáng tạo của em Dương Văn Điệp học sinh lớp 12 A2, Trường THPT Việt Yên số 1.
Rô bốt quét rác gồm 4 bánh xe; 6 mô tơ điện một chiều; bộ phận quét, hót, gắp rác có thể quay 180độ từ trước ra sau; thùng chứa rác; khung xe; bảng điều khiển bằng tay. Khi vận hành rô bốt, chổi sẽ quét rác có kích thước nhỏ. Sau đó nhấn nút cho hệ thống hót rác hoạt động để đưa rác lên thùng. Trường hợp gặp rác có kích thước lớn thì cho tay gắp rác hoạt động. Chi phí các nguyên vật liệu để làm một rô bốt này chưa đến 100 nghìn đồng.
Sản phẩm được em "tác nghiệp" hơn ba tháng, trong quá trình "tác nghiêp" em không vẽ hình dạng của rô bốt ra giấy mà tưởng tượng trong đầu. Lấy những phế liệu trong gia đình và nhà chú ruột sau đó chọn, tận dụng bánh xe của những chiếc ô tô đồ chơi, mạch điện, bình ắc quy, quạt bễ hỏng, một số thanh nhôm để lắp ráp. Ngày đi học, tối về sau khi sửa soạn bài vở cho ngày hôm sau rồi lại bắt tay vào ráp nối các phần, phụ kiện. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khi chạy thử, chưa ưng ý Điệp lại tháo tung ra làm lại và cuối cùng đã thành công. Sản phẩm của em đã đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bắc Giang lần thứ IX /2013.