Bắc Giang: Một người nông dân chế tạo máy chẻ nan, nứa
Chúng tôi tìm đến nhà ông vào một buổi trưa nắng, con đường vào thôn không xa nhưng gập gồ và ngoắt ngoéo. Trong cái nắng oi ả cuối thu, ông Dự vẫn đang miệt mài làm việc. Đôi tay thoăn thoắt, nhịp nhàng đưa từng chiếc nan nối tiếp nhau lên máy. Chẳng mấy chốc, đống nan to đã vót xong. Ông Dự khoe: "Một chiếc máy này bằng 80 người làm đấy!". Ông cho biết, nghề đan phên phơi bánh đa, mỳ… nơi đây đã có từ lâu, đến ông là đời thứ ba trong gia đình làm nghề. Ông coi đây là nghề chính để "kiếm cơm" nên luôn nghĩ cách duy trì và phát triển nó. Ông thường lên rừng lấy nứa, chẻ lạt, nhiều ngày đêm ăn ngủ trong rừng. Sau mỗi chuyến đi về, đôi bàn tay ông đã chai sạn lại nham nhở, ứa máu vì nan nứa đâm vào. Vợ con ông Dự cũng thường xuyên rách da thịt vì làm nghề. Vất vả, mệt nhọc là vậy mà lãi cũng chẳng được là bao song ông vẫn kiên trì bám nghề bởi nghĩ đây là nghề chính.
Kể đến đây, ông Dự cầm cốc nước lên uống một ngụm rồi nói tiếp: "Chẻ nan, lột lạt mà đeo găng tay thì khó làm lắm anh ạ. Trong khi mình đã nhận lời với khách hàng rồi thì có đau đến mấy cũng phải cố". Càng làm ông càng thấy yêu công việc và luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao hiệu quả từ nghề.
Sáng kiến làm máy chẻ, lột nan nứa bắt nguồn từ một lần ông để ý vợ chẻ rau muống thấy một lần chẻ được nhiều phần đều nhau, ông liền nảy ra ý tưởng làm một con dao tương tự để chẻ nan. "Dao có hình tròn, bên ngoài những lưỡi dao được hàn hai thanh sắt đối xứng nhau làm tay cầm chẻ nứa, thiết kế theo kích cỡ của thân nứa, mỗi lần chẻ được 9-17 chiếc nan. Sử dụng dao rất đơn giản, chỉ cần đặt dao vào đầu ống nứa, dùng sức ấn xuống dưới là cây được chẻ thành nhiều phần" – ông Dự nói.
Đã có dao chẻ nhanh hơn trước nhưng vót nan vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức, ông lại nghĩ làm thế nào để sản xuất ra chiếc máy thực hiện nhanh công việc này. Nghe nói ở Tuyên Quang, Thanh Hoá có máy lột cọ rất hiệu quả, ông tìm đến tận nơi học hỏi và thuê thợ hàn cho chiếc máy ấy. Nhưng khi cho nứa vào máy, máy ngừng hoạt động bởi thanh nứa có mấu nên nan không thể chạy qua, máy đành vứt xó. Ông suy nghĩ và mang máy ra hiệu hàn xì nhờ thiết kế lại theo ý mình. Loay hoay tháo chỗ này, lắp chỗ khác rồi đục, xoáy mất bao thời gian cũng chẳng được. Đêm nằm không ngủ, ông nghĩ lò xo khi lực tác dụng vào sẽ bị lún xuống nên lập tức thay thế chiếc ốc cũ bằng ốc có gắn lò xo xem sao. Quả nhiên sau khi lắp và gắn mô tơ, máy chạy trơn chu, nhanh chậm theo tay điều khiển, điều chỉnh được độ dày, mỏng của thanh nan.
Từ khi có chiếc máy chẻ nan, lột lạt, việc sản xuất của gia đình ông Dự đạt hiệu quả cao. Nếu trước đây, một ô tô nứa (150 bó) phải cần 80 công lao động làm việc cật lực mới xong các công đoạn chẻ, lột nan thì nay chỉ cần một người cùng với máy trong một ngày đã hoàn thành. Bà con làm nghề đan lát thấy hiệu quả kinh tế của chiếc máy đã đến nhà ông đặt mua. Trong quá trình sử dụng nếu gặp trục trặc đều được ông sửa chữa và bảo hành miễn phí. Bây giờ, người làm nghề trong thôn không phải thuê nhiều nhân công chẻ, vót lạt nữa mà thuê đan phên cho kịp nhu cầu khách hàng. Nhờ có máy, năng suất lao động cao hơn hẳn, cứ hai ngày một lần, ông Dự lại giao một chuyến hàng cho người làm bánh đa nem ở Thổ Hà (Việt Yên), mỳ, bánh đa Kế (TP Bắc Giang), mỳ Chũ (Lục Ngạn) và một tháng có đôi chuyến ô tô cung cấp phên cho người làm mỳ, miến, bánh phở ở các tỉnh lân cận. Thu nhập của gia đình ông Dự ngày càng cao, có điều kiện nuôi các con ăn học, sắm sửa vật dụng phục vụ sinh hoạt. Sáng chế dao chẻ và lột nan đan phên đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn tỉnh lần thứ IV năm 2010-2011. Mục đích của ông Dự khi tham gia cuộc thi này là giới thiệu sản phẩm của mình cho đông đảo bà con được biết, áp dụng trong sản xuất, giảm bớt nhọc nhằn cho người làm nghề đan lát.