Bắc Giang: "Kết duyên” nhãn - vải
Chúng tôi tìm đến nhà ông trong một buổi chiều hè nắng nóng, con đường từ thị trấn Chũ (trung tâm huyện) đến nhà ông không xa nhưng ngoằn ngoèo và heo hút, dưới cái nắng như lửa đốt, ông Hơn vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn cây bên đồi của mình nâng niu từng chùm quả, dọn từng cây cỏ và tưới nước cho từng gốc cây. Thấy chúng tôi đến, ông để bỏ lại công việc chăm sóc vườn cây đó mời chúng tôi vào nhà uống nước và trò chuyện.
Có chí làm quan, có gan làm giàu
Ông kể: Mấy năm trước, kinh tế gia đình ông cũng như nhiều hộ dân ở Lục Ngạn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ cây vải thiều. Hơn 1ha đất của gia đình ông bạt ngàn màu xanh của vải. Vài năm trở lại đây, giá vải liên tục xuống thấp. Trừ các khoản chi phí như: phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công… thì sau thu hoạch hầu như không còn đồng lãi. Nhiều hộ dân không còn thiết tha với cây vải nữa. Bản thân ông Hơn cũng thấy ngao ngán.
Cách đây vài năm, giữa cái buổi trưa hè nắng như đổ lửa, không biết ma xui quỷ khiến thế nào ông lại vác dao ra vườn chặt hết những cây vải xum xuê cành lá. Vợ ông xót. Bản thân ông cũng vậy, nhìn những cây vải lâu nay mình chăm bón nay trơ ra toàn gốc mà đau quặn đáy lòng. Việc đã rồi biết làm sao. Nhưng khi nhìn những mầm vải non tơ mọc lên từ những cây ông hạ gục, trong đầu ông lại nảy ra một ý tưởng lạ lùng có một không hai mà từ trước đến nay chưa một nhà khoa học nào nghĩ ra: bắt những cây vải này phải cho ra quả nhãn và giải pháp ghép nhãn chất lượng cao trên thân cây vải thiều được ông thực hiện.
Trong vườn nhà ông lúc này có hơn chục loại nhãn, đủ các giống: chín sớm, chín muộn của Hưng Yên, Hà Tây (cũ), Trung Quốc… Ban đầu, ông ghép thử loại nhãn chín sớm gốc Hưng Yên. Loại nhãn này có nhiều ưu điểm như: quả to, hương vị thơm ngon đặc biệt… Nhưng khi đưa vào ghép với vải lại không thích hợp. Các mầm ghép không mọc, có mầm nào mọc thì cũng quặt quẹo rồi chết. Không nản, ông chuyển qua ghép loại nhãn chính vụ Hà Tây. Thật bất ngờ, những mầm ghép của giống nhãn này trên cành vải lại phát triển xanh tốt. “Nếu loại nhãn này trồng thì phải 3 năm mới cho thu hoạch, nhưng khi ghép trên cây vải chỉ một năm đã cho quả” - Ông chia sẻ. Vậy là trong khi cây vải của các gia đình khác đến vụ cho ra những quả vải đỏ ối thì cây vải nhà ông lại cho ra những chùm nhãn mọng nước, thơm lừng. Không chỉ vậy, giá bán loại nhãn ghép này còn cao gấp 4 – 5 lần so với giá vải thiều.
Sau khi ghép thành công những mầm nhãn trên cây vải, ông Hơn tiếp tục mở rộng diện tích nhãn ghép trên những cây vải khác. Rút kinh nghiệm từ những phút “bốc đồng” mà chặt trụi vải lần trước, lần này, mỗi cây ông chỉ chặt khoảng 5 cành ở giữa tán có đường kính khoảng từ 20 – 30 cm để ghép nhãn, số cành còn lại vẫn cho thu hoạch vải bình thường. Sau khi nhãn lớn, cho thu hoạch ổn định thì mới tiếp tục cắt bỏ số cành vải còn lại.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhìn những chùm quả sai trĩu, mọng nước được nuôi dưỡng từ gốc cây vải, chúng tôi không khỏi thán phục sự “bạo gan” nhưng cũng đầy sáng tạo của ông. Không giấu nổi niềm vui, ông cho biết: Nếu một cây nhãn bình thường khoảng 3 năm sẽ cho thu từ 30 – 40kg quả, nhưng nhãn ghép trên vải 2 năm đã cho thu từ 50 – 60kg. Hơn thế nhờ mầm ghép từ giống nhãn chất lượng nên nhãn thu hoạch quả đẹp rất dễ bán, được giá hơn vải nhiều lần. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến đặt mua nhãn nhà ông với giá từ 15.000 – 20.000đ/kg.
Nhận thấy hiệu quả ,ông mạnh dạn tiếp tục thực hiện ghép các loại nhãn khác nhau. Từ giống nhãn dại, ông cho ra đời hàng chục dòng nhãn chín sớm, chín muộn. Loại nhãn do ông lai ghép có ưu thế tuyệt đối so với các loại nhãn khác được trồng ở địa phương như: quả to, chất lượng ngon, thời gian chín kéo dài trên một tháng, bán giá cao, được người dân xa gần tìm mua. Ông cho biết: Nhãn ghép lớn nhanh, cây khỏe, có sức đề kháng cao chống chịu được với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, chất lượng quả đảm bảo, cây trồng nhiều năm cũng không sợ thoái hóa giống.
Ngoài hơn 30 cây nhãn ghép vải, hiện trong vườn nhà ông còn trồng trên 500 gốc nhãn, đủ các dòng chín sớm, chín muộn, chính vụ. Từ vườn nhãn này, mỗi năm gia đình ông thu về số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Người dân xã Hồng Giang gọi ông là ông "Hơn nhãn". Thông thường, ghép nhãn khó hơn ghép vải và một số loại cây khác. Vỏ nhãn mỏng, ít nhựa nên tỷ lệ mắt ghép sống được rất thấp. Người ghép đòi hỏi phải có kỹ năng thuần thục. Ông tiết lộ: “Thời gian thích hợp nhất để ghép nhãn là vào khoảng tháng 3-4 âm lịch, ghép vào thời điểm này tỷ lệ sống của mắt ghép rất cao từ 80 – 90%. Gốc ghép phải đảm bảo ít nhất trên 2 tháng tuổi, phải chọn những cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi ghép, thao tác phải nhanh, không để khô nhựa mắt ghép. Mắt ghép phải được quấn giấy bóng thật kín không để côn trùng cắn, nếu để côn trùng cắn thì mắt ghép dù đang phát triển cũng bị chết. Phải thường xuyên đánh nhánh phụ cây gốc cho mầm ghép có đủ dinh dưỡng phát triển tốt”. Có rất kiểu ghép khác nhau như ghép mắt, ghép cửa sổ… nhưng theo ông Hơn ghép nhãn theo kiểu ghép nêm là mang lại hiệu quả sống cho mầm ghép cao nhất.
Sau mỗi vụ thu hoạch, ông nông dân Lê Thế Hơn lại bận bịu với việc chăm sóc vườn cây và hướng dẫn kỹ thuật trồng và ghép các giống nhãn lên thân vải do mình “phát minh” ra cho bà con nông dân xa, gần có nhu cầu tìm hiểu. Hiện nay, vườn nhãn vải được ông “Kết duyên” đã đang hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.
Được biết, giải pháp "Ghép nhãn chất lượng cao trên thân cây vải thiều" của ông Hơn đã giành giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang năm 2009.