Bắc Giang: Giải pháp Di mỏ gà đạt hiệu quả kinh tế cao
Vốn là người gắn bó với nghề chăn nuôi gà, trong quá trình nuôi ông Trọng nhận thấy, đàn gà mổ nhau nhiều, nhẹ thì trụi lông, nặng thì bị chết. Ban đầu, ông tưởng đó là do lượng thức ăn không đủ dinh dưỡng hay mật độ nuôi quá dầy nhưng khi đã được khắc phục thì tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, số lượng gà mổ nhau nhiều hơn, cao điểm có lúc hàng trăm con gà bị chết, gây thiệt hại kinh tế. Ông nghĩ gà mổ nhau là do tập tính, hoặc do căng thẳng. Từ đó, ông mày mò tìm cách di mỏ gà. Thực tế từ việc làm này đã cho kết quả đáng mừng, đàn gà tránh được hiện tượng cắn mổ, ăn lông, ăn thịt lẫn nhau; giảm tỷ lệ hao hụt thức ăn do rơi vãi, gà lớn nhanh, khoẻ mạnh
Di mỏ gà cần phải chọn đúng thời điểm thì bắt gà mới dễ dàng, đàn gà không bị ảnh hưởng như sợ sệt, bay tán loạn. Dụng cụ di mỏ gà là một thanh sắt nhỏ, lò nung và một thanh gỗ mỏng. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, ông Trọng bắt tay vào việc di mỏ cho gà. Với gà con, ông di vào thời gian từ 7-10 ngày tuổi, đưa thanh sắt di mỏ trên của gà, vết di cách lỗ mũi khoảng 2mm. Ở gà hậu bị di lúc 7 -8 tuần tuổi hoặc 12-16 tuần tuổi, vết di vuông góc với trục mỏ, cách lỗ mũi 6mm. Gà sau khi di mỏ được uống nước pha Vitamin K, bổ sung thuốc Tetracyline trong thời gian 4-6 ngày. Với cách làm linh hoạt, nhanh nhẹn, chỉ trong gần 2 giờ, ông đã hoàn thành việc di mỏ cho đàn gà gần 1 nghìn con của gia đình. Ông Trọng cho biết thêm, sau khi di mỏ gà xong cần cho gà ăn theo chế độ tự do trong 1 tuần, thức ăn đổ dầy để mỏ gà không chạm vào đáy và thành máng, hạn chế thức ăn bột còn dính vào mỏ làm giảm chảy máu. Đồng thời thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời nếu gà bị chảy máu nhiều, tránh dồn bắt làm xáo động đàn trong vài tuần đầu. Ông chia sẻ: "Kỹ thuật cắt mỏ gà phải bảo đảm cho mỏ chậm mọc lại, cắt đúng chỗ, không ảnh hưởng đến việc ăn uống nên gà tăng trọng nhanh. Trong quá trình di mỏ cần chú ý nhất là khâu nung nhiệt cho thanh sắt không quá nóng hiệu quả mới cao".
Từ cách làm đơn giản này, nhiều người nuôi gà trên địa bàn huyện Yên Thế làm theo và đã cho hiệu quả cao trong chăn nuôi. Hiện nay, phương pháp di mỏ gà được cải tiến sử dụng bằng máy. Tuy nhiên, chi phí cho một máy di mỏ gà đắt gấp nhiều lần so với phương pháp cũ và chỉ dùng được khi có điện. Với đặc thù ở vùng nông thôn, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra thì phương pháp thủ công lại phát huy thế mạnh vì ở bất cứ địa điểm, thời gian nào cũng có thể làm được.
Từng nhiều năm chăn nuôi gà, nhờ lòng kiên trì, ham học hỏi, ông Trọng không chỉ mang lại thành công cho gia đình mà còn giúp nhiều nông dân trên địa bàn xã làm giàu nhờ chăn nuôi gà.