Bắc Giang: Anh kỹ sư của nông dân
Tốt nghiệp trường Trường Công nhân Kỹ thuật I Bắc Giang, ông Nguyễn Đức Thành mở xưởng và thành lập Công ty TNHH một thành viên cơ khí Tuyết Thànhtại thôn Cầu Thượng xã Nhã Nam huyện Tân Yên chuyên sửa chữa máy nông cụ, máy cày, máy kéo, sản xuất máy khoan giếng... phục vụ bà con nông dân địa phương. Sau nhiều năm liền đi vào hoạt động, Công ty đã tạo ra nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao và được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Từ sáng chế ra Máy sạ lúa
Những năm gần đây, người dân thôn Cầu Thượng, Nhã Nam huyện Tân Yên thường băn khoăn, lo lắng mỗi khi mùa vụ đến; bởi vào vụ cấy, nhiều gia đình phải thuê lao động làm cho kịp thời vụ nhưng không ít người từ chối hoặc đòi giá cao. Trong khi đó nhiều hộ gia đình chỉ có số lao động chính ít nhưng lại có hơn hai mẫu ruộng, nếu phải thuê nhân công cấy thì tổng số tiền công cấy mỗi vụ hơn một triệu đồng.
Trước những băn khoăn, lo lắng đó, ông Nguyễn Đức Thành đã trăn trở làm sao để có chiếc máy gieo sạ lúa giúp bà con nông dân giảm được chi phí, rút ngắn thời gian lao động, lại có thể vận dụng được cả từng chất đất ruộng. Bằng lòng kiên trì và vốn kiến thức sẵn có trong trường học, sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu chế tạo Ông đã cải tiến từ các máy gieo sạ do các đơn vị phía Nam sản xuất không phù hợp với tập quán canh tác của người dân miền Bắc như: Khoảng cách giữa các dảnh mạ thường dày hơn; do đặc thù đất đai nên bánh xe của máy cũng nặng hơn nên không áp dụng được… thành máy gieo sạ phù hợp với tập quán canh tác của người dân miền Bắc.
Máy có ba chế độ gieo tuỳ theo độ dài của mầm thóc và giống lúa, trọng lượng nhẹ khoảng 10 kg, dễ điều chỉnh, thuận tiện cho người sử dụng. Máy sạ lúa của công ty ông đã thử nghiệm 5 vụ lúa, được người sử dụng đánh giá chất lượng gieo tốt, ít phải giặm tỉa, giá thành hợp lý. Máy tạo hàng lúa có bề rộng 14cm, mỗi hàng cách nhau 28 cm. Mục đích của việc làm máy sạ lúa hàng rộng - hàng hẹp tùy theo độ chỉnh đó là: Tạo độ thoáng cho lúa phát triển nên nhiều bông cái, ít hạt lép, cây ít bị đổ hơn, năng suất so với sạ lúa thông thường tăng từ 5-7%; giảm hẳn sâu bệnh. Từ đó giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Mật độ gieo hạt thưa hơn các máy sạ lúa hiện đang sử dụng ở đồng bằng Nam bộ nên tiết kiệm được thóc giống. Thời gian gieo cấy 15 phút/sào…
Máy sạ lúa mang thương hiệu Tuyết Thành đã đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III năm 2009; giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III và là một trong 9 sản phẩm của tỉnh Bắc Giang đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc (tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh) năm 2012.
Đến chiếc Máy tuốt lạc đa năng
Máy tuốt lạc
Thành công ban đầu từ máy sạ lúa, cuối năm 2008, ông bắt đầu nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm chiếc máy tuốt lạc đầu tiên, xuất phát từ việc thấy nông dân địa phương sử dụng máy tuốt lúa để tuốt lạc. Năm 2009, chiếc máy tuốt lạc với kết cấu gọn nhẹ, giá thành hợp lý, nhiều tính năng hữu ích phù hợp với các hộ gia đình nông dân đã được ông hoàn thiện.
Máy được thiết kế gồm hai phần chính là lồng tuốt và phần động cơ, trong lồng tuốt có 2 quả lô chạy ngược chiều nhau để tuốt quả lạc; phần động cơ có thể sử dụng các loại máy nổ, mô tơ điện, động cơ xe máy có công suất từ 0,75 kW đến vài kW. Trọng lượng của máy gọn nhẹ (dưới 35 kg, kể cả phần động cơ) nên có thể mang ra ngoài đồng để tuốt lạc ngay tại ruộng, giảm được công vận chuyển cây lạc thu hoạch từ đồng ruộng về nhà. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, máy có thể tuốt được một sào lạc, thân cây lạc không bị cuốn vào máy, củ lạc không bị dập vỡ và đều được giũ sạch đất, an toàn cho người sử dụng. Theo ông, nếu sử dụng loại động cơ xăng 4 kỳ cho chiếc máy tuốt lạc này thì lợi ích càng lớn hơn, bởi vì loại động cơ này vừa có thể sử dụng để tuốt lạc vừa có thể sử dụng để bơm nước tưới tiêu khi cần thiết ngay tại đồng ruộng. Loại máy tuốt lạc này có giá bán dưới 3 triệu đồng/chiếc, so với một số loại máy tuốt lạc do miền Nam sản xuất (giá từ 8 triệu đồng trở lên/chiếc) thì giá thành đã rẻ hơn rất nhiều. Từ khi bắt đầu sản xuất loại máy tuốt lạc này đến nay, Công ty của ông Thành đã xuất bán được hàng trăm chiếc phục vụ bà con nông dân trong tỉnh Bắc Giang và các tỉnh bạn. Năm 2009, tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang sản phẩm máy tuốt lạc đa năng đã đoạt giải Nhì.
Và nhiều sản phẩm máy móc khác
Ngoài hai sản máy gieo sạ và máy tuốt lạc đa năng, Công ty Tuyết Thành còn sản xuất hàng loạt các sản phẩm phục vụ nông dân như: Máy thái sắn, máy tách hạt ngô, máy thái phống (quả tai chua),… Ông luôn tìm tòi các sản phẩm mới, có lợi cho người dân từ các phương tiện thông tin đại chúng để cải tiến, sản xuất sao cho đơn giản, giá thành thấp nhất. Vì vậy, các máy nông cụ do cơ sở Tuyết Thành sản xuất luôn có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 30-50% và người dân luôn hài lòng về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các máy nông nghiệp do Công ty ông sản xuất đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết: "Dự kiến mỗi năm Công ty sẽ sản xuất hàng trăm máy gieo sạ lúa, máy thái sắn, máy tuốt lạc…để đáp ứng nhu cầu của bà con, hiện nay cơ sở có nhiều đơn đặt hàng nhưng quy mô sản xuất chưa đáp ứng kịp thời. Chúng tôi đang tập trung các nguồn lực để mở rộng sản xuất nhưng điều quan trọng là luôn bảo đảm các sản phẩm chất lượng tốt, giá thành thấp để nông dân dễ dàng mua sắm”.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2011,ông Thành được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen là nông dân tiêu biểu, điển hình, sáng tạo trong sản xuất lúa gạo; năm 2012 được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước; và vừa qua, ông vừa được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” trong tổng số 62 nông dân điển hình tiên tiến trong cả nước.