Anh Phạm Thế Minh: Cải tiến máy xịt thuốc trừ sâu tiện dụng, hiệu quả
Anh Minh cho biết, sáng kiến trên xuất phát từ những lần đi thực tế về nông thôn, nhận thấy lực lượng lao động ở khu vực này ngày càng giảm do lao động trẻ hiện nay có xu hướng đi tìm việc ở các thành phố lớn hoặc đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, lao động còn lại phần lớn là những người lớn tuổi.
Từ thực tế trên, anh suy nghĩ phải tìm cách cải tiến những thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng giúp người nông dân giảm bớt việc dùng sức.
Xuất thân từ nghề buôn bán đồ cũ như: bình xịt, máy bơm nước, các đầu bơm nước “nghĩa địa” do Nhật sản xuất… Sau đó được theo học lớp công nhân kỹ thuật ngành điện (bậc 3/7) tại Trường Công nhân kỹ thuật Tiền Giang nên anh nắm vững cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của các thiết bị, máy móc trên.
Đầu năm 2012, anh bắt tay vào nghiên cứu. Sau thời gian mày mò, đến tháng 7-2012, anh đã cho ra đời máy xịt thuốc trừ sâu cải tiến đầu tiên, nhưng qua thử nghiệm anh nhận thấy hiệu quả chưa đạt yêu cầu (áp lực thấp, bộ phận truyền động tiếp xúc chưa tốt). Sau đó, anh tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Đến tháng 3-2014, anh đã cải tiến thành công máy xịt thuốc trừ sâu với hiệu quả mang lại như mong đợi.
Máy xịt thuốc do anh cải tiến gồm có bộ phận nén tạo áp suất cao được kéo bởi mô-tơ 1 ngựa (1 HP). Trong đó, bộ phận nén khí anh sử dụng từ bình xịt của hãng Honda (nông dân sử dụng để xịt lúa, giá bán 4,5 triệu đồng/bình); riêng mô-tơ, anh đặt hàng 1 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất (tháo bỏ buồng bơm và lắp bộ phận truyền động dưới dạng bố nồi Honda do anh sáng chế).
So với một số sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất, máy xịt thuốc do anh cải tiến có tính năng hơn hẳn ở chỗ thay vì sử dụng mô-tơ vòng tua chậm (1.400 vòng/phút, công suất 1,5 HP), anh sử dụng vòng tua nhanh (2.850 vòng/phút, công suất 1 HP) và có lắp chíp tự động ngắt điện khi máy nóng hoặc quá tải nên điện năng tiêu thụ ít hơn (phù hợp với vùng nông thôn có điện áp thấp), trong khi áp lực nén cao hơn (trên 45 kg/cm 2), tuổi thọ của mô-tơ được kéo dài hơn.
Khi vận hành, máy được đặt cố định gần bồn chứa hỗn hợp thuốc (chỉ cần một người thao tác, phụ nữ, thậm chí người lớn tuổi cũng có thể làm được), có thể đảm bảo áp lực phun cho đoạn dây dẫn có chiều dài đến 1.000 m (có tời xả và cuộn dây lại). Ngoài xịt thuốc, máy còn được sử dụng để rửa xe (ở gia đình), tưới kiểng…
Tính từ ngày cho ra đời chiếc máy đầu tiên, đến nay anh đã xuất bán khoảng 100 máy (trong đó có 1 Việt kiều mua về nước Úc sử dụng) với giá 2,8 triệu đồng/máy. Hiện anh đang đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp cho “Máy xịt thuốc” và gửi hồ sơ đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014-2015).
Bên cạnh việc cải tiến máy xịt thuốc, anh còn nghiên cứu cải tiến bộ phận nén của bình xịt máy PM (kết cấu vỏ nhựa 20 lít, sử dụng bình ắc quy 12V) theo hướng nâng cao áp lực, bảo đảm chiều dài đường dây phun có thể đạt từ 100 - 150 m (giá bán từ 1,7 - 2 triệu đồng). Thiết bị này có thể được sử dụng để phun sương trong các quán ăn, quán giải khát vào mùa nắng nóng, vừa tạo không khí mát mẻ, vừa giúp tiết giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.