Ảnh hưởng của độ ẩm hạt lúa đến chất lượng gạo
Thông thường, việc làm khô lúa được bà con nông dân thực hiện nhiều cách như phơi nắng, dùng máy sấy, ….để đưa ẩm độ hạt xuống. Thế nhưng không phải là lúa càng khô là càng tốt. Các nhà chế biến thóc gạo đã phân tích vấn đề này trong các công đoạn của quá trình chế biến gạo.
Trước tiên phải hiểu độ ẩm hạt là hàm lượng nước chứa trong hạt lúa, độ ẩm của lúa cao hay thấp đều ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xay xát, cụ thể là :
* Khi hạt quá ẩm ( độ ẩm từ 17% trở lên) sẽ có kết cấu hạt mềm và bở, hệ số ma sát mặt ngoài cao sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất. Khi xay sẽ khó bóc vỏ vì liên kết giữa vỏ trấu và hạt gạo lức tương đối chặt, vỏ trấu ẩm nên dẻo dai hơn. Khi gằn do có độ tan rời kém, hệ số ma sát mặt ngoài cao nên tính tự phân loại của nguyên liệu trên mặt sàng kém dẫn đến hiệu suất phân ly của sàng gằn sẽ thấp .Khi xát trắng, do kết cấu hạt mềm nên việc bóc vỏ cám rất dễ nhưng cám tạo thành dễ làm tắc nghẽn lưới xát, hạt dễ bị gãy nát, năng suất thiết bị kém và gạo xát dễ sinh ra hiện tượng “ bó cám”. Ngoài ra độ ẩm hạt cao còn làm giảm hiệu suất làm sạch của các hệ thống làm sạch như sàng tạp chất, hệ thống hút bụi.
* Khi hạt quá khô ( độ ẩm dưới 14%): Đối với hạt khô thì hệ thống sàng làm việc rất tốt, vì hạt khô có độ tan rời của khối hạt lớn do đó hiệu suất và năng suất làm việc của mặt sàng đạt rất cao. Tuy nhiên vì hạt quá khô nên kết cấu của hạt giòn nên khi đưa vào xay xát sẽ cho tỷ lệ gãy nát cao, đặc biệt là khi yêu cầu mức xát trắng cao thì tỷ lệ gãy nát sẽ tăng rất cao.
* Khi hạt khô trung bình ( độ ẩm từ 14 - 15,5%) : Hạt khô thường xay xát rất thuận lợi, thiết bị hoạt động an toàn, tiêu tốn ít động lực, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu. Vì vậy, khi đưa vào xay xát ẩm độ của hạt từ 14 - 15,5% là tốt nhất.
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng độ ẩm của hạt ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng gạo thành phẩm.Trong mùa mưa, để đạt được độ ẩm hạt theo yêu cầu, việc làm khô hạt phải thực hiện ở các máy sấy vì khi dùng máy sấy chúng ta có thể khống chế các điều kiện kỹ thuật của thiết bị để được hạt sau sấy có độ ẩm theo yêu cầu. Còn cách phơi nắng theo truyền thống thì khó đạt được điều đó, vì đây là phương pháp làm khô phụ thuộc vào thời tiết nhất là trong mùa mưa, điều kiện mưa nắng thất thường rất khó kiểm soát đến ẩm độ hạt lúa.
Nguồn: Bản tin Nông nghiệp và Nông thôn Vĩnh Long (số 47, tháng 08/2005)