Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 17/09/2005 16:03 (GMT+7)

Anh hùng lúa giống

Thật không ngờ đã ở ngoài cái tuổi ‘cổ lai hy’ mà sớm sớm, chiều chiều ông bà vẫn dắt tay nhau ra vườn ngắm nhìn hoa trái xanh tươi đằm thắm như thể ngày nào. Bà nói rằng: Cả những lúc khó khăn cho đến nay đời sống khá lên chút ít, bà luôn chia sẻ với ông những gì mà ông muốn, hoặc bà cảm thấy… ông cần. Ông lại nói: Chưa bao giờ ông gia trưởng với bà kiểu ‘chồng chúa vợ tôi’. Bù lại, bà luôn đối với ông ‘tương kính như tân’ là điểm tựa để ông có đà vượt lên qua số phận cay đắng, vinh quang đời ông được tỏa sáng..

“Nuốt hận”…

Đã qua lâu cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, trí nhớ của ông Hai Hữu thật lạ kỳ. Ông kể vanh vách cái năm 78-79 định mệnh: Cả Đồng Tháp Mười bị dịch rầy nâu, lúa cháy vàng hoe rồi đổ gục. Sau đó lại lũ lớn, dân tình hoảng loạn bỏ đồng chạy dạt vô bờ, Nhà nước phải cứu trọ bằng hạt bo bo. Bao năm gắn bó với đồng ruộng, ông thao thức đêm đêm: “Nếu có được giống lúa kháng rầy thì dân minh đỡ khổ biết bao nhiêu”. Nghe đài báo nói ở xã Lương Hòa Lạc (Tiền Giang) có ông Võ Văn Chung cấy được giống lúa không bị rầy nâu, ông liền bỏ việc đồng áng cho bà, lặn lội đến nhà ông Chung nài nỉ: “…Đồng bào mình cực quá, xin anh san sẻ…”. Nhìn ông Hai Hữu “quá nông dân”, ông Chung lấy cái ly uống rượu đông đầy ly lúa giống đưa ông Hữu, giọng coi thường: “Giống lúa bây giờ mắc lắm, bây nhiêu đem về làm là được rồi, nhiều quá sợ hỏng, uổng phí”.

Nuốt hận vào lòng, ông Hai Hữu mang ít giống lúa về nhà, tự nhủ lòng phải nhân cho ra bằng được. Ông Hai cuốc kỹ một miếng ruộng, bón phân, đắp bờ giữ nước cẩn thận và áp dụng biện pháp chăm sóc đặc biệt để nhân giống lúa quý. Quả là đất đã không phụ lòng người, cuối vụ, ông thu hoạch được 20kg. Giữa lúc ông Hữu loay hoay tìm kiếm “phép màu”, làm cách nào để nhân được nhiều lúa giống cho bà con, thì kỹ sư Nguyễn Thành Nghiệp - người thân của GS. Võ Tòng Xuân ở Trường đại học Cần Thơ và TS Nguyễn Văn Luật - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) về làm Trưởng phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp Long An, tìm đến nhà. Biết ông Hữu có tâm huyết với cây lúa, ông Nghiệp chỉ vẽ: “Làm giống lúa theo kỹ thuật mới chú có chịu không?”.

- Sao không chịu, nhưng làm cách nào? Ông Hai như mở cờ trong bụng, sốt sắng hỏi lại ông Nghiệp.

- Thì gieo mạ thưa ra, khi đem cấy, chỉ cấy một gié thôi, 20kg thóc của chú sẽ cấy được một hécta ruộng.

Hồi đó cả vùng đất Nam Bộ, ngay đến cấy thưa còn chưa dám, có ai cấy một gié bao giờ. Lúc đầu ông Hai cũng bán tín, bán nghi “nhưng chẳng lẽ ông Nghiệp là cán bộ KHKT lại nói sai?”. Nghĩ kỹ, ông Hai cũng nghe lời ông Nghiệp đem 20kg giống lúa ra gieo 4 công ruộng (4.000m2). Mạ lên đẹp, “theo lời ông Nghiệp, tui cấy thưa ra, mỗi bụi một “tép” được tới 1,2 ha. Ông Nghiệp nói quả không sai, tới giai đoạn thúc phân lúa đẻ nhanh, xanh mượt, bụi nào bụi ấy to tổ bự. Dân trong vùng lũ lụt tới coi, ai cũng nói đây là chuyện lạ từ xưa tới nay”. Khi lúa trổ cong trái me thì “chuyện lạ” ông Hữu cấy lúa một gié “nghe đồn” khắp nơi. Ông Hữu nhớ lại: “Ra ruộng mỗi chiều, nhìn bông lúa nặng trĩu, tròn cong, cả hécta ruộng vàng ươm như tấm đệm khổng lồ, lúc đó tôi về nhà “hổng có nổi”. Cuối vụ, ông Hai Hữu vui mừng thu được hơn 6 tấn trên 1,2 ha. Nhưng điều mà ông Hai sung sướng nhất là lúa không bị rầy nâu phá hoại, nên vụ kế sau ông thu tới 30 tấn, được đặt tên giống lúa kháng rầy IR 36.

Vào những năm 80, lúa bị sâu rầy nặng, giống khan hiếm, nghề nhân giống lúa hái ra tiền. Nói theo ông Nghiệp: “Đáng lý ông Hai có thể bán rất đắt 30 tấn lúa của mình, rồi cất một lúc 2-3 cái nhà”. Nhưng ông không làm vậy mà mang chia cho bà con quanh vùng với giá 1kg lúa giống bằng 1,3kg giống lúa thường. “Một nghĩa cử!”.

Những câu “chuyện lạ”

Ông Hai kể tiếp: Năm 1982, GS Võ Tòng Xuân đưa ông một số giống lúa gốc IR 13240-108-2-2-3 vốn đã bị bệnh cháy lá để trồng thử nghiệm. Qua chăm sóc, theo dõi ông phát hiện duy nhất có một cây nổi trội, cao hơn giống gốc 5cm, không bị sâu rầy, cổ kín cho nhiều bông giấu trong lá. Ông liền cột lại làm dấu để theo dõi. Khi cây chín, ông thu được 7 bông đếm đúng 400 hạt để làm giống. Cụ thể, với phương pháp cấy thưa, một gié, vụ đông xuân 1983, ông Hai làm 5.000m2 thu hoạch hơn 3 tấn, đem chia đều cho bà con trong tổ hợp tác cùng làm. Vụ tiếp đó, bà con trúng lớn, trên đất phèn nặng mà cây lúa 108 không những sống tốt, không rầy nâu mà còn cho năng suất cao, bình quân 6 tấn/ha, có người tới 8 tấn/ha. Lại một “chuyện lạ” nữa về “ông Hai lúa giống” được bà con nông dân đồn đại một cách tin yêu khắp ĐBSCL. Trường đại học Cần Thơ đưa giống lúa này về phổ biến cho các tỉnh sử dụng dài dài, hơn 10 năm sau vẫn chưa bị thoái hóa.

“Chuyện lạ” nữa được kể lại: Năm 1984, ông Hai Hữu thấy ruộng lúa thử nghiệm của ông Bùi Bá Bổng (nay là Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) có một cây phát triển khác thường: Gốc có rễ nhạt, lá thẳng, khả năng đổ ngã thấp. Ở môi trường đất phèn hơi nặng mà cây lúa lớn mạnh, không bị sâu rầy là hiếm thấy. Ông Hữu bèn xin với ông Bổng cây lúa đó. Khi lúa chín cho 4 bông, đếm đúng 246 hạt. Lột vỏ hạt lúa, ông Hữu nhận thấy hạt gạo trắng đục, nghi là cây lúa nếp liền mang tới nhờ ông Nghiệp lục “gia phả” mới biết nó có 3 tổ hợp lai, trong đó hai nếp, một lúa (tẻ). Đúng là nếp rồi, ông lại tiếp tục nhân ra. Giống nếp này kháng được rầy, cho năng suất cao, mà bà con mình đang cần để thay cho giống nếp cũ, năng suất thấp. Lúa nếp “ông Hữu” được đặt tên IR 29 không ngờ đạt tới 5-6 tấn/ha. Ông lại chia cho bà con trong tổ và hướng dẫn tỉ mỉ cho họ kỹ thuật nhân giống... Tới năm 1985, lúa nếp IR 29 “ông Hữu” không những được bà con nông dân đồng bằng Nam bộ ưa chuộng mà nhiều nơi từ Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cũng tìm đến để mua...

Ngày thường

Đầu xuân năm 2005, tôi đến thăm ông Hai Hữu – bậc lão nông anh hùng. Giữa nắng chiều xuân vẫn thấy ông lụi cụi với các bịch lúa giống. Bà Hai chỉ vào mấy mạ giống lúa đang phơi nói với tôi: “Cháu thấy đấy, lúc nào ông ấy cũng lúa giống, lúa giống mà thôi”. Ông Hai cười quay quả “chọc”lại bà: “Dễ tôi cứ phải mê bà mãi chắc. Có mau đi lấy giúp tôi chai rượu, ít đồ nhắm để đãi khách không!”. Ông phủi tay quay lại với tôi: “Được Nhà nước phong tặng Anh hùng thật vinh dự, phải không cháu, ước chi tui có thêm cuộc đời như vầy nữa để cùng bà con làm ra nhiều giống lúa tốt cho nền nông nghiệp nước nhà”. Ông nói việc ông được phong anh hùng, có công lao thì của nhiều người lắm. Ông thật biết ơn từ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Bí thư Tỉnh ủy Long An rồi các thầy Võ Tòng Xuân, Nguyễn Văn Luật, Bùi Bá Bổng, Bùi Chí Bửu, Nguyễn Thành Nghiệp... đã động viên, cổ vũ, hỗ trợ “giúp đỡ cho tui hết mình, chớ không mình tui mầm chi nổi chuyện như vậy”.

Ông cười khà khà rót rượu cho tôi: “Cháu nhắm tí cay cho vui, tui trước cũng có uống rượu, hút thuốc, nhưng nay đã bỏ cả rồi”. Chờ tôi uống xong chén rượu, ông vui vẻ vào đề: “Thời mầm ruộng tập đoàn, ăn khoai mì, bo bo mà GS Võ Tòng Xuân vẫn xuống với tui, lội ruộng suốt cơn mưa chiếu, chỉ cho tui đường đi, nước bước về KHKT. Tối về tui chong đèn dầu, muỗi bay ve ve, thầy Xuân vẫn cứ ngồi chỉ cho tôi cách nhân giống, bón phân, phun thuốc diệt trừ sâu rầy...”. Ông xách ra khoe với tôi mấy bọc lúa giống ST-3 hạt dài, “thơm lắm, cơm dẻo không thua kém giống Việt - Đài, Kloong Thuong Thái Lan mà ông vừa nhân thành công. Ông nói: “Thế là bà con mình có thêm một giống mới để có gạo tốt xuất khẩu”.

Thấy bà Hai có ý nhắc nhở ông điều gì, tôi đứng dậy định xin phép ra về. Ông vội ngăn lại, một tay nắm tay tôi, tay nắm tay bà đi ra phía vườn. Thì ra bà Hai nhắc ông đến giờ đi dạo. Hai ông bà lại kể cho tôi nghe về tình yêu, những gì họ đã đi qua, về chuyện “phục hồi lại giống lúa nàng thơm Chợ Đào nổi tiếng của Long An. Ông xúc động: “Tui thật không ngờ ở gần sát cái tuổi “bát thập tri thiên mệnh”, năm 2002 tui lại được phong tặng là Anh hùng Lao động”...

Nhân dân số 18200, ngày 4/6/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.