Anh hùng lao động Văn Tần
Ông cho rằng mình đang ở tuổi sắp “thất thập cổ lai hy” rồi, phải cố gắng tranh thủ thời gian làm hết mình cho công việc. Ông đạt được các danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, rồi “Thầy thuốc Nhân dân”. Ông nhớ đến người thầy đã dạy ông, đó là GS. BS. Phạm Biểu Tâm và có phần đóng góp của người vợ có giọng nói xứ Huế dịu ngọt, con gái của một liệt sĩ - sĩ quan tình báo nằm vùng tại Sài Gòn. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” mà Nhà nước vừa phong tặng cho PGS. BS. Văn Tần đến với ông thật bất ngờ. Ông rất mừng, nhưng cũng rất lo, vì thấy trách nhiệm của mình lại nặng thêm!
Ông học trung học ở Huế và tốt nghiệp tú tài ở đó. Năm 1957 ông vào học đại học ở Sài Gòn. Trước khi vào Đại học Y, ông học lý, hóa, sinh ở Đại học Khoa học tự nhiên. Năm 1967 ông trình luận án tiến sĩ và đạt xuất sắc. Năm 1972, sau khi lãnh bằng tiến sĩ, ông chính thức làm việc tại Bệnh viện Bình Dân. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, ông học tập chính trị tại Trảng Lớn (Tây Ninh), Long Khánh (Đồng Nai) trong 4 tháng.
Tháng 11/1975 ông làm việc lại tại Bệnh viện Bình Dân với cương vị Chủ nhiệm khoa Ngoại tổng quát và dạy về bệnh lý tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Năm 1981, ông được Nhà nước cử làm Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho đến nay. Đây là bệnh viện chuyên sâu về ngoại khoa (ngoại tổng quát và ngoại niệu). Từ năm 1990 đến nay, ông còn là Chủ nhiệm bộ môn Ngoại tổng quát của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM; góp phần đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ cho Thành phố.
Ông còn được giao nhiệm vụ chỉ đạo, tham gia và theo dõi công tác điều trị, giúp đỡ tuyến trước, nghiên cứu về việc sử dụng thuốc điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn an toàn.
Nghiên cứu khoa học theo phương châm: lý thuyết là hàn lâm; thực hành là quan trọng và phải suy ngẫm
Trong số hơn 200 công trình nghiên cứu có giá trị ở 5 cụm bệnh lý ngoại khoa chính (chấn thương chỉnh hình, lồng ngực, ổ bụng, tim mạch, thần kinh), ông tâm đắc nhất là những nghiên cứu về: Mổ động mạch chủ, Điều trị ung thư gan bằng phương pháp cắt gan “không kẹp cuống”, mổ nội soi qua lồng ngực. Có nhiều người trẻ tuổi bị chứng đổ mồ hôi tay, ông nghiên cứu cải tiến và điều trị thành công cho 1.500 ca bằng nội soi lồng ngực.
Từ năm 2001, ông đã cải tiến nhiều công đoạn, mổ thành công trên 836 trường hợp phình động mạch chủ bụng; phình động mạch chủ ngực và ngực bụng. Trước đây, những ca động mạch chủ bị vỡ gần như sẽ tử vong, nhưng bây giờ trong các ca cấp cứu chỉ 3% tử vong, mà là do bệnh khác. Hiện nay, có những ca đột tử do động mạch chủ, động mạch cảnh, mạch máu tim, động mạch thận. Hiện nay, phần nhiều bệnh suy thận là do huyết áp cao. Ông cải tiến và mổ thành công 50 ca bị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản trong chứng xơ gan cổ trướng làm xuất huyết tiêu hóa nặng. Ông cũng là người sớm đi học và mang kỹ thuật mới tiên tiến về cho bệnh viện, ngành y của Thành phố như nong động mạch, đặt sten.
Với bệnh ung thư gan, ông đã nghiên cứu và điều trị hơn 800 ca thành công bằng phương pháp tách gan với động mạch không kẹp cuống, khác với phương pháp cắt gan khô của GS. Tôn Thất Tùng và điều quan trọng là gan còn lại không bị tổn thương, bị suy.
Ngoài ra, ông còn nghiên cứu về mổ sạch không dùng kháng sinh; sử dụng an toàn, hợp lý kháng sinh trong ngoại khoa. Dùng kháng sinh trước mổ 1 giờ và sau mổ 1 ngày mổ sạch nhiễm...
Điều trị bệnh với trái tim, khối óc và đôi bàn tay “kỳ diệu”
Thời gian các ca mổ được giảm đi đáng kể (1/2 hay 2/3 thời gian so với trước). Tỉ lệ biến chứng trung bình dưới 5%; tỉ lệ tử vong dưới 1%. Số ca mổ năm sau tăng 30% so với năm trước. Ứng dụng các kỹ thuật mới ngày càng nhiều và đạt hiệu quả cao. Như kỹ thuật mổ nội soi qua các lỗ tự nhiên, mổ các tạng trong lồng ngực, ổ bụng bằng nội soi. Bệnh nhân ít mất máu, vết thương mau lành. Ông cùng với các cộng sự mổ trên 4.000 ca cắt bỏ túi mật qua nội soi ổ bụng, mổ thành công trên 200 ca ung thư phổi ở giai đoạn trễ. Với phẫu thuật Whipple cải tiến, ông mổ thành công trên 100 ca ung thư đường mật, đầu tụy và tá tràng. Ông còn nghiên cứu, cải tiến rất nhiều công trình khác như: lấy sỏi ống mật chủ không dẫn lưu, không gây biến chứng, nghiên cứu dịch tễ học và kết quả điều trị trên 1.000 ca sỏi trong gan...
Ông không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ cả thông thường lẫn đặc biệt. Như ca mổ sinh đôi dính nhau Việt - Đức, ông đã tham gia và chịu trách nhiệm mổ cho Việt khi đã bị bại não. Ngày ấy ít người nghĩ, Việt sẽ sống. Vậy mà đến nay, Việt vẫn sống! Đồng nghiệp nói về bàn tay mổ của ông như “bàn tay vàng”; “bàn tay kỳ diệu”; “đôi bàn tay có mắt thần”... Họ kể, có hai vợ chồng người Pháp sau mổ thận đến Việt Nam du lịch, bị biến chứng vào Bệnh viện FV, bác sĩ gọi về Pháp đề nghị cho người bệnh bay về, nhưng các bác sĩ ở Pháp khuyên không nên về, sẽ nguy hiểm đến tính mạng và nên tìm BS. Văn Tần. Hiện nay, người bệnh ấy đã thoát cơn hiểm nghèo, khỏe mạnh.
Một trường hợp khác, vào cuối tháng 4/2006 ở Bệnh viện 175 nhận cấp cứu một ca bị tai nạn, tụy đã bị tách ra hoàn toàn, có phần bị giập nát. Đêm đã khuya, ông nhận được điện thoại, chạy đến bệnh viện mổ ngay cho đến gần sáng mới xong. Nay người bệnh đang bình phục... Sau ca mổ ấy, 5 giờ 30 sáng, ông vẫn có mặt ở Bệnh viện Bình dân như thường lệ.
Được biết, thời gian biểu một ngày làm việc của ông thật khít khao. Ông kể, sáng 4 giờ ông tập thể dục, thiền, rồi ăn sáng là một ly sữa cà phê, một gói mì chay. Tất cả những công việc ấy, ông chỉ làm trong 1 giờ. 5 giờ 30 phút ông có mặt ở bệnh viện bật máy vi tính xem có tin tức gì trong đêm của bệnh viện cần ghi nhớ, bổ túc, lên mạng xem thông tin mới nhất. 6 giờ thăm bệnh nặng, bệnh được săn sóc đặc biệt hay cấp cứu, mổ và chưa mổ; hội chẩn trường hợp tử vong trong đêm, tìm nguyên nhân, chẩn đoán, giao ban. 7 giờ 15 báo cáo trong cuộc họp Ban Giám đốc. 8 giờ vào phòng mổ đến 15 giờ. Khi nào ít bệnh hoặc mổ nhanh ông được rời phòng mổ sớm hơn. Cơm trưa là một hộp cơm có một món ăn duy nhất do chị Hà - vợ ông nấu, để ông mang theo. Ông ăn cơm nhà mang theo vì không có thời gian đi ăn. Buổi chiều thường ông đi dạy. Nếu không đi dạy hay đi tư vấn, hội chẩn tại các Bệnh viện Thống Nhất, 115, Phụ sản Quốc tế, 175... ông ở lại bệnh viện xem bệnh, tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình hay viết báo hoặc cập nhật thông tin mới. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật ông vẫn đến bệnh viện làm việc bình thường cho đến trưa. Chiều ông làm việc ở nhà.
Một người thầy nghiêm khắc, nhưng rất mực thương yêu học trò
Ông hiểu được tâm lý, bản lĩnh, tư chất cần có của sinh viên ngành y. Học y, nếu như không có được những kiến thức cơ bản về vật lý, hoá học, sinh học thì sẽ có lúc gặp rắc rối. Ông có quan điểm “nói phải đi đôi với làm” hay “miệng nói, tay làm”, phải làm được, làm tốt và làm đẹp, nên khi dạy học ông thường chứng minh bằng việc làm của chính mình. Có những lần trong phòng mổ, sinh viên kêu “Thầy ơi! máu chảy nhiều quá, em không làm được”. Tự tay ông làm, vừa làm, vừa giảng. Ông nghĩ, muốn dạy có hiệu quả hay để trò nghe mình không gì tốt hơn thuyết phục họ bằng chính kết quả mình làm trước mắt họ. Ông khuyên sinh viên của mình phải học kỹ về các mạch máu, thần kinh kế cận...
Theo ông, sinh viên ngành y phải siêng năng, cần mẫn, chịu khó học hỏi, thận trọng, bởi trước mắt là con người, nhân mạng là vô giá... phải bằng trí não, lòng yêu thương, phải làm tốt cứu sống. Ông không nương nhẹ với những sinh viên làm ẩu, làm bậy, xâm phạm vào quyền lợi của người khác. Ông rất nghiêm khắc với sinh viên. Ông cho rằng, chính bản thân ông không thông minh, ông chỉ cần mẫn và cẩn thận thôi! Ông nghĩ, nếu học trò hiểu được sẽ biết ông rất thương họ.
Và quan niệm sống... hết mình cho công việc, cho sự tồn vinh của ngành Y ViệtNam
Ông tâm sự, trong số những học trò của ông có người hiểu được quan niệm sống của ông sẽ thương ông, người không hiểu sẽ ghét ông. Đó là cuộc sống. Ông đã học 5 năm chính trị Mác - Lênin với kết quả xuất sắc, ông hiểu rõ hơn rất nhiều về duy vật biện chứng, ứng dụng nó trong công việc và mức độ quan trọng của lý thuyết đi đôi với thực hành. Ông thiền để có được sự tập trung cao độ trong công việc; có sức khỏe; làm việc với hiệu quả cao; để đạt được thanh tịnh lạc... Có lẽ vì thế, ông làm việc không thấy mệt mỏi, làm việc hết mình cho người bệnh, cho sinh viên, học viên, không nhận mổ dịch vụ, không phòng mạch tư, ăn, ở rất bình dị, không đòi hỏi danh, tài. Điều này có thể giải thích, vì sao ông không chịu làm giám đốc bệnh viện, khi Sở Y tế Thành phố đề nghị.
Nguồn: Khoa học phổ thông26/5/2006