Anh “Hai Lúa” mê chế tạo máy
Từ chiếc máy vuốt gạo làm bún…
Chuyện đời của “Hai Lúa” Nguyễn Văn Kiệm, 50 tuổi, ở thôn 1, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn cũng giống như bao phận đời nông dân khó nghèo nơi vùng đất bãi bồi ven sông. Nổi tiếng là người học giỏi, nhưng rồi chiến tranh, loạn lạc, việc học của Kiệm bỏ dở nửa chừng và theo nghiệp “làm nông”. Rồi anh cưới vợ, sinh con, yên bề gia thất. “Tui làm đủ thứ nghề, trồng lúa nuôi heo, nuôi bò, rảnh thì đi làm thuê kiếm sống, nhưng cái khó nghèo vẫn mãi đeo bám suốt mấy chục năm..” - anh Kiệm tâm sự.
“Tại nghèo quá, nên tui mới nghĩ cách làm ăn. Mình làm ra lúa, bán rẻ như bèo, tính toán không đủ tiền công, phân bón, tui tự hỏi tại sao không đem gạo ra chế biến để bán… Thế là tui quyết định mở lò bún. Lúc đầu do làm thủ công, nên lỗ tơi bời… Thế là phải tìm cách. Trong đầu tui lúc đó chỉ nghĩ đến một điều là làm sao vuốt sạch gạo mà không cần phải dùng bằng tay, thì chắc chắn làm bún sẽ có lãi”.
Vốn thông minh, lại tò mò, anh Kiệm bắt đầu đi đến các xưởng cơ khí để quan sát các loại máy móc, rồi về nhà suy nghĩ và cầm bút vẽ phác ra cái máy vuốt gạo. Ròng rã suốt 10 ngày quên ăn, quên ngủ, cuối cùng “đồ án” chiếc máy vuốt gạo đã hình thành trên giấy. Anh xin vợ cho “tạm ứng” một triệu đồng để mua vật tư. Lúc đầu vợ không chịu, nhưng rỉ rả thuyết phục, cuối cùng vợ cũng siêu lòng “xuất quỹ dự phòng” tạm ứng cho anh. Có tiền, anh tức tốc tìm đến các bãi phế liệu lục tìm mua tuýp sắt phi 76, ruột soắn và nhiều sắt thép phế liệu khác, rồi đón xe đò ra Đà Nẵng, tìm đến chợ trời bán đồ cũ mua một môtơ. Anh mang về mày mò tự chế máy vuốt gạo theo bản vẽ. Một tuần sau, cỗ máy hoàn thành và đi vào vận hành theo “nguyên lý trục xoắn” (cách gọi của anh). Lúc đầu anh đổ thử 1 kg gạo, chỉ trong nháy mắt gạo được đánh sạch bóng, đem gạo ra vo thử không có chút nước đục. Anh thốt lên: Thành công! vừa vuốt được gạo sạch, vừa đại được sạn, nhưng vẫn còn quá cồng kềnh, phải tìm cách cải tiến cho gọn nhẹ. Bây giờ thì làm sạch 200 ký gạo chỉ mất 15 phút, không cần phải có người theo dõi. Chỉ cần đổ gạo vào máy, bắt nước chảy vô và bật máy, rồi ung dung đi uống cà phê, hay làm việc khác, thấy nước trong là được. Nếu so với vuốt gạo bằng tay, thì máy vuốt nhanh gấp 48 lần. Chỉ trong vòng một tuần sau, những người làm bún trong vùng, rồi các tỉnh tìm đến xem máy vuốt gạo của anh. Sau khi chứng kiến, họ liền “đặt hành” mua máy. Bắt đầu từ đó anh lại tất bật với công việc chế tạo chiếc máy vuốt gạo làm bún “độc quyền” cho khách hàng. Anh kể, người làm bún đa phần cũng khó nghèo như mình, nên mỗi chiếc máy anh nhận chế tạo, trừ chi phí vật tư, anh lấy tiền công vài trăm nghìn đồng.
…đến máy cắt lúa, máy lọc sạn muối
Không chịu ngồi yên với thành công của chiếc máy vuốt gạo làm bún. Năm 2001, khi đi làm đồng, thấy chiếc máy cắt lúa của người bạn cùng xóm mua từ Lâm Đồng đem về không sử dụng được, anh đề nghị được mang máy về nhà nghiên cứu. Sau hơn 10 ngày, anh đã cải tiến thành công chiếc máy cắt lúa với công suất “siêu nhanh” bằng cách thay lưỡi cắt một mảnh bằng lưỡi cưa tròn.
Đến đầu năm 2004, sau gần hai tháng mày mò chế tạo, anh lại trình làng chiếc máy lọc sạn muối 1 - 5 ly, làm bất ngờ giới thầu vật liệu trong vùng. Câu chuyện chế tạo chiếc máy lọc sạn cũng khá bất ngờ. Công việc làm bún bây giờ tạm giao lại cho vợ quản lý. Nhận thấy nhu cầu xây cất ngày một tăng, lại sống ven sông, nên anh nảy ra ý định khai thác cát cung cấp cho xây dựng. Tháng 11 - 2003, anh nhận thầu khai thác sạn muối với Hợp tác xã Duy Trung (Duy Xuyên) để cung cấp cho các chủ thầu xây dựng trong vùng và thành phố Đà Nẵng. Theo tính toán, để làm cho ra một mét khối sạn muối theo quy chuẩn đã ký kết, thì phải mất ít nhất 4 người làm trong một ngày, mà giá sạn lại thấp, làm sao đủ trả tiền công. Lại thêm một lần nữa bắt buộc anh phải nghĩ cách. Hơn 20 ngày, anh bỏ ăn, bỏ ngủ, đêm nào cũng thức trắng đi vô, đi ra với tờ giấy khổ lớn trên tay, cuối cùng bản vẽ chiếc máy lọc sạn muối cũng được hoàn thành. Anh Kiệm mô tả chiếc máy lọc sạn ban đầu anh thiết kế là một bộ khung với 4 trụ đứng, 6 trụ ngang, 2 ống dẫn và 2 lớp lưới sàn, máy chạy bằng moơ hoặc máy nổ. Anh bỏ ra 3 triệu đồng tìm đến các bãi phế liệu để mua vật tư. Hơn nửa tháng mày mò lắp ráp theo bản vẽ, sửa đi, sửa lại nhiều lần, cuối cùng chiếc máy lọc sạn muối cũng được ra đời vào giữa tháng 3 - 2004 và gấp rút đưa vào vận hành thử nghiệm và sản phẩm sau khi sàng đạt yêu cầu. Ngay từ giữa tháng 3 đến nay, chiếc máy sàng sạn muối của anh đã xuất cho đơn vị thi công hơn 1.200m 3sạn đúng quy chuẩn. Anh Kiệm đưa tay chỉ chiếc máy và cho biết “Chiếc máy này hoàn toàn tự động, chỉ cần 2 người vận hành, mỗi giờ có thể sàng được từ 5 - 10m 3sạn muối đạt tiêu chuẩn, tiết kiệm được sức lao động”. Nhiều người chuyên khai thác sạn trong vùng lại tìm đến tham quan chiếc máy lọc sạn của anh, và đặt hàng.
Ông Lê Trung Thành - chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1, không tiếc lời khi kể về “Hai Lúa” Nguyễn Văn Kiệm: “Cũng nhờ những sáng kiến chế tạo máy móc của anh Kiệm mà bà con nông dân trong vùng bớt khổ, thoát cái cảnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời… Bây giờ thì anh Kiệm đã trở thành “kỹ sư” chuyên chế tạo máy chế biến cho bà con nông dân trong vùng, khi bà con yêu cầu là anh sẵn sàng đáp ứng không đòi hỏi lời lỗ…”
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 6 (1724), ngày 21/1/2005