Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 25/04/2005 18:11 (GMT+7)

Anh bộ đội Cụ Hồ trong trận chiến mới

Tôi gặp lại Đại tá Nguyễn Xuân Lăng tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương ở Huế. Một cuộc gặp gỡ sau gần 30 năm. Hồi ấy là những ngày mới thống nhất đất nước, anh vẫn còn ở trong quân ngũ và đang công tác tại một cơ quan quân giới. Anh tìm đến tôi với mong muốn tìm cách cải thiện đời sống cho chiến sĩ trong đơn vị khi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Tôi trao đổi với anh về mọi khả năng làm kinh tế bằng những công nghệ còn khá thô sơ của việc ứng dụng sinh học vào đời sống. Cũng đến tận ngày hội ngộ hôm nay tôi mới biết anh đã thành công trong việc xin số lượng lớn bông phế thải từ nhà máy dệt 8/3 để trồng nấm, từ đó cải thiện được cho bữa ăn của chiến sĩ trong đơn vị. Anh còn nhân giống giun quế từ môi trường phân và rác để tạo ra nguồn thức ăn giàu đạm phục vụ chăn nuôi. Anh cũng có sáng kiến sàng lọc phần đã phân huỷ của bãi rác ở khu Thành Công Hà Nội để làm một thứ phân bón phục vụ cho nâng cao năng suất cây trồng. Hơn thế nữa, anh còn làm ra được hàng xuất khẩu sang Nhật bằng cách dùng vi sinh vật phân huỷ prôtein có trong tự nhiên để xử lý xương bò thu mua trong nước và từ Lào về và đã đạt tới tiêu chuẩn xuất khẩu với sản lượng 200 tấn /năm.

Anh kể cho tôi nguyên do nào mà một kỹ sư cơ khí đã được đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước lại say mê với nghiên cứu xử lý rác thải. Quê anh ở Bình Lục, Hà Nam, một vùng chiêm trũng quanh năm thiếu gạo nhưng lại rất phong phú tôm, cua, cá, ốc. Dần dần gạo thì nhiều lên nhưng môi trường cứ ô nhiễm dần và tôm, cua, cá, ốc trong cả cánh đồng biến đâu hết cả. Anh rất thấm thía về ý nghĩa của một nền nông nghiệp sinh thái, điểm tựa cho một cuộc sống bền vững. Kiến thức được đào tạo 4 năm ở bậc Đại học và 8 năm tu nghiệp sau Đại học tại Việt Nam, Nga, Hung đã tạo ra một giám đốc quân giới thành thạo trong việc sản xuất đạn nhỏ, đạn lớn, thuốc nổ công nghiệp và góp phần không nhỏ vào cuộc chiến. Anh kể cho tôi nghe, năm 1964, khi mới 23 tuổi, tuy là kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi anh đã từ chối việc được giữ lại Trường mà xung phong vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của sự nghiệp: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Anh được điều vào phòng cơ điện của một nhà máy sản xuất đạn ở vùng núi Việt Bắc. Những thùng đạn do các anh sản xuất ra hàng ngày theo đường mòn Hồ Chí Minh liên tục chi viện cho chiến trường. Anh trở thành Giám đốc nhà máy quân giới và về hưu đầu năm 2001 với quân hàm Đại tá. Anh rất thoải mái sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một anh lính cụ Hồ và thanh thản trở lại cuộc sống đời thường đúng như những vần thơ anh viết tặng chị Mão, người vợ hiền của anh, khi được trở về nhà sau bao năm tháng thường xuyên xa cách: Đã đến ngày trả ấn, từ quan/ Hoàn dân - trở lại thế gian/ Cùng chia tiếng khóc, cùng vang tiếng cười/ Buồn vui - quy luật đất trời, Sinh, lão, bệnh, tử - ai rồi cũng qua/ Cuộc đời đã dạy cho ta/ Tre già, măng mọc- bài ca vòng đời.

Nhưng ông Đại tá 60 tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng ấy đâu có chịu ngồi ấm chỗ bên vợ con. Máu nghiên cứu cải tiến thiết bị cơ khí lại trỗi dậy khi đất nước đang sôi nổi đổi thay trên bước đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Anh chấp nhận làm cố vấn cho Nhà máy chế tạo thiết bị xử lý rác của anh Nguyễn Gia Long ở Hà Nội. Đó là người đã hỗ trợ rất nhiều cho anh lúc anh sản xuất xương xuất khẩu sang Nhật và cũng là người đang hỗ trợ cho nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương ở Huế. Khi biết tin máy móc ở Thuỷ Phương còn rất nhiều trục trặc anh Long đã vui lòng cử ngay anh Lăng vào Huế, trực tiếp hỗ trợ cho người đang chủ trì nhà máy này - anh Trần Đình Quyền- Giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ ASC Huế. Hai người trở thành chiến hữu trên một trận tuyến mới không kém phần gian khổ và quyết liệt. Đó là hai người rất khác nhau - một doanh nhân to béo và một cựu chiến binh gầy gò, một người ăn to nói lớn và một người trầm tính, kín đáo. Nhưng những tư tưởng lớn đã gắn bó họ với nhau như anh em ruột thịt, mặc dầu khó khăn tưởng chừng như những thách đố khó lòng có thể vượt qua được. Cả nước đua nhau chôn rác bằng kinh phí của Nhà nước. Nghe đâu mỗi năm Nhà nước phải chi đến trên 15 nghìn tỷ đồng và phải bỏ ra đến trên 5000 ha đất đai quanh các đô thị để...chôn rác. Đâu phải chỉ lãng phí tiền bạc và một nguồn tài nguyên khá lớn mà nhẽ ra có thể tái chế thành các hàng hoá hữu ích, chuyện chôn rác tươi sẽ chỉ như là che dấu một cái xấu chưa được sửa chữa. Rác chứa tới 80% là nước, khi bị phân giải bởi vi sinh vật chúng sẽ tạo thành vô số các sản phẩm có mùi hôi thối (indol, skatol, H 2S, NH 3...) và nước hôi thối ấy ngày ngày sẽ chảy ra từ đống rác, gây nhức nhối đến mức không sao chịu nổi cho toàn thể cư dân quanh khu vực chôn rác. Nhiều nơi dân đã biểu tình và công khai chắn đường các xe chở rác (!). Nhà nước phải bỏ ra không ít ngoại tệ để nhập công nghệ của các nước tiên tiến và xây dựng nên các nhà máy chế biến rác với diện mạo rất bề thế. Nhưng đâu có đơn giản như vậy. Đành rằng công nghệ của thế giới là rất tiên tiến, nhưng rác ở nước người ta là loại rác đã được phân loại ngay từ nhà của từng người dân nên phần đưa đi xử lý chỉ còn là rác hữu cơ đơn thuần. Các dao băm rác gặp phải gạch đá, sắt vụn, vỏ đồ hộp, nút bia thì quằn ngay và phải thay liên tục và có ủ đến bao nhiêu ngày thì chất dẻo, chất rắn vô cơ cũng không sao phân huỷ nổi. Kết quả là từ các nhà máyhiện đại ấy chỉ có thể cho ra một lượng nhỏ phân hữu cơ chất lượng không cao, còn thì quá nửa số lượng rác vẫn tiếp tục phải đưa đi chôn lấp.

Ông Lăng bên cái máy do ông chế tạo Ba khâu có tính quyết định của công nghệ xử lý rác đã được anh Lăng giúp đỡ anh Quyền hoàn thành. Một là, cải tiến thiết bị để có thể phân loại rác một cách triệt để. Muốn vậy phải triển khai một công nghệ đồng bộ, nhiều tầng lớp, lặp đi lặp lại trên dây chuyền công nghiệp kết hợp thủ công nghiệp. Không thể thiếu những công nhân được trang bị bảo hiểm chu đáo đứng bên băng chuyền để kéo ra những cái chiếu, cái chăn, cái màn rách, xác súc vật chết bệnh, vũ khí, chất nổ... Càng không thể thiếu hàng loạt lồng quay, máy tuyển từ, máy xé, máy thổi gió... để qua một chuỗi lựa chọn rác đã được tách ra riêng biệt từng loại. Hàng đống kim loại được thu gom để tái chế. Xác súc vật được nhanh chóng tiệt trùng và đưa đi chôn sâu. Vũ khí và chất nổ được trao cho cơ quan hữu trách. Các chất hữu cơ có thể dùng làm nhiên liệu được đưa vào để đốt lò trong dây chuyền tái chế chất thải. Hai là, chất hữu cơ có thể phân giải được chế biến bởi các vi sinh vật hữu hiệu (do các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp) để tạo nên những bao phân hữu cơ giàu chất mùn và hoàn toàn đáp ứng với yêu cầu thay thế dần nguồn phân vô cơ - loại phân đang nhập khẩu với số lượng quá lớn, đang phá vỡ cân bằng chất dinh dưỡng trong đất (do dùng nhiều N mà thiếu hụt P, K và nhiều nguyên tố vi lượng) và đang gây ô nhiễm (do tích luỹ nhiều nitrít, nitrát...). Ba là, tái chế toàn bộ chất dẻo và phần lớn các chất thải rắn khác thành các sản phẩm hữu ích (ống cống nhiều cỡ, cọc tiêu, cọc thanh long, cọc nho, cọc cà chua, tấm cốt pha, dải phân cách đường, thùng rác...) bằng những công nghệ đã được nghiên cứu khá công phu và với nhiều sáng chế rất đáng được ghi nhận.

Cho đến ngày khánh thành nhà máy nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Huế, cả 3 thử thách trên đã được xử lý một cách hoàn hảo. Hội đồng thẩm định kỹ thuật được thành lập theo quyết định của Trung tâm Đo lường Chất lượng II nhằm đánh giá công nghệ và dây chuyền thiết bị của nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương đã thống nhất kết luận: Nhà máy rác Thuỷ Phương là nhà máy đầu tiên hoàn thiện về xử lý rác thải sinh hoạt của Việt nam do ta tự thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành, đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề môi trường và tận dụng được rác thải tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống... Mô hình nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương thích hợp với nhiều địa phương khác trong nước, cần được phổ biến áp dụng rộng rãi vì có vốn đầu tư thấp, tự chế tạo trong nước...

Trong niềm vui của lễ khánh thành, chị Mão, vợ Đại tá kỹ sư Nguyễn Xuân Lăng, cũng bay từ Hà Nội vào. Chị kể với tôi: Anh ấy vẫn như hồi đi bộ đội trước đây, chỉ tạt qua nhà chốc lát rồi lại đi. Anh ấy mê làm việc thôi còn chỉ thích ăn chay chứ có thiết gì tiền bạc, danh vị gì đâu. Nhưng anh ấy là tấm gương cho các con của chúng em noi theo.

Còn anh Trần Đình Quyền, người đã bỏ ra 25 tỷ đồng để xây dựng nhà máy này cho quê hương của mình đã tâm sự với tôi: Không có anh Lăng thì tôi có bỏ thêm bao nhiêu tỷ nữa cũng không có được buổi khánh thành hôm nay. Anh ấy bám nhà máy ngày đêm và chỉ đạo sửa đi sửa lại từng chi tiết trên dây chuyền và huấn luyện trực tiếp cho từng công nhân tại từng công đoạn.

Tôi hỏi anh Lăng: Anh vẫn vất vả như hồi trong quân ngũ, vẫn xa gia đình, vẫn ăn ở thanh đạm cùng công nhân, vậy hỏi thật anh sức mạnh nào trong anh khiến anh làm được như vậy? Anh hồn nhiên kể cho tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc của 37 năm làm bộ đội và tâm sự: Sau khi nghỉ hưu tôi muốn rời bỏ mọi công việc đời thường, say mê nghiên cứu triết học phương Đông và lý thuyết ăn chay dưỡng sinh của vợ chồng giáo sư Nhật bản Oshawa. Thế rồi cứ như định mệnh, tôi lại thấy trỗi dậy niềm đam mê khám phá cái mới, sáng tạo trong mạo hiểm và làm những điều có ích cho xã hội, góp phần trả lại công bằng cho một nền nông nghiệp bền vững, cho một môi trường sống trong sạch, cho quy luật Thuận thiên của con người. Đó chính là tiêu chí 3T mà tôi và anh Quyền quyết ra sức phấn đấu cho cái Nhà máy này: Tránh chôn lấp, Tái sinh chất mùn, Tái chế chất dẻo và các chất thải rắn khác.

Tôi thật lòng khâm phục anh, một trong hàng chục vạn anh bộ đội Cụ Hồ vẫn đang tiếp tục chiến đấu trong một giai đoạn mới - chiến đấu chống lại cái nghèo, cái lạc hậu để đem lại hạnh phúc ngày càng nhiều hơn cho nhân dân.

Ông Lăng bên cái máy do ông chế tạo

Xem Thêm

Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).