André Menras với giải pháp nước ngọt cho Trường Sa
Việt Nam trong trái tim tôi
Ông là André Menras. André Menras bộc bạch: "Thiên nhiên Việt Nam rất đẹp. Gần như tôi đã đi hết các địa danh nổi tiếng ở Việt Nam . Nhưng điều hấp dẫn, lôi cuốn tôi không phải là những cảnh đẹp mê hồn đó mà là con người. Con người Việt Nam đã thôi thúc tôi đến đây và muốn làm thật nhiều công việc ý nghĩa...". Giữa những năm sôi sục đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ của mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới, ngày 20/7/1970, Menras là một trong 2 thanh niên Pháp đã phát truyền đơn khắp nơi ở Sài Gòn để phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Chính quyền Thiệu đã rất lúng túng, không biết phải đối phó thế nào và rồi cuối cùng chúng đã phạt ông 3 năm tù tại Chí Hòa. Khi thoát khỏi gông cùm của chế độ Ngụy quyền, ông đã đi khắp nơi trên thế giới để tố cáo chế độ lao tù hà khắc ở miền Nam Việt Nam . "Sự kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam làm cho tôi vô cùng kính phục. Cho tới giờ, tôi càng cảm nhận rõ hơn tinh thần ấy", ông tâm sự với vẻ mặt đầy thán phục.
Khi trò chuyện với ông, chúng ta dễ dàng cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà ông dành cho Việt Nam . André Menras hiểu rất rõ các phong tục, tập quán của Việt Nam . Ông nói tiếng Việt rất rõ ràng. Và quan trọng hơn, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị trao đổi sư phạm giữa Pháp và Việt Nam, Menras đã dành nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Ông biết có rất nhiều trẻ em ở vùng cao do cuộc sống khó khăn nên không thể đi học. Nên những học bổng dành cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa đã được ông lần lượt trao cho nhiều địa phương. Ông chia sẻ: "Tôi vui lắm khi biết sự đóng góp nhỏ nhoi của mình đã có thể đưa các em đến trường. Tôi sẽ còn đi nhiều và trao nhiều học bổng hơn nữa". Cùng với chương trình này, khi quay lại Việt Nam, Menras còn thực hiện một hoạt động nữa đó là trao đổi về sư phạm giữa giáo viên Việt Nam và giáo viên Pháp. Ông cho biết, "giáo dục là một vấn đề tôi đặc biệt quan tâm. Khi thực hiện chương trình trao đổi về sư phạm, tôi mong muốn qua đây, trình độ về ngoại ngữ của các giáo viên Việt Nam sẽ được nâng lên. "Tôi cũng xin được nói luôn, rất nhiều người hỏi tôi tại sao lại dành nhiều hoạt động cho Việt Nam như vậy. Đơn giản thôi, vì Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Và tôi yêu Việt Nam như chính con người mình vậy", Menras nói.
André Menras với giải pháp nước ngọt cho Trường Sa
Ở quần đảo Trường Sa, những người lính luôn phải sống trong cảnh thiếu nước thường kỳ. Nguồn nước ngọt chỉ có khi trời mưa. Vậy mà, 1 năm Trường Sa chỉ có 4 tháng mưa trong khi có tới 8 tháng khô hạn. Để có nước dùng, người lính đảo phải chắt chiu từng giọt. Thậm chí bộ đội tắm cũng phải lên lịch. Thường 1 tuần họ mới tắm một lần còn giặt giũ thì phải nửa tháng. Ngay cả khi tắm, người lính cũng phải đứng vào chậu để tắm xong thì dùng nước đó tưới cho rau. Người ở đảo nhường nước ngọt cho gia súc là... chuyện thường ngày. Còn với người lính mới, họ phải thuộc nằm lòng "nước là máu", họ phải biết nước ở đảo được định lượng như định lượng ăn hằng ngày. Nếu có giải pháp để cung cấp nước ngọt cho Trường Sa thì người lính ở đảo sẽ rất hạnh phúc và đời sống của họ sẽ được nâng lên rất nhiều.
Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, sau khi đã tìm được giải pháp dùng máy lọc nước biển Power-Survivor 160 với công suất 25 lít nước/giờ chạy bằng sức gió và pin mặt trời, ông André Menras lại tích cực vận động nhiều người đóng góp, ủng hộ tài chính để mua máy. Ông đã ủng hộ 1.000 euro gây quỹ chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa". Theo kế hoạch, Hội người Việt Nam tại Pháp sẽ triển khai ngay việc mua 1 máy để kịp chuyển giao cho Trường Sa đúng vào dịp lễ 30/4/2008. André Menras cũng cho biết thêm, việc làm sao để cung cấp nước ngọt cho Trường Sa là vô cùng cần thiết. Nhưng để giải pháp triển khai được hoàn chỉnh thì không thể vội vàng. Cần phải được thống nhất và có các bước đi cụ thể. Phải tổ chức giám định kỹ thuật chặt chẽ chiếc máy trước khi mua, khi lắp đặt... Theo lịch trình thì André Menras sang Việt Nam 1 tháng rồi sẽ về nước, nhưng ông tiết lộ sẽ ở thêm 2 tháng nữa. Ông muốn được ra Trường Sa và thấy có nhiều... nước ngọt. Đó là niềm hạnh phúc với ông!