An Giang: Hội thảo Chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Ngày 23/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức hội thảo chủ đề “Giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; các chuyên gia đến từ các viện, trường đại học; đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến chuyển đổi số như: Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại tỉnh An Giang; Phát triển kinh tế tuần hoàn dựa vào chuyển đổi số; Cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng Blockchain; Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản; giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng công nghệ IoT để quản lý nước trong canh tác lúa ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu…
Quang cảnh hội thảo
Một số đại biểu cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực vực nông nghiệp, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở dữ liệu phục vụ sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp, nguồn nhân lực về chuyển đổi số của của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách về chuyển đổi số chưa đồng bộ; nhiều sản phẩm nông sản chưa được số hóa đồng bộ nên người tiêu dùng không thể truy xuất nguồn gốc để lựa chọn sản phẩm an tòan… đề nghị Viễn thông tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp cho nông dân, lực lượng lao động của hợp tác xã và doanh nghiệp từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã về nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; cơ quan quản lý cần nhanh chóng số hóa việc cấp mã số vùng trồng, xây dựng năng lực truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm giúp tiếp cận thị trường cao cấp, đặc biệt là thị trường ngoài nước. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Blockchain vào công tác quản lý đất đai (đất công do nhà nước quản lý, đất được quy hoạch vùng trồng, chỉ dẫn địa lý…), khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác, lấn chiếm đất công…