Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/01/2007 22:34 (GMT+7)

Albert Einstein - nhà vật lý thiên tài và nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn

Năm 1905. Năm 1905 là thời điểm đáng ghi nhớ của nền khoa học vật lý và của cả Einstein. Trong năm này, năm công trình quan trọng thuộc ba lĩnh vực vật lý khác nhau gồm một bản luận án và 4 bài báo đăng trên tạp chí nổi tiếng “Annalen der Physik” (bản luận án đã in lại trong cùng tạp chí này năm 1906) đã mở ra một triển vọng mới cho sự phát triển của vật lý học. Các công trình lần lượt trình bày cơ sở của thuyết thăng giáng thống kê (hiện tượng chuyển động Brown), giả thuyết về các lượng tử ánh sáng (sau này được gọi là các photon) và cơ sở của lý thuyết tương đối hẹp. Mỗi công trình đều đảm bảo cho Einstein một chỗ đứng vững chắc trong hàng ngũ các nhà vật lý.

Chàng trai mới 26 tuổi này là ai mà dám thách thức với mọi uy tín khoa học từ trước đến nay và mạnh dạn vượt ra khỏi khuôn khổ của tư duy truyền thống để thực hiện những công trình có tính cách mạng như vậy?

Đó là một nhân viên bình thường của Cục Sáng chế Thụy Sĩ tại Bern , một người đã có vợ từ hai năm nay và một con nhỏ lên một tuổi. Vợ của Einstein, Mileva Maric, là công dân của nước Áo - Hung, người gốc Xécbi, đồng thời là bạn học tại trường Đại học Bách khoa Zurich (một bạn đồng học khác ở đây là Marcel Grossmann sẽ được nói đến ở dưới).

Tuy bận rộn như vậy, nhưng ông vẫn tranh thủ mọi thời gian còn lại để nghiên cứu khoa học và đặc biệt lại phải tiến hành độc lập, cách ly với cộng đồng khoa học bên ngoài. Việc ông hoàn thành các công trình nói trên quả là một điều phi thường rất đáng khâm phục.

Năm 1909. Sự công nhận của thế giới khoa học đối với các công trình của ông cũng như sự nổi danh đã không thể đến ngay. Trong thời gian đầu, các ý tưởng của ông đã gặp không ít sự hoài nghi và bị đón tiếp lạnh nhạt. Người ta còn tiên đoán các lý thuyết của ông sẽ bị chết yểu trong khoảng thời gian không xa. Lúc bấy giờ chỉ một số rất ít các nhà khoa học, trong đó có Max Plank – nhà bác học Đức vĩ đại – đã nhiệt liệt đón nhận và ra sức cổ vũ ông.

Cuối cùng số phận cũng đã mỉm cười và dần dần đưa ông lên đỉnh cao vinh quang của khoa học. Ngày 15 tháng 10 năm 1909, ông rời Cục Sáng chế và chuyển sang môi trường học đường. Ông làm việc tại nhiều trường đại học khác nhau. Thời gian đầu là phó giáo sư vật lý lý thuyết của Đại học Tổng hợp Zurich . Trước đó đúng một tháng - ngày 15 tháng 9 - ông đã đọc một báo cáo khoa học nổi tiếng tại Hội nghị các nhà tự nhiên học và y học tại Salzburg . Tại đây lần đầu tiên một chàng trai 30 tuổi nghiên cứu khoa học đơn độc được gặp các nhà vậy lý lý thuyết lỗi lạc nhất của thời đại. Đối với Einstein thì cuộc gặp gỡ với Max Planck, người đã đề xuất ý tưởng lượng tử ánh sáng mà ông đã tiếp thu và phát triển tiếp trong công trình của mình từ năm 1905, là vô cùng quan trọng.

Ta cần biết rằng từ sau Hội nghị trên, bất chấp mọi tình huống khó khăn do chiến tranh (Thế chiến lần I), chế độ quân phiệt Đức và về sau chế độ độc tài phát xít Hitler gây ra, tình bạn cao đẹp và chân thành giữa hai nhân vật vĩ đại này luôn luôn trong sáng và bền vững. Trước cuộc phản công của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và bài Do Thái chống lại Einstein cùng các công trình khoa học của ông, mà đỉnh cao của nó là vào năm 1933 ngay sau khi Hitler lên nắm quyền, Max Planck tuy lúc này đã 75 tuổi, vẫn công khai đứng lên bảo vệ ông.

Năm 1915. Sau khi lý thuyết tương đối hẹp công bố được hai năm, Einstein chuyển sang nghiên cứu hấp dẫn, mục đích ban đầu của ông là tìm cách kết nối hiện tượng hấp dẫn trong khuôn khổ lý thuyết tương đối hẹp, nhưng mọi cố gắng đều không đem lại kết quả. Sau đó, ông nghĩ đến sự cải biến và mở rộng lý thuyết này để nó có thể chứa đựng một cách tự nhiên hiện tượng hấp dẫn.

Trong những năm 1907-1912, Einstein đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng dạng toán học của hấp dẫn là như thế nào vẫn chưa thật rõ ràng. Và chính lúc này Marcel Grossmann, một người bạn thân của ông từ thời sinh viên đã xuất hiện. Tháng 10 năm 1912, Einstein trở thành giáo sư của Đại học Bách khoa Zurich, nơi mà ông và Grossmann đã học trước đây và hiện nay giáo sư Grossman đang làm việc. Một số người cho rằng Einstein đã gặp may và có lẽ họ có lý, Grossman là nhà toán học thuộc chuyên ngành hình học vi phân. Đây là điều rất quan trọng, bởi vì hình học vi phân, mà ngày nay ta thường gọi là phép tính tenxơ, là công cụ toán học lý tưởng đối với việc diễn tả nội dung vật lý của lý thuyết tương đối tổng quát. Sự giúp đỡ vô tư và chân thành của Grossman, đã tạo điều kiện cho Einstein nhanh chóng hoành thành công việc. Nếu không có sự giúp đỡ đó thì có lẽ công trình vĩ đại này sẽ ra đời muộn hơn nhiều. Tuy vậy, mãi đến tháng 12 năm 1915, sau khi viết ra các phương trình toán học cuối cùng cho trường hấp dẫn, thì cấu trúc hình học đẹp đẽ của lý thuyết mới được xây dựng xong.

Năm 1916, lý thuyết tương đối tổng quát, một thành tựu tột đỉnh của trí tuệ loài người, được công bố. Thời điểm này cũng là lúc cuộc Thế chiến lần 1 đẫm máu đã kéo dài được hai năm. Tại Đức, cuộc chiến tranh ngày càng thâm nhập vào môi trường học đường và bộ mặt của các lực lượng dân tộc và sô vanh chủ nghĩa Đức ngày càng lộ rõ. Trước tình hình đó, Einstein đã tìm cách liên lạc với các tổ chức chống chiến tranh ở trong và ngoài nước, và tìm gặp những người bạn tin cậy nhằm bảo vệ lương tri và phẩm giá con người. Tháng 3 năm 1915, ông đã viết thư sang Thụy Sĩ cho Romain Rolland, người sáng lập và đứng đầu phong trào quốc tế chống chiến tranh, bày tỏ nguyện vọng sẵn sáng gia nhập tổ chức này. Mùa thu năm đó, từ Đức ông bí mật sang Thụy Sĩ thăm vợ con và đã gặp Rolland tại Vevay. Qua cuộc gặp này, ông biết được tại tất cả các nước tham chiến đều có tổ chức chống chiến tranh. Sau khi trở về Berlin , ông gia nhập tổ chức này tại Đức và tham gia phong trào chống quân địch. Trong thời gian này, để tìm hiểu tin tức, ông thường đến thăm một người bà con của bố là Rudolf Einstein hiện đang sống tại Berlin với con gái là Elsa và hai con nhỏ của cô sau khi cô đã ly dị chồng. Einstein đã biết Elsa từ nhỏ, hiện cô vẫn còn rất trẻ, xinh đẹp và rất dịu hiền, có nhiều điểm tâm đầu ý hợp với Einstein. Năm 1919, sau khi ly dị với Mileva, ông đã cưới Elsa.

Mùa thu năm 1917, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã bùng nổ và giành được thắng lợi. Cuộc cách mạng đã đặt trước các nhà khoa học nhiều câu hỏi: Nên chọn chỗ đứng ở bên nào, mối quan hệ đối với chế độ xã hội mới sẽ ra sao, tương lai của nhân loại sẽ như thế nào, v.v…?

Trong môi trường trí thức châu Âu đã diễn ra sự phân cực về chính trị và thời điểm lịch sử này đòi hỏi mọi người cần có thái độ rõ ràng. Đối với Einstein thì không tồn tại vấn đề công nhận hay không công nhận cuộc cách mạng này. Ông cho đây là sự khởi đầu của một cuộc cải cách xã hội rộng lớn, phù hợp với lương tri, nguyện vọng của loài người và sự phát triển của xã hội. Ông bày tỏ lòng khâm phục đối với V.I. Lenin và đánh giá Lenin là người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho việc thực hiện công bằng xã hội.

Năm 1919. Ngày 6 tháng 11 năm 1919, tức ba năm sau khi lý thuyết tương đối tổng quát ra đời, tại một cuộc họp Hội Hoàng gia Luân Đôn và Hội Thiên văn Hoàng gia, người ta đã trình bày các kết quả quan sát của hai đoàn thám hiểm Anh - một trên hòn đảo Principe nằm trong Vịnh Ghinê do Eddington dẫn đầu và một tại làng Sobral của Braxin – về độ lệch của các tia sáng phát ra từ các ngôi sao ở xa khi đi qua vùng lân cận của Mặt trời trong thời gian xảy ra nhật thực toàn phần ngày 25 tháng 9 năm 1919. Kết quả đo được hoàn toàn phù hợp với tiên đoán lý thuyết của Einstein và mâu thuẫn với lý thuyết của Newton . Trong lời phát biểu bế mạc của cuộc họp, Chủ tịch Hội Hoàng gia J.J. Thomson đã tuyên bố: “Đây không phải là một phát hiện về một hòn đảo xa xôi nào đó trên đại dương, mà là cả một lục địa các ý tưởng khoa học mới. Đây là phát hiện lớn nhất kể từ thời Newton ”.

Như thế là chỉ trong một ngày, Einstein đã trở thành người nổi danh nhất trên hành tinh của chúng ta. Từ thời khắc này, mỗi bài báo hay công trình của ông hoặc nói về ông đều làm cho mọi người chú ý. Niềm vinh hạnh này đã tháp tùng ông đến tận cuối đời và mãi mãi về sau này.

Ta cần lưu ý rằng trong và sau chiến tranh, mối quan hệ giữa Đức với các nước đồng minh đứng đầu là Pháp và Anh là mối quan hệ thù địch. Do đó, mối quan hệ giữa các nhà khoa học Đức với Pháp và Anh cũng rất căng thẳng. Einstein đã được đọc một lá thư của một nhóm nhà vật lý Đức có uy tín chỉ thị cho các nhà khoa học Đức không được sử dụng các tài tiệu tham khảo của các tác giả Anh và Pháp trong nghiên cứu khoa học.

Tuy vậy, bằng việc khẳng định tính đúng đắn của lý thuyết tương đối tổng quát, người Anh đã tỏ rõ thái độ của mình là tất cả vì khoa học.

Ngay sau khi cuộc họp lịch sử nói trên vừa kết thúc, một số người đã trực tiếp tấn công lý thuyết tương đối và trước tiên quay lại sân nhà là nước Đức. Lúc đầu các phần tử dân tộc chủ nghĩa hết lời ca tụng lý thuyết của Einstein, xem nó như là một biểu tượng sức mạnh của trí tuệ Đức. Trong khi đó tại Anh người ta không hề nói đến lý thuyết tương đối tổng quát đã ra đời ra Đức. Trong một bài báo đăng trong “The Times” số ra ngày 28 tháng 11 năm 1919, Einstein viết: “Hiện nay ở Đức người ta gọi tôi là nhà bác học Đức, trái lại tại Anh lại coi tôi là người Thụy Sĩ gốc Do Thái. Nếu các kết quả quan sát thiên văn phủ nhận tiên đoán của lý thuyết, thì tất cả sẽ ngược lại. Khi đó tôi sẽ trở thành “bête noire (kẻ đáng ghét nhất). Đối với người Đức tôi chỉ là một tên Thụy Sĩ gốc Do Thái và đối với người Anh tôi lại là nhà bác học Đức”.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, dưới con mắt của những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia và bài Do Thái, Einstein đã trở thành “bête noire” và là tên Do Thái chính cống. Tại Đức đã xuất hiện một tổ chức đặc biệt đấu tranh chống lại mọi ảnh hưởng của Einstein cả về chính trị lẫn khoa học. Lý thuyết tương đối trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh lại càng làm cho nó trở nên nổi tiếng hơn. Trong cuộc đấu tranh này, chỉ có một số ít các nhà bác học như Walter Nersnt và Max von Laue đã hành động theo Max Planck như đã nói ở trên. Phần lớn các nhà khoa học Đức đều giữ thái độ im lặng. Nhưng cũng có một số nhà vật lý và triết học bị lôi kéo vào phong trào chống Einstein. Đại diện cho những người này là Philip Lenard, một nhà thực nghiệm tài năng và đã một thời là người hâm mộ lý thuyết của Einstein. Rất khó xác định được nguyên nhân nào đã đưa Lenard đến hành động như vậy. Rất có thể là do sự đố kị, lòng ghen ghét, sự ngu xuẩn hoặc do cả ba.

Năm 1933, Cao trào chống Einstein và các công trình khoa học của ông đã lên đến đỉnh điểm vào năm 1933, sau khi Hitler lên nắm quyền. Rất may là lúc này Einstein và Elsa đang ở nước ngoài. Nhà của ông tại Berlin bị khám xét và các tài sản gửi trong ngân hàng bị phong toả. Tại Mỹ ông tuyên bố không trở về Đức nữa và chọn nước Mỹ làm quốc tịch mới.

Từ tháng 10 năm 1933 cho đến lúc mất (1955), ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp thuộc Đại học Princeton. Trong suốt khoảng thời gian này, ông đã dồn mọi tâm sức vào việc nghiên cứu một đề tài khó nhất – lý thuyết hợp nhất với tương tác điện từ - hấp dẫn. Rất tiếc mọi cố gắng của ông chưa đem lại kết quả.

Vào những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ trước, trước sự đe doạ của chủ nghĩa phát xít và lo sợ các nhà khoa học Đức trong một thời gian không xa nữa có thể sẽ chế tạo thành công bom nguyên tử, Einstein đã thay mặt các nhà bác học P. Wigner, L. Szilard và E. Teller viết một bức thư nổi tiếng gửi lên Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin Roosevelt, khẩn thiết đề nghị nước Mỹ nhanh chóng chế tạo loại vũ khí này, và lời đề nghị này đã được chấp thuận. Nhưng trước khi những quả bom nguyên tử đầu tiên ra đời, ông đã công khai cảnh báo về sự nguy hiểm khôn lường của cuộc chiến tranh hạt nhân và đề nghị vũ khí nguyên tử phải được đặt dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Sau Thế chiến lần II, ông công khai ủng hộ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quyền lợi của người da đen, và nhất là sau thảm hoạ Hiroshima và Nagasaki, ông tự khẳng định mình là một chiến sĩ bảo vệ hoà bình.

Hành động cuối cùng trước khi ông mất một tuần lễ là ông đã ký vào một văn bản được gọi là Tuyên ngôn Russel - Einstein, khẩn thiết kêu gọi hoà bình. Bản tuyên ngôn đã gắn liền với sự khởi đầu của phong trào hoà bình Pugwash nổi tiếng.

Nguồn: Vật lý ngày nay, số 5, 10/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.