Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/03/2008 00:13 (GMT+7)

Abdus Salam - Giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam

Thế sự thăng trầm

 Không chút ngại ngần bận quốc phục với khăn áo xanh và đôi hia đỏ, lạ lùng giữa ngàn người mang âu phục đen trong buổi lễ trao giải Nobel tháng chạp năm 1979, bài diễn văn của Salam gợi cho ta nỗi niềm mang mác vui buồn của bao người mê say khoa học ở những quốc gia chậm phát triển bên Á, Phi, Nam Mỹ. Câu chuyện cũng không khỏi liên quan đến vấn đề chảy chất xám, giáo dục nói chung và đại học chất lượng cao nói riêng ở nước ta, một đề tài nóng bỏng.

Không chút ngại ngần bận quốc phục với khăn áo xanh và đôi hia đỏ trong buổi trao giải Nobel 79
Không chút ngại ngần bận quốc phục với khăn áo xanh và đôi hia đỏ trong buổi trao giải Nobel 79
Để mở đầu, mời bạn đọc mường tượng cậu học sinh tài ba Abdus năm 14 tuổi tốt nghiệp thủ khoa trung học toàn vùng Punjab, khiến cả tỉnh Jhang hãnh diện ào ra đường đón chào cậu nhỏ trở về quê.Vài năm sau đó Salam được học bổng rời xóm làng đi tàu biển ròng rã cả tháng để sang Anh tiếp tục lớp cao học và tiến sĩ về toán lý tại Cambridge , một trong vài đại học hàng đầu thế giới với mấy chục giải Nobel.

Bên bờ sông Cam êm đềm của trường đại học uy tín gắn liền với những tên tuổi đời đời lừng danh như Newton, Darwin, Maxwell, Dirac, chàng thanh niên Abdus Salam của xứ thuộc địa Pakistan không khỏi suy tư đến thời đại vàng son của khoa học mang dấu ấn đạo Hồi ở các xứ Ả Rập, Ba Tư, Afghanistan. Thực thế, trong khoảng thời gian kéo dài 350 năm (750-1100), ở những vùng đó có nhiều bậc thầy uyên thâm, xuyên ngành và phổ quát như Jabir, Al-Battani, Omar Khayam, Ibn Sina (Avicenne), Ibn Rushd (Averroes) đã từng soi sáng tri thức toàn cầu từ thiên văn đến triết học qua toán, cơ, lý, hóa, y, dược. Trong chuyến thăm viếng những trung tâm văn hóa khoa học vang bóng một thời ở vùng Andalucia miền nam Tây Ban Nha từ Toledo, Cordoba qua Granada, cậu Abdus ngậm ngùi ngắm nhìn bức tranh miêu tả giây phút vị vua cuối cùng Hồi giáo Boabdil năm 1492 mắt rưng rưng lệ, dâng hiến lâu đài Alhambra lộng lẫy cho nữ hoàng Công giáo Isabella để trở về sống kiếp lưu đầy bên kia bờ Địa Trung Hải, giã biệt mãi mãi xứ sở người Moro mà hơn bảy trăm năm trước (711) tổ tiên đến từ Bắc Phi đã xây dựng nên.

Rõ ràng cái ấn tượng thăng trầm trong lịch sử của các nền văn hiến và của khoa học nói riêng đã đeo đuổi hoài Abdus Salam. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ lúc đó ông bắt đầu suy nghĩ tìm phương cách để giúp các đồng nghiệp ở những nước kém phát triển có phương tiện liên tục học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo hầu lấp dần cái hố xa cách khoa học kỹ thuật giữa hai bán cầu Tây và Đông, Bắc và Nam. Trong bài phát biểu ở Stockholm năm ấy, ông nhắc nhở mọi người rằng sự tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên cũng như những sáng tạo trong khoa học là di sản chung của loài người, nhiều dân tộc đã trải qua những chu kỳ phát triển, lúc thịnh lúc suy.

Ta hãy theo Salam ngược dòng thời gian lùi về năm 1217, thuở ấy ở xứ Scotland phía bắc nước Anh kém mở mang, dân chúng chỉ biết chăn cừu, dệt len có chàng thanh niên Michael hiếu học rời quê hương lặn lội xuống miền nam tìm đến thụ giáo nhà học giả Do Thái Moses bin Maimoun đang giảng dạy tại hai trường đại học Ả Rập nổi tiếng hàng đầu thế giới ở Toledo và Cordoba phồn vinh. Nhưng trước đó cả ngàn năm, còn có một kho tàng tri thức tuyệt vời khác đã rọi sáng nhân loại với những bậc thầy kì diệu người Hy Lạp từ Pythagore (định lý về tam giác vuông góc), Socrate, Plato, Aristotle, Euclide (hình học phẳng), Archimedes, đến Ptolemy. Trải qua những cuộc bể dâu, nền văn hóa rực rỡ ấy đã bị lãng quên, hầu như chẳng còn ai kể cả Michael biết đến ngôn ngữ của Homer nữa.

ICTP- trung tâm QT về vật lý lý thuyết ở Trieste, Ý
ICTP- trung tâm QT về vật lý lý thuyết ở Trieste, Ý
Phải chờ đến thời đại vàng son của triết học, khoa học bên Trung, Cận Đông từ thế kỉ thứ bảy kéo dài vài trăm năm , tủ sách tinh hoa Hy Lạp nằm trong quên lãng cả mươi thế kỉ mới được chuyểnngữ sang tiếng Ả Rập. Năm 1231, sau khi dịch các công trình của Aristotle từ Ả rập sang Latinh để góp phần khai sáng các dân tộc Âu châu còn đang mê mẩn trong bóng tối thần quyền, Michael bèn đếnSalerno và gặp Henrik Harpestraeng - một người thầy thuốc riêng của vua Đan Mạch- đang ở đó học hỏi về truyền máu và giải phẫu. Thủa ấy bộ sách kinh điển về ngành này là của Avicenna mà chỉ Michaelmới biết ngôn ngữ để dịch giùm cho Henrik cùng chung cảnh ngộ đến từ những nuớc chậm mở mang. Toledo và Salerno thời xa vắng ấy là hai trung tâm văn hóa chói lọi, biết bao học giả từ các xứ Đông, Namgiầu mạnh văn minh như Syria, Ai Cập, Ba Tư đến để trao đổi kiến thức, nhưng cũng còn vài trường hợp hiếm hoi như Michael hay Harpestraeng từ những miền Tây, Bắc nghèo nàn vì cầu tiến mà tìm đến đểhọc hỏi. Đó là sơ đồ một trung tâm cộng tác quốc tế thời Trung cổ giữa hai nền văn hóa trình độ khá chênh lệch.

Bảy trăm năm sau, chu kỳ thịnh suy đã đi hết một vòng. "Michael - anh chàng Scottish giờ đây là chúng tôi", Salam nói, những người của thế giới Đông và Nam kém phát triển đang đi về phương Tây và Bắc để học hỏi. Tìm kiếm chân lí, trau dồi kiến thức là khát vọng hướng thượng chung của con người bất kì từ đâu đến, và "sông kia giờ đã nên đồng", đại học Toledo, Salerno uy tín thời ấy nay đã trở thành Cambridge, Imperial College of London danh tiếng thời nay!

Abdus Salam, vài nét về con người và sự nghiệp

Trước hết đôi dòng về những công trình kinh điển và đồ sộ của ông về Vật lý lý thuyết hạt cơ bản mà giải Nobel trọng thưởng. Trong Vật lý như ta biết cho đến nay chỉ có bốn định luật cơ bản điều hành các hiện tượng thiên nhiên, đó là vạn vật hấp dẫn, điện-từ, tương tác yếu và tương tác mạnh trong các hạt nhân nguyên tử. Luật hấp dẫn được Newton phát hiện - và sau này thay thế bởi thuyết tương đối rộng của Einstein - diễn tả các vật thể mang khối lượng tạo ra một trọng lực (hay trọng trường) để hút chúng lại gần nhau.

Bổ túc bởi vật lý lượng tử của thế kỷ hai mươi với trường quang tử (photon), điện-từ có tên mới là điện động học lượng tử. Thấu triệt cơ chế vận hành của hai trường cơ bản là điện tử (electron) và quang tử (photon) rồi sau đó chế ngự, điều khiển được chúng, con người đã đưa công kỹ nghệ thông truyền tin đến những thành tựu kì diệu ngày nay.

Luật hấp dẫn và điện-từ tác động ở khắp cả hai thế giới vi mô và vĩ mô, trong khi đó tương tác yếu chỉ vận hành ở thế giới vi mô, đặc biệt hạt neutrino (khối lượng nhỏ muôn vàn, gần như không) chỉ có tương tác yếu mà thôi. Sự phân rã bêta (neutron phân rã ra proton + electron + neutrino) trong các hạt nhân nguyên tử là một biểu hiện điển hình của tương tác yếu. Nên biết thêm là thuật ngữ yếu thoạt nghe tưởng yếu mềm ít tác động, nhưng thực ra nó chủ chốt điều hành các phản ứng nhiệt hạch trong các thiên thể. Mặt trời cho ta ánh sáng chỉ vì phản ứng nhiệt hạch tung hoành ở trong trung tâm nó, và mỗi giây đồng hồ trên một phân vuông của làn da chúng ta có gần trăm tỷ hạt neutrino từ Mặt trời bay đến! Chỉ vì cường độ của tương tác yếu quá nhỏ so với cường độ của điện-từ nên với từng ấy neutrino rọi vào mà sinh vật trên trái đất này vẫn điềm nhiên sinh sôi nẩy nở.

Abdus Salam, người Hồi giáo, cùng với hai người Mỹ gốc Do Thái, Sheldon Glashow và Steven Weinberg đã phát hiện ra là mặc dầu hai định luật cơ bản điện-từ và yếu có cường độ tương tác quá khác biệt, nhưng thực ra chúng mang rất nhiều đặc tính chung và hơn nữa có thể hòa hợp trong một tương tác duy nhất mà Salam đặt cho cái tên là điện-yếu. Sở dĩ có sự khác biệt giữa hai cường độ là vì khối lượng của hạt photon (tượng trưng cho điện-từ, xin nhớ electron trao đổi photon) bằng không mà khối lượng của hạt Z (tượng trưng cho phân rã yếu, xin nhớ neutrino trao đổi Z) thì lại quá lớn. Thuyết điện-yếu tiên đoán được khối lượng cùng các đặc tính của hạt Z và sau đó thực nghiệm kiểm chứng với độ chính xác tuyệt vời.

Sự tổng hợp hai hiện tượng thiên nhiên điện-từ và yếu là cả một cuộc cách mạng trong Vật lý ở cuối thế kỷ 20, tầm quan trọng của nó có thể ví như sự tổng hợp giữa ba hiện tượng điện, từ và quang ở thế kỷ 19 với Maxwell. Lý thuyết tổng hợp điện-yếu của đồng tác giả Glashow, Salam, Weinberg từ nay còn mang tên gọi là Mô Hình Chuẩn.

Nói theo ngôn ngữ của Thomas Kuhn trong cuốn sách ‘’Cấu trúc của những cuộc cách mạng trong khoa học’’, Mô Hình Chuẩn (Standard Model) là một mẫu hình (paradigm) mà vật lý trong một thời gian dài phải dựa vào. Chỉ khi nào có một khám phá đưa mô hình chuẩn đến mâu thuẫn, không sao giải thích nổi thì một mẫu hình mới sẽ ra đời, bao gồm mô hình chuẩn như một trường hợp đặc biệt. Cũng như cơ học cổ điển của Newton là mẫu hình kéo dài hơn hai trăm năm cho đến khi thuyết tương đối hẹp ra đời với Einstein, Lorentz, Poincaré; và cơ học cổ điển Newton chỉ là một trường hợp đặc biệt (của những hệ thống chuyển động với vận tốc nhỏ so với vận tốc ánh sáng) của cơ học tương đối tính.

Cũng thêm một dấu ngoặc trong công trình khoa học của ông, khoảng năm 1957 khi hai nhà vật lý Trung Quốc Dương Chấn Ninh và Lý Trung Đạo làm việc ở Mỹ đoạt giải Nobel vì khám phá ra sự vi phạm "đối xứng gương" trong tương tác yếu, thì đồng thời Salam - bằng một cách tiếp cận rất độc đáo liên quan đến hạt neutrino không có khối lượng - cũng góp phần quyết định vào tìm hiểu sự vi phạm này.

Nhưng sự nghiệp Abdus Salam không dừng lại ở giải Nobel

Mới 30 tuổi đã được bầu vào Hàn lâm viện Hoàng gia Anh ( viện sĩ trẻ nhất là người ngoại quốc), nhiều lần được đề nghị giải Nobel (trước Mô Hình Chuẩn), Abdus Salam dùng uy tín của mình để chặn nạn chảy máu chất xám. Ông đi chu du khắp đó đây, gặp gỡ thuyết phục các chính khách, ngoại giao, văn hóa, khoa học ở UNESCO, IAEA và các mạnh thường quân ở những nước giàu mạnh để gây ngân quỹ khổng lồ, thành lập năm 1964 ở thành phố Trieste bên bờ biển Adriatic thuộc nước Ý một trung tâm lớn quốc tế về khoa học tự nhiên ICTP, nơi giao lưu thường trực của những nhà khoa học ở hai bán cầu  Ðông-Nam với Tây-Bắc. Lúc đầu giới hạn trong lãnh vực Vật lý lý thuyết sau lan rộng sang Toán (Giáo sư Lê Dũng Tráng hiện đang chủ trì viện Toán của ICTP), Cơ, Tin Học, Sinh-Hoá, Khoa học ứng dụng, Toán áp dụng cho Tài chính.
Sống cuộc đời tư đạm bạc, không giữ cho mình một xu, tất cả tiền thưởng của giải Nobel, Salam tặng lại cho ICTP để giúp đỡ các đồng nghiệp thiếu thốn ở các nước chưa phát triển. Cho đến nay có hơn một trăm ngàn nhà khoa học ở 122 nước, trong đó có Việt Nam, đến ICTP làm việc.
Khi Salam mất, thay thế ông làm giám đốc ICTP là Miguel Virasoro người Argentina gốc Do Thái, rồi Katepalli Sreenivasan người Ấn Độ, chi tiết này mang nhiều ý nghĩa.

Để kết thúc, người viết không khỏi liên tuởng đến buổi truyền hình trực tiếp đêm hòa tấu vì hòa bình Israel-Palestine với dàn nhạc giao hưởng West-Eastern Divan tại thành phố Ramallah đầy tang tóc. Trình diễn xong bản sinphonia concertante của Mozart và symphony số 5 của Beethoven, nhạc trưởng thiên tài Daniel Barenboim người Do Thái bùi ngùi ngỏ vài lời tưởng niệm cố nhân Edward Said, một nhà tư tưởng lớn người Palestine giáo sư Văn học Sử của Đại học Columbia. Hai vị dự tính cùng nhau hòa nhịp dương cầm ở Ramallah góp phần thức tỉnh lương tâm, thiện chí, kêu gọi hòa bình giữa hai dân tộc, nhưng rất tiếc Said ra đi hơi đột ngột. Vui sao khi Khoa học và Âm nhạc, Hồi với Do Thái, Ấn Độ với Pakistan tay trong tay cùng thế giới đại đồng vươn lên tìm cái Thực và cái Đẹp. Con người nhìn xa thấy rộng Abdus ở trên cao chắc hẳn cũng mỉm cười, mà cũng là kì ngộ thay, Salam trong tiếng Ả Rập nghĩa là Hòa bình!

Nguồn: Vật lý ngày nay, số 1, 2 - 2008, tr 33.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.