Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 09/10/2024 01:00 (GMT+7)

7 giải pháp cấp bách để các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển

Phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) một vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu thật kỹ, bởi tính đa dạng của các tạp chí này trong sự phát triển nhanh của báo chí và truyền thông dưới tác động của cộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 4/10, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học trước yêu cầu mới. Bài viết nhằm tiếp tục góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu phát triển chung của các tạp chí khoa học thuộc hệ thống của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Ban Biên tập Vusta.vn xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của PGS-TS Nguyễn Tất Viễn - Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý; Chủ tịch HĐKH Tạp chí Việt Nam hội nhập; nguyên Ủy viên Thường trực Ban Cải cách tư pháp Trung ương được trình bày tại hội thảo. (Tiêu đề do BBT đặt)

tm-img-alt

1- Quy mô và tính chất của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam

Phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam một vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu thật kỹ, bởi tính đa dạng của các tạp chí này trong sự phát triển nhanh của báo chí và truyền thông dưới tác động của cộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong số đó có Tạp chí khoa học thông tin lý luận, tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù và tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng. Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Hội Việt Nam, nơi quy tụ hàng trăm các đơn vị hội ngành, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước, các nhà khoa học hàng đầu của cả nước, các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội có sứ mệnh truyền bá chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, truyền tải kiến thức về khoa học, công nghệ, văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, các thông tin hoạt động của cơ quan Liên hiệp hội đến đội ngũ trí thức và đông đảo người dân.

Trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam hiện nay có 01 cơ quan báo chí trực tiếp do Liên hiệp Hội Việt Nam làm chủ quản, 18 cơ quan báo chí trực thuộc các Viện, 47 cơ quan báo chí trực thuộc các hội ngành, tổng cộng là 66 cơ quan báo chí. Một trong những thế mạnh của báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam là công bố các nghiên cứu, thông tin về khoa học và công nghệ ở phạm vi rộng, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ Việt Nam, truyền tải thông tin về các mặt của đời sống xã hội.

Luật Báo chí năm 2016 đã đưa ra một quy phạm mang tính định nghĩa về Tạp chí khoa học, đó là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành (Điều 3 Luật Báo chí năm 2016). Đây là một diễn đàn ổn định, thường xuyên và minh bạch để trình bày, thảo luận về các kết quả nghiên cứu, các nội dung học thuật; cũng như một số nội dung khác theo tôn chỉ mục đích riêng có của mỗi tạp chí. Tạp chí khoa học cũng được coi là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động nghiên cứu bởi không có hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nào được tiến hành mà không có sự tham khảo các công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học trước đó. Có thể nói Tạp chí khoa học là “người chép sử” cho mỗi ngành khoa học và nền khoa học ở mỗi quốc gia.

2 - Thực trạng phát triển của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam

Hiện hầu hết các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn và thách thức lớn, đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm điều hành của người đứng đầu cơ quan tạp chí (Tổng biên tập) để có thể duy trì và phát triển. Trong bối cảnh đó, thời gian qua lãnh đạo các tạp chí trong hệ thống đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn. Kinh tế báo chí có tầm quan trọng sống còn và là điều kiện quan trọng bậc nhất (sau yếu tố con người) đối với sự phát triển của tạp chí; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc Liê hiệp Hội nói riêng đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông trên mạng xã hội...

Chính vì vậy, để tạo nguồn thu, các tạp chí đều tăng cường lập kế hoạch kinh doanh trên cơ sở pháp luật cho phép, mặc dù đây là việc làm không dễ trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Một đặc điểm rất quan trọng ở nước ta là các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Tôn chỉ mục đích xác định vị trí, chức năng của cơ quan báo chí đó. 

Nhìn chung, các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiêu cố gắng, đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, giúp nâng cao dân trí, bảo đảm an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều tạp chí tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý kinh tế đối với báo chí như Luật Báo chí 2016, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ- CP  quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) cùng các quy định về chính sách thuế doanh nghiệp… Nhưng điều đó không có nghĩa là các tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội không gặp khó khăn; vấn đề kinh tế để đảm bảo duy trì hoạt động tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vẫn là thách thức lớn và không dễ giải quyết đối với các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, chất lượng một số tạp chí chuyên ngành chưa cao cũng là một thực trạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: quy trình quản lý xuất bản chưa chặt chẽ; một số không ít tạp chí chưa xây dựng được một quy trình kiểm soát chất lượng đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo những chuẩn mực tiên tiến; rất ít tạp chí thiết lập được hệ thống thu nhận, xử lý, phản biện và xuất bản trực tuyến đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Một nguyên nhân khác khiến chất lượng xuất bản khoa học chưa cao là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia phản biện chưa làm tốt; chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quy trình quản lý xuất bản. Những tòa soạn thành công một phần là nhờ dung hòa được các yếu tố từ phiên bản điện tử (sự lan tỏa, số lượng bạn đọc, thương hiệu tờ báo) và phiên bản báo in (có nguồn thu cao hơn).

tm-img-alt

Hội thảo Giải pháp phát triển mô hình các Tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (4/10/2024)

3 - Giải pháp phát triển tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

Tạp chí khoa học hiện có vai trò quan trọng trong nghiên cứu, đề xuất các vấn đề lý luận, các biện pháp đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có giải pháp “Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên Internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch...”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ “Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Thể chế hoá chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022) đã xác định giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống tạp chí khoa học và công nghệ trong nước đạt trình độ quốc tế là: “Đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực khoa học và công nghệ, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước”.  

Căn cứ chủ trương và các yêu cầu nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp góp phần đưa các tạp chí khoa học tronghệ thốngLiên hiệp Hội Việt Namphát triển nhanh và bền vững. Cụ thể:

  1. Để phát huy được vai trò chính trong phổ biến kiến thức, tạp chí khoa học cần một đội ngũ người làm báo vừa có tính chuyên nghiệp cao, vừa có kiến thức khoa học và công nghệ của một nhà khoa học. Khi kết hợp được cả hai yếu tố trên trong sẽ nâng cao được vai trò của Tạp chí, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đây là vấn để cần có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, mang tính chất lâu dài.
  2. Để nâng cao chất lượng của tạp chí khoa học, cần xây dựng và duy trì các chuyên mục phù hợp với loại hình tạp chí một cách chất lượng; thể hiện rõ trong các chủ đề: giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh các công trình nghiên cứu; cập nhật, trao đổi  các kiến thức mới khách quan, thực tiễn trong và ngoài nước; thực hiện giải đáp, tư vấn khoa học, phản biện khoa học trên Tạp  chí...
  3. Vấn đề rất quan trọng nữa là phải đáp ứng và hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, như : Quan tâm đầu tư, xây dựng, hoàn thiện một bộ máy lãnh đạo giỏi và tận tâm với nghề (nhất là người đứng đầu) để vận hành tạp chí một cách hiệu quả và chuẩn chỉ. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất. Có định hướng sát thực nhằm tạo lập một nguồn tài chính ổn định; có quy trình chặt chẽ trong việc duyệt bài để đăng; có tỷ lệ phù hợp các bài viết phân tích chuyên sâu trên mỗi số tạp chí (ít nhất là 1/3) trên cơ sở huy động hiệu quả mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học; có các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên Tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng; có đội ngũ nhà báo có trình độ chuyên môn, chủ động thực hiện vai trò cầu nối của quá trình xây dựng thực hiện chính sách, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội giữa các nhà khoa học v.à các cơ quan hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách
  4. Bên cạnh tính căn cốt về nội dung, Tạp chí khoa học cần nỗ lực đầu tư về công nghệ nhằm tạo các lực đẩy nội dung lên đa nền tảng để đến với bạn đọc, công chúng nhiều và nhanh hơn. Nếu không tổ chức đầu tư công nghệ thì sẽ tụt hậu trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kéo theo sự tụt hậu cả về tạo nguồn lực kinh tế để phát triển… Trong đó, thực hiện quản trị số và ứng dụng công nghệ số là một yêu cầu rất quan trọng cần hướng tới.
  5. Ở một góc nhìn xa và rộng hơn (nhưng cũng rất cần thiết), một tạp chí khoa học chuyên sâu phải vươn tầm quốc tế, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Muốn vậy, phải xác lập cho mình bản sắc riêng trong cộng đồng khoa học toàn cầu và tất cả cần được thực hiện trên nền tảng tạp chí khoa học trực tuyến - VJOL.
  6. Việc cấp định danh cho đối tượng số - gọi tắt là DOI (Digital Object Identifier) là một vấn đề được các tạp chí khoa học trên thế giới rất quan tâm. Hầu hết các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới đều đã áp dụng cấp mã định danh DOI cho các bài đăng trên tạp chí của mình. DOI rất quan trọng trong trích dẫn học thuật vì chúng có đặc tính duy trì bền vững lâu dài, đảm bảo rằng người đọc có thể định vị nguồn một cách đáng tin cậy. Cấu trúc của một mã định danh DOI đã được quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12198:2018 (ISO 26324:2012). Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc cấp mã DOI cho bài báo khoa học trên tạp chí còn rất hạn chế (Tạp chí Việt Nam Hội nhập nằm trong số tạp chí Việt Nam đã được cấp mã số DOI đó). Tạp chí khoa học cần chú trọng phát triển theo chuẩn mực và thông lệ chung của quốc tế, trong đó chú trọng xuất bản cả bằng tiếng Anh; cần định dạng bài báo theo thông lệ chung; đa dạng hóa thành viên hội đồng biên tập, bao gồm cả các chuyên gia từ nước ngoài; hướng tới số hóa và xuất bản trực tuyến…
  7. Theo Dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 thì đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học (không có các viện nghiên cứu và bệnh viện ngoài công lập) bị thu hẹp. Tư đó đối tượng cấp thẻ nhà báo (không có những người tại tạp tạp chí khoa học) cũng bị thu hẹp. Chúng tôi cho rằng đề xuất nêu trên sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của các cơ quan tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, trước hết là các tạp chí luôn thực hiện nghiêm chỉnh tôn chỉ, mục đích trong Giấy phép. Chúng ta đều biết Liên hiệp Hội Việt Nam là nơi tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước với trên 2,2 triệu trí thức trong số 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc họ rất cần có những diễn đàn khoa học để công bố những ý tưởng và sản phẩm khoa học.

Bên canh đó, Luật Khoa học và Công nghệ quy định “Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (Điều 48). Vì vậy nếu thu hẹp đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học thì sẽ không phù hợp với chủ trương huy động các nguồn lực khoa học và công nghệ của xã hội cho sự phát triển đất nước. Các viện nghiên cứu ngoài công lập xưa nay thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc sẽ không còn được xuất bản tạp chí khoa học. Điều này không khuyến khích được các nhà khoa học trong nghiên cứu. Dĩ nhiên, bên cạnh những tạp chí của các cơ quan thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, có nhiều tạp chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, để xảy ra nhiều vi phạm, đã được các cơ quan chỉ đạo va quản lý báo chí nêu rõ.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một số tạp chí yếu kém, vi phạm pháp luật mà cho dừng hoạt động tất cả các tạp chí khoa học ngoài công lập là chưa thỏa đáng. Bởi như đã phân tích ở trên, bên cạnh môt số tạp chí yếu kém, vi phạm, có các tạp chí luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, đã và đang đóng góp tích cực, trách nhiệm cho sự phát triển khoa học và công nghệ, cũng như cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6, khoá XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ rõ :“Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân” . Trên tinh thần đó, cần tăng cường quản lý báo chí thông qua các thể chế pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho những nhân tố tích cực phát triển và triệt tiêu những tiêu cực trong thực tiễn. Tăng cường chế tài đủ nghiêm khắc nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí theo tinh thần “kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện thương mại hoá, tư nhân hóa báo chí” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022. Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam có đủ các chế tài nghiêm khắc để xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Chúng tôi nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí theo hướng quy định thu hồi giấy phép hoạt động khi cơ quan báo chí không bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật Báo chí. Bên cạnh đó, nâng cao các yêu cầu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ tiêu chuẩn và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó tiêu chuẩn về chính trị của người lãnh đạo tạp chí phải được đặt lên hàng đầu.

Về việc cấp thẻ nhà báo, nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ nhà báo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, họ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp vào công cuộc truyền thông làm thay đổi tư duy trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều nhà báo hiện công tác tại các cơ quan báo, tạp chí khoa học, họ cầm trong tay tấm thẻ với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Còn những người lợi dụng tấm thể để làm những việc sai trái, vi phạm, cần xử lý nghiêm khắc bằng pháp luật. Chúng tôi kiến nghị thay cho việc không cấp thẻ, có thể xét cấp hạn chế và xét từng tạp chí khoa học cụ thể.

Có được một chính sách quản lý phù hợp sẽ tạo ra kết quả phát triển mang tính bền vững, lành mạnh của các tạp chí trong thời gian tới, đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ - quốc sách hàng đầu của Nhà nước ta.

Trên đây là ý kiến của chúng tôi, rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi để góp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc sửa đổi Luật Báo chí. /.

PGS-TS Nguyễn Tất Viễn

Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý;

Chủ tịch HĐKH Tạp chí Việt Nam hội nhập;

nguyên Ủy viên Thường trực Ban Cải cách tư pháp Trung ương

Xem Thêm

Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Yên Bái: Hội thảo phòng ngừa rủi ro trên không gian mạng
Sáng ngày 11/11, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng (CDSH) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát về phòng ngừa rủi ro trên không gian mạng cho thanh niên.
Đề xuất giải pháp quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới
Nước là nguồn tài nguyên quý giá quyết định sự tồn tại của con người cũng như sự sống của sinh vật trên trái đất. Nước không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người mà còn có ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới, việc bảo đảm cung cấp nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.