Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/12/2022 15:29 (GMT+7)

5 con người với 2 sự tôn vinh

Ngày 22/4/2021 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới cho cố GS VS Vũ Tuyên Hoàng – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

Trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới cho GS Trương Hoàng Chương – Nhà Văn hóa, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam); Trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho TSKH Nghiêm Vũ Khải, TS Phạm Văn Tân, TS Phan Tùng Mậu (Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).Đây là những cá nhân đã có những đóng góp to lớn trong chặng đường phát triển 40 năm của Liên hiệp Hội Việt Nam.

tm-img-alt

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo LHHVN chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân được tặng thưởng

Cố GS. VS Vũ Tuyên Hoàng - nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Cố GS. VS. Vũ Tuyên Hoàng là một Nhà nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam, Nhà Di truyền học lớn của nước ta và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII và VIII; đại biểu Quốc hội các khoá VIII, XI và XII; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khoá V và VI; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa IV và V; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam.

GS. VS. Vũ Tuyên Hoàng có công lao rất lớn với nền nông nghiệp nước nhà: là người có 18 năm làm Chủ nhiệm Chương trình lương thực quốc gia, người đã quyết định thay đổi toàn bộ giống lúa năng suất thấp của Việt Nam bằng các giống lúa năng suất cao, góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực thành đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Ông còn là Nhà Di truyền và chọn giống cây trồng, là tác giả của 26 giống lúa được công nhận giống nhà nước, tác giả của 20 giống rau, màu, 8 giống cây ăn quả cấp nhà nước. Ông cũng là tác giả của 5 quy trình kỹ thuật cấp nhà nước với các cây trồng. Là người nổi tiếng trong nước và quốc tế với nhiều giống lúa năng suất cao.

Ngay từ khi mới tốt nghiệp Đại học từ nước ngoài về, GS. VS. Vũ Tuyên Hoàng đã đề xuất chuyển giống lúa mùa năng suất cao trồng trong vụ chiêm để đưa năng suất vụ Đông Xuân từ thấp lên cao. Tự tay Ông đã lai tạo ra các giống lúa Đông Xuân 2, Đông xuân 4, Đông Xuân 5, trong đó giống Đông Xuân 2 năng suất cao gấp 2 lần lúa chiêm lúc ấy.

Được cử đi học Phó tiến sĩ tại Liên Xô, ông đã vượt thời gian làm Phó tiến sĩ rút ngắn thời gian làm tiến sĩ, nhận bằng Tiến sĩ Khoa học với luận án xuất sắc về phản ứng ánh sáng của cây lúa trên cơ sở phân tích ARN ở đỉnh sinh trưởng.

tm-img-alt

Phu nhân GS VS Vũ Tuyên Hoàng đón nhận Danh hiệu AHLĐ do Chủ tịch nước truy tặng cho Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng

GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ sẽ chịu nhiều tác hại của biến đổi khí hậu, nhất là lượng nước ngọt dành cho con người, động vật và cây xanh sẽ thiếu nghiêm trọng. Ông đã tập trung ưu tiên chọn giống lúa chống hạn như các giống CH2, CH3, CH4, CH5, CH7, CH8, giống lúa chống ngập úng như giống U14, U17, U21. Công trình này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Ông cũng là nhà chọn giống lúa đầu tiên ở Châu Á - vùng lúa chính của thế giới đề xuất lấy phẩm chất lúa có hàm lượng protein cao là quan trọng, hơn là chạy đua theo năng suất như nhiều nhà chọn giống khác. Trực tiếp thực hiện lai tạo qua nhiều năm, Ông đã tạo ra giống lúa mới P1, P4, P6, P290 nâng hàm lượng protein của giống cũ từ 6-7% lên 14% ở các giống lúa mới, đây là thành công đặc biệt lớn, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mua rất nhiều gạo của các giống này.

Năm 1998, Chính phủ Nhật Bản quyết định trao Giải Lúa quốc tế KOSHIHIKARI cho 3 nhà khoa học hàng đầu của Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng.

Mặc dù là Đại biểu Quốc hội 3 khóa, là Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa, là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Chủ tịch Hội Di truyền học, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Viện sĩ 3 Viện Hàn lâm trên thế giới… và nhiều chức vụ khác, nhưng sau những giờ làm việc hoặc đi công tác xa về, Ông thường xuyên lội ruộng kiểm tra thí nghiệm ngoài đồng. Không chỉ là nhà khoa học của Việt Nam, Ông còn là nhà khoa học hàng đầu về di truyền, chọn giống cây trồng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một trong những nhà khoa học lớn về lúa của thế giới. Ông đã từ trần ngày 26 tháng 02 năm 2008.

GS.Trương Hoàng Chương (GS. Hoàng Chương): Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Liên hiệp Hội Việt Nam) - Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

GS. Trương Hoàng Chương là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ năm 2000 tới nay. Ông được Viện Hàn lâm Sân khấu - Điện ảnh Rumani phong tặng hàm Giáo sư danh dự.

Ông sinh ra và lớn lên trong trong kháng chiến chống Pháp tại Bình Định - mảnh đất địa linh nhân kiệt, được xem là “cái nôi” của võ thuật và nghệ thuật Tuồng (Hát Bội), Bài chòi.

Ông đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, giữ những vị trí công tác quan trọng như: Đạo diễn trưởng của Nhà hát Tuồng Liên khu 5, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Rumani.

Tháng 6/2000, sau khi về hưu, để tiếp tục góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, GS. Hoàng Chương đã sáng lập ra Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc và nay là Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Với tâm huyết trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam và mong muốn quảng bá rộng rãi ra đời sống văn hóa trong nước và nước ngoài, GS. Hoàng Chương đã thuyết phục để tập hợp vào đội ngũ của Viện đông đảo các nhà văn hóa, khoa học, văn nghệ sĩ hàng đầu trong và ngoài nước tham gia.

Từ một văn phòng nhỏ và một Tạp chí Văn hiến Việt Nam, đến nay Viện đã có các cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên… và nhiều đơn vị trực thuộc. Có thể nói, thành tựu nổi bật nhất được xã hội đánh giá cao nhất của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trong 20 năm qua là các thành tựu nghiên cứu khoa học với 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ là Nghệ thuật Múa rối nước, Tìm về cội nguồn Quan họ, Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, 100 năm Nghệ thuật Cải lương và Nghệ thuật Dân ca kịch Bài chòi.

Trong 20 năm qua, Viện đã phối hợp với nhiều ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo khoa học với nhiều đề tài phong phú, phục vụ thiết thực hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

tm-img-alt

GS.Trương Hoàng Chương (Bên phải) đón nhận Danh hiệu AHLĐ do Chủ tịch nước trao tặng

Bên cạnh việc sáng lập và lãnh đạo Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc không ngừng phát triển, đạt nhiều thành tựu trong 20 năm qua, GS. Hoàng Chương đã không ngừng học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo, hoàn thành những công trình khoa học cá nhân, đã xuất bản và được dư luận đánh giá cao, như: Đi tìm vẻ đẹp của Sân khấu dân tộc; Tống Phước Phổ - cây đại thụ Tuồng; Tuồng và Võ thuật Dân tộc; Những vấn đề Sân khấu; Về văn hóa nghệ thuật dân tộc; Nghệ thuật Bài chòi; Tuồng, báu vật của văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, mỗi năm ông còn có trên 40 bài báo đăng trên tạp chí Văn hiến Việt Nam và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương khác cũng như có hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn trên các Đài truyền hình về các vấn đề cấp thiết của văn hóa xã hội Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Tuy ở tuổi xưa nay hiếm nhưng GS. Hoàng Chương còn tham gia giảng dạy ở nhiều trường nghệ thuật trong nước và là người duy nhất được mời giảng cho sinh viên Mỹ hàng năm sang thực tập tại Việt Nam về nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong 15 năm liền tại Hà Nội, chủ trì tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam và Rumani, giới thiệu văn hóa Bình Định tại Thủ đô Hà Nội, cũng như kết nối được nhiều quan hệ hợp tác đầu tư giữa Bình Định với các doanh nghiệp, doanh nhân của một số nước trên thế giới, hoặc các hoạt động hỗ trợ cho học sinh nghèo học giỏi ở Bình Định, giúp đỡ những người gặp khó khăn, nghèo khó trong cộng đồng người Bình Định ở Thủ đô Hà Nội.

TS. Phạm Văn Tân, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Huân chương Độc lập Hạng Ba

TS. Phạm Văn Tân đã từng được giao đảm nhiệm các vị trí hết sức quan trọng trong hơn 40 năm công tác của mình: Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Ban Đối ngoại tỉnh Bắc Thái; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên; Bí thư Chi bộ Cơ quan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XV, XVI; Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Ban Cán sự đảng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa X; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Khoa giáo Trung ương; Thành viên Hội đồng phát triển bền vững quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát quốc gia của Việt Nam thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong các nước ASEAN; Ủy viên Hội đồng công tác quần chúng Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ tháng 8/2005 đến tháng 12/2020, Ông đã có nhiều đóng góp cùng với tập thể Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, như: Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW, khóa X của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì. Là thành viên tích cực tham gia việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tham gia góp ý hoàn thiện nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì. Là thành viên tích cực trong việc thực hiện Đề án tổng kết 10 thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông đã chủ trì hoặc tham gia chủ trì nhiều đề án quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, như: Đề án về Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; Đề án Chiến lược phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2010-2020; Đề án về củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đề án về tổ chức bộ máy và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong tình hình mới; Đề án về cơ chế, chính sách tài chính đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đề án xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đề án về Diễn đàn khoa học của trí thức khi tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tích cực làm việc với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa V và khóa VII (năm 2006, 2015).

tm-img-alt

TS. Phạm Văn Tân đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba

TS. Phạm Văn Tân có nhiều đóng vào việc phát triển hệ thống tổ chức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật; số các Hội ngành toàn quốc đã tăng nhanh từ 56 hội lên 89 hội; số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tăng hơn gấp hơn 5 lần từ gần 100 tổ chức (2005) lên trên 500 tổ chức (năm 2020). Với vai trò Phó Bí thư Đảng bộ (2005-2010) và Bí thư Đảng bộ (2010-2020), ông đã có nhiều đóng góp trong việc củng cố và phát triển Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ một Đảng bộ cơ sở với hơn 30 chi bộ năm 2005 lên 57 chi bộ năm 2020 và Đảng bộ đã trở thành hạt nhân chính trị nòng cốt cùng với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm tốt công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ.

Trong các hoạt động chuyên môn, ông đã cùng với Ban Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách; trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; trong hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN; trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống và trong hoạt động tôn vinh trí thức, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Huân chương Độc lập Hạng Ba

Ông đã trải qua các vị trí công tác quan trọng như: Cán bộ giảng dạy, Đại học Mỏ - Địa chất; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội; Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ủy viên Đoàn thư ký Kỳ họp Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV; Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ nhiệm Đề tài cấp nhà nước, Chủ nhiệm các chương trình thành phần của Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020; Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - A-dec-bai-gian. TSKH. Nghiêm Vũ Khải Chủ trì thẩm tra các luật Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Luật Hóa chất, Luật Công nghệ cao, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bưu chính; tham gia thẩm tra nhiều dự thảo luật và pháp lệnh khác.

Chủ trì giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu làng nghề, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thủy điện vừa và nhỏ.Ông là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình thủy điện Sơn La giai đoạn 2005- 2012; chủ trì thẩm tra dự án Thủy điện Lai Châu 2009. TSKH. Nghiêm Vũ Khải đã chủ trì biên soạn Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hội nhập quốc tế về KH&CN; Chủ nhiệm Chương trình quốc gia hội nhập KH&CN 2014-2020.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, như: Công tác xây dựng pháp luật của Bộ KH&CN; Chương trình ứng dung KH&CN tại nông thôn, miền núi. Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội và tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã bảo vệ thành công).

TSKH. Nghiêm Vũ Khải chủ trì xây dựng sáng kiến xây dưng Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp nhằm triển khai Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị năm 2010. Đề xuất được ghi nhận và tiếp tục hoàn thiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

tm-img-alt

TSKH Nghiêm Vũ Khải đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba

Trong thời gian công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Nghiêm Vũ Khải được giao phụ trách mảng hợp tác quốc tế: hằng năm chủ trì phê duyệt từ 80 đến 100 dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong hệ thống, bảo đảm đúng quy trình quy định của pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền; chưa để xảy ra hiện tượng vi phạm nào. Đảm nhận vai trò Trưởng Ban Tổ chức và đã tổ chức Hội nghị Liên đoàn Kỹ sư ASEAN (CAFEO 38) tại Hà Nội thành công rất tốt đẹp.

Ông được giao phụ trách mảng hoạt động của các Hội ngành toàn quốc với quy mô 90 hội, Ông đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm đổi mới phương thức hoạt động của các hội gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phối hợp, kết hợp giữa Hội ngành toàn quốc với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật địa phương và các tổ chức khoa học công nghệ công lập, ngoài công lập nhằm phát huy vai trò, năng lực và cống hiến của các nhà khoa học đối với quá trình phát triển của đất nước. Ông chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải đã vinh dự nhận rất nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý: Huân chương Mặt trời mọc của Nhà nước Nhật Bản; Huân chương Tiến bộ của Tổng thống Azerbaijan; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế do Ông phụ trách, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng trao tặng Bằng khen 4 năm liên tục về thành tích đối ngoại nhân dân và rất nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ khác.

TS. Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Huân chương Độc lập Hạng Ba

Trải qua hơn 50 năm lao động và học tập, TS. Phan Tùng Mậu đã đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng. Tháng 5/1970, ông gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, là chiến sỹ thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu tại mặt trận B5 (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Sau khi bị thương, tháng 12/1973 ông vào học Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Từ tháng 6/1978 đến tháng 12/2020, ông đã trải qua các cương vi công tác: Cán bộ nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Đại học và Trung học chuyên nghiệp thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); sau đó ông làm Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Đại học Viện nghiên cứu phát triển giáo dục; Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ông tham gia hoặc chủ trì nhiều đề tài khoa học về phát triển giáo dục và đào tạo, như: Tổng kết 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo 1986-1996 làm cơ sở để xây dựng Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000; Kế hoạch hóa phát triển giáo dục; Chiến lược đầu tư phát triển giáo dục. Tham gia và chủ trì nhiều đề án về xây dựng dự thảo nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, như: Tham gia xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về công tác trí thức; Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XI về khoa hoc và công nghệ; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển đông y và Hội Đông y Việt Nam.

Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2020, TS. Phan Tùng Mậu đã cùng với tập thể Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với Đảng đoàn, ông trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW của Đảng ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Với kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và Ban hành Nghị quyết 27-NQTW và Chỉ thị 42-CT/TW, trong quá trình triển khai thực hiện, ông đã phân tích sâu về mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của trí thức vào điều kiện cụ thể của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Tham gia Ban Chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008; làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X.

Nét nổi bật của giai đoạn này là hệ thống tổ chức Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã được củng cố, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật được thành lập ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đang hoạt động ổn định; số lượng thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tăng lên đến 152 hội thành viên, trong đó có 63 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật địa phương và 89 Hội ngành toàn quốc, tập hợp được trên 3,8 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu hội viên là trí thức KH&CN.

tm-img-alt

TS.Phan Tùng Mậu đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba

TS. Phan Tùng Mậu đã tích cực tham gia xây dựng nhiều văn bản của Chính phủ về tư vấn, phản biện và giáo định xã hội; trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội và đã đẩy mạnh tổ chức tập huấn cho các tổ chức thành viên. Đến nay, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã trở thành một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở Trung ương và tỉnh, thành phố trong cả nước, đạt nhiều kết quả khả quan, đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông trực tiếp chỉ đạo về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN, một nhiệm vụ chủ yếu được hình thành từ khi mới thành lập. Hoạt động này ở Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức thích hợp; hỗ trợ hoạt động và tổ chức tập huấn về phương pháp, nội dung và quy trình, nghiệp vụ về phổ biến kiến thức cho các hội thành viên. Do vậy, trong những năm qua (2012-2020), các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ trì, phối hợp tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, các chương trình truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật; biên soạn và xuất bản một số lượng lớn các loại sách chuyên ngành, sách tham khảo, tài liệu, tờ rơi nhằm phổ biến kiến thức cho người dân. Xây dựng truyền thông và phổ biến kiến thức thành nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên có chuyển biến rất tích cực, được coi trọng và đã từng bước đi vào chiều sâu, tổ chức bộ máy làm công tác kiểm tra được củng cố, hoàn thiện. Các nhiệm vụ công tác kiểm tra được thực hiện khá toàn diện, cách làm sáng tạo, hướng tới hoạt động hướng dẫn để tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm là chính; góp phần quan trọng vào việc củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy chế hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.