3 học sinh lớp 9 ở Kim Động với sáng chế may quay chụp mẫu vật
Tận dụng phế liệu, sáng chế may quay chụp
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạoHưng Yênphát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ nhất, nhóm 3 học sinh giỏi của lớp 9A trường THCS Mai Động gồm: Nguyễn Thị Trà Giang, Vũ Việt Hoàng và Lê Văn Khoa đã nung nấu ý tưởng để tham gia.
Nhận thấy nhà trường có nhiều vật dụng bỏ phí như: Bàn ghế hỏng, các giá đỡ thí nghiệm, những bộ webcam không được sử dụng, nhóm thiết kế này đã lên ý tưởng, thiết kế một hệ thống quay chụp mẫu vật. Theo đó, hệ thống máy quay chụp mẫu vật được sử dụng giúp cho người xem có thể nhìn thấy rõ nét quy trình thực hiện cũng như hình ảnh mẫu vật một cách trực tiếp. Từ đó tăng tính tương tác cũng như khả năng hiểu biết của người xem đối quá trình trình bày mẫu vật.
Sau hơn 3 tháng nghiên cứu và sáng chế, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô trong trường, bộ ba Giang, Hoàng, Khoa đã cho ra đời mẫu máy quay chụp mẫu vật hoàn thiện. Chiếc máy này đã đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh giành cho học sinh trung học lần thứ nhất do Sở Giáo dục và Đào tạoHưng Yêntổ chức; được nhận giấy khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia giành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc tại Vĩnh Phúc vào đầu tháng 3/2014.
Sáng chế giúp thầy cô giảng dạy
Sản phẩm máy quay chụp mẫu vật được nhận giấy khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia giành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc tại Vĩnh Phúc vào đầu tháng 3/2014.
Một điều đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chiếc máy quay chụp của nhóm học sinh trường THCS Mai Động lại xuất phát từ mong muốn giúp các bài giảng của thầy cô trở nên sinh động và cuốn hút hơn với học sinh. Theo em Phạm Thị Trà Giang, chiếc máy sẽ giúp thầy cô thuận tiện giảng dạy trên lớp, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học tập. Chiếc máy có thể giúp học sinh quan sát trực tiếp các thao tác thầy cô làm ngay tại lớp. Hơn thế, chiếc máy tận dụng những thiết bị sẵn có trong nhà trường nên giá thành rất rẻ, hoàn toàn phù hợp để sử dụng trong những nhà trường có điều kiện kinh tế còn hạn hẹp.
Tuy nhiên, để có thể chế tạo ra chiếc máy này, 3 học sinh Giang, Hoàng và Khoa đều phải bỏ nhiều tâm sức. Theo thầy Nguyễn Trọng Dũng, giáo viên trực tiếp hướng dẫn, thì yếu tố giúp các em thành công chính là các câu hỏi. “Các em rất hay hỏi. Trong các giờ dạy, các em đều thể hiện sự nghiêm túc, muốn tìm tòi, khám phá. Các em luôn đặt ra những câu hỏi ngoài vấn đề bài học. Rồi xuất phát từ chính mong muốn của người học sinh, các em đặt cái tâm và trí tuệ của mình để sáng tạo ra sản phẩm hướng đến thầy cô, phục vụ việc giảng dạy của thầy cô”.
Chiếc máy quay chụp mẫu vật của Giang, Hoàng, Khoa hiện đang được ứng dụng trong công tác giảng dạy của trường THCS Mai Động, xã Mai Động, huyện Kim Động. Bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt trong quá trình giảng dạy của các thầy cô cũng như quá trình tiếp thu bài học của các học sinh.