100 năm ngày sinh người sáng chế máy truyền hình: Một thiên tài kém may mắn
Farnsworth là ai?
Kệ cho cuộc tranh luận chưa ngã ngũ rằng tivi liệu có phải là một phát minh tốt hay không, khắp nơi trên trái đất này vẫn nhấp nháy màn hình, đưa đủ mọi tin tức, kiến thức và giải trí đến từng nhà. Có thể lúc phát minh ra chiếc máy thu hình điện từ đầu tiên Farnsworth tràn trề hạnh phúc như mọi nhà khoa học khi ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình, song sau này ông không còn nhiều cảm tình với nó, thậm chí nhà ông không được để tivi. Mối lợi khổng lồ từ phát minh ấy rốt cuộc rơi vào tay kẻ khác.
Farnsworth ra đời năm 1906 trong một ngôi nhà gỗ đơn sơ thiếu cả ánh đèn điện ở Utah (Mỹ) và mọi tiền đề để trở thành một nhà phát minh vĩ đại đều thiếu trong gia đình ông. Năm ông 12 tuổi, gia đình chuyển về một trang trại ở Idaho, ngôi trường gần nhất cách nhà ngót bốn dặm, muốn đi học phải dùng ngựa. Ít nhất thì họ cũng có điện thắp sáng trong nhà. Farnsworth tình cờ vớ được trên tầng áp mái một tập tạp chí khoa học thường thức và tự mở mang một chân trời mới về kỹ thuật điện và điện tử.
Ở trường, học trò Farnsworth thuyết phục được giáo viên môn hoá Justin Tolman bỏ thời gian dạy thêm cho mình và cho phép dự khoá học của các học sinh lớp trên. Thầy Tolman sau này chính là người tích cực nhất trong việc giúp Farnsworth kiện tập đoàn truyền thanh Mỹ RCA vi phạm bản quyền sáng chế tivi của ông.
Trong khi ngán ngẩm bị mẹ bắt giặt quần áo, Farnsworth liền chế ra một động cơ điện để lắp vào chiếc máy giặt cơ - một kỳ tích đáng kể ở tuổi 12. Hai năm sau, lần đầu tiên ông nảy ra ý tưởng truyền hình ảnh bằng phương tiện điện từ trong khi đang cày ruộng khoai tây và so sánh các luống khoai với việc chia hình ảnh thành từng dòng để truyền đi với một luồng điện tử trong camera và ống hình. Đó cũng là nguyên lý cơ bản nhất trong kỹ thuật truyền hình sau này.
Lên trung học mới được hai năm, ông đã đủ sức đăng ký vào ĐHTH Brigham Young, tuy nhiên hai năm sau vì bố mất nên phải rời trường để đi làm nuôi gia đình. Năm 21 tuổi, sau khi lập gia đình Farnsworth kiếm được đủ tài trợ và cộng tác viên để thực thi ước mơ của mình. Chiếc máy quay điện tử đầu tiên nổ tung vì hiệu điện thế quá cao Farnsworth lại phải đi tìm nguồn tài trợ mới. Cuối cùng thì ngày 7-9-1927 lần đầu tiên trên thế giới có hình ảnh được truyền không dây: một tấm kính bôi đen với một dòng cạo trắng ở giữa.
Chậm chân
Đáng tiếc Farnsworth đã không được gặt hái thành quả của mình. Đối thủ cạnh tranh số 1 của ông, kỹ sư vật lý người Nga sống ở Mỹ Vladimir Zvorykin đã đăng ký bằng sáng chế tivi điện tử từ năm 1923, mặc dù mãi đến năm 1933 ông ta mới chế ra được ống hình camera cho RCA theo hình mẫu học được của Farnsworth. RCA dồn hết sức vào xây dựng vị thế độc quyền trên thị trường tivi, bằng cách mua hết mọi sáng chế để ai sau này sản xuất tivi đều phải trả tiền bản quyền cho RCA.
Farnsworth thì không muốn thương mại hoá phát minh của mình. Tuy nhiên RCA và Zvorykin sau này vẫn thua kiện vì giáo viên Tolman đưa được bản vẽ chứng minh ý tưởng sơ khởi của Famsworth lên mặt giấy từ tuổi 15. Vụ kiện cáo dây dưa mãi, đến khi RCA chịu thua và trả tiền bản quyền cho Farnsworth thì Thế chiến II đã đảo lộn mọi kế hoạch sản xuất tivi cho mọi nhà, thay vào đó là vũ khí lại được chiến tranh đòi hỏi nhiều hơn.
Khi hòa bình được lập lại, thời hạn bảo hộ bản quyền của Farnsworth chỉ có bảy năm đã trôi qua, và tivi được sản xuất đại trà mà không ai phải trả một xu cho người sáng chế ra nó. Chỉ có một an ủi là ước mơ của ông dùng tivi làm giáo cụ để xóa nạn mù chữ, giúp con người phóng tầm mắt ra thế giới và hiểu nhau rõ hơn, ít nhiều đã trở thành hiện thực.
Hoạ vô đơn chí
Kể cả khi đã thua kiện, RCA vẫn công khai tung tin David Sarnoff và Vladimir Zvorykin là những nhà phát minh ra tivi. Không đủ tài lực chống lại một tập đoàn khổng lồ, Farnsworth cay đắng lui về Maine và sinh ra nghiện rượu, sức khoẻ suy sụp và phải nằm viện.
Năm 1947, ngôi nhà cùng phòng thí nghiệm của ông bị hoả hoạn thiêu sạch, cũng vào lúc Farnsworth cạn hết năng lượng và ý chí để tiếp tục phát triển kỹ thuật tivi. Cho đến cuối đời, Farnsworth tập trung nghiên cứu năng lượng hạt nhân. Ông qua đời năm 1971 trong bần hàn, thậm chí ở Mỹ cũng ít người biết tên ông, song tài sản ông để lại cho nhân loại bên cạnh máy truyền hình là 165 công trình khác, như các chi tiết trong radar, trong hệ thống báo tên lửa từ xa, máy dò tàu ngầm, kính hiển vi điện tử, lồng ấp cho trẻ sơ sinh thiếu tháng, máy nội soi dạ dày v.v.
Nguồn:Thể thao & Văn hóa