Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 07/04/2011 19:48 (GMT+7)

Những ngày chiến đấu bên cạnh Đại tướng Võ Nguyênn Giáp

Đại tá Nguyễn Dân hết sức vui mừng khi gặp lại Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vào những ngày cuối năm 1946. Sau khi thăm hỏi và trao đổi đôi điều bằng tiếng Việt, Bộ trưởng đi ngay vào việc. Ông muốn biết Frey phản ứng như thế nào về bức tối hậu thư của Pháp. Frey trình bày ngay điều ông vẫn suy nghĩ từ mấy hôm nay.

- Theo tôi, tốt nhất là vứt bỏ nó đi, song điều quan trọng là đồng thời chuẩn bị gấp cho một cuộc tấn công của Pháp.

Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mỉm cười vẻ mỉa mai:

- Chuẩn bị… Có nghĩa là chờ đợi, tại sao anh còn chờ đợi cuộc tấn công này nhỉ?

- Vì tôi biết các anh là những người rất thận trọng và không muốn đưa ra những đề nghị mà có thể các anh cho là phiêu lưu…

Ông Giáp đứng lên. Nụ cười của ông biến mất, vẻ mặt trở nên nghiêm trang mà Frey chưa từng thấy bao giờ.

- Chúng tôi đã chọn rất kỹ con đường của mình. Hai ngày nữa, 19 - 12 chúng ta sẽ tấn công quân Pháp. So sánh lực lượng thì lúc này quân ta chưa được trang bị tốt, lại ít được huấn luyện, nói đến thắng lợi nhanh là điều không thể có. Thế nhưng, chúng tôi muốn rằng: sáng kiến phải xuất phát từ phía chúng ta và bọn Pháp phải hướng theo ta, không ngược lại. Ngày 19 - 12 là thời điểm chấm dứt “chính sách gặm nhấm” của Pháp nhưng có lẽ cũng là sự mở đầu của một cuộc chiến tranh lâu dài. Và chúng ta nhất định thắng lợi trong cuộc chiến tranh này.

Vâng, cuộc chiến tranh đã bắt đầu. Nhìn quang cảnh Hà Nội những ngày này, Frey cảm nhận: nơi đây đang có những biến động lớn. Các cơ quan chính phủ đã đi tản cư. Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời khỏi Phủ Chủ tịch, lúc này có lẽ người đang làm việc ở một nơi nào đó trên rừng sâu núi cao. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vẫn có lúc đi đi về về ở trụ sở chính phủ, nhưng ở đó lúc này chủ yếu là các nhân viên quân sự và công an đang ở.

Frey có cảm tưởng ngày càng rõ rệt: Bộ trưởng Giáp không muốn tiếp tục cho giữ thành nữa. Để làm việc ấy, quân đội phải được trang bị tốt hơn nhiều. Ông và các chiến sĩ của mình đã quen chiến đấu ở Việt Bắc. Hai năm trước, những đơn vị đầu tiên của quân đội Việt Nam đã được thành lập tại đó. Nếu tiếp tục chiến đấu trong thành phố thì có thể dẫn đến những thiệt hại không lường được tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, tổ chức cho đồng bào tản cư, chỉ để lại những đường phố và những ngôi nhà trống vắng. Quân và dân đều được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích lâu dài và gian khổ.

Frey được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp phân công bổ sung cho pháo binh hiện đang đóng tại một khu vực cách thị xã Hà Đông một vài cây số. Người chỉ huy chính là Vương Thừa Vũ, bạn cũ của ông. Ông Vũ cũng vừa được phong hàm Đại tá. Hai người gặp nhau, mừng rỡ. Lúc này Frey nói được tiếng Việt thành thạo, cho nên câu chuyện của họ cũng trôi chảy hơn nhiều. Mọi người kể lại những tháng ngày vừa trải qua, trên vị trí chiến đấu của mình.

Đơn vị pháo binh mà Bộ trưởng Giáp điều Frey đến, có hai khẩu cũ kỹ, vốn là hai súng canong 75mm từ thời chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1914, chúng là cả một cơn ác mộng của bộ binh Đức, song giờ đây, giữa thời đại của bom nguyên tử, sức mạnh răn đe của chúng chỉ còn rất ít ỏi. Độ chính xác của các khẩu đại bác này cũng hạn chế vì thiếu các phương tiện đo đạc…

Tổng hành dinh của Vương Thừa Vũ là căn nhà cho hai gia đình sinh sống, nằm ở phía nam Hà Nội, 20 người sống trong căn phòng chật chội này. Thông thường, các chiến sĩ quân đội Việt Nam hồi này phải đi ngủ sớm, đại khái vào lúc gà lên chuồng. Nhưng tối 19 - 12 - 1946 ấy, trong không khí náo nức mở đầu cuộc kháng chiến không ai đi ngủ được vào giờ X, mọi người nô nức chạy ra ngoài, mặc dù đây đó có súng máy nhả đạn và lựu đạn vẫn nổ.

2 giờ sáng, cả đơn vị đánh thức bởi một tiếng nổ inh tai. Frey có cảm giác: nếu không nằm dưới đất thì có lẽ ông cũng bị hất từ trên giường xuống. Những làn chớp lửa sáng rực. Tiếng động thật dữ dội, ngôi nhà rung lên như bị động đất. Hai khẩu pháo 75mm nhả đạn. Như vậy là cuộc tấn công vào thành theo kế hoạch đã bị đổ vỡ.

Đơn vị bộ đội thành phố chủ yếu là các chiến sĩ người Hà Nội, mang cái tên đầy tự hào: Trung đoàn thủ đô. Theo dự định, sau khi tấn công đổ vỡ, Trung đoàn sẽ rút lui về phía Hà Đông với đơn vị pháo binh. Song, các chiến sĩ chờ mãi mà không thấy.

Việc truyền tin gặp khó khăn vì điện đài bị hỏng hóc nghiêm trọng. Trong khii đó thì có vô số tin đồn thất thiệt. Tối ngày 24 - 12, từ một nguồn tin đáng tin cậy, được biết: Trung đoàn không bị tiêu hủy mà cuộc rút lui bị các toán quân Pháp cắt đứt. Quân ta có mặt ở khắp nơi, bọn Pháp tưởng rằng chúng đang bị vây chặt ở Hà Nội. Trước hết pháo binh ta nhả đạn liên tục và chúng càng tin đang phải đối mặt với một đối thủ hùng hậu. Qua loa truyền thanh, đồng thời, quân ta đưa tin rằng chúng ta chưa đầu hàng. Như vậy là cả hai khẩu đại bác cũ kỹ này phải gánh toàn bộ công việc. Mà trong thực tế, các nhà quân sự Pháp cứ ngỡ rằng quân ta phải có một mạng lưới pháo binh dày đặc, đủ yểm trợ cho một đến hai trung đoàn bộ binh.

Tết Noel đã qua đi rất nhanh, rồi đến giao thừa 1946 - 1947. Trước đó ít lâu, quân Pháp đã phát hiện ra cơ sở của quân ta là ở Hà Đông, do đó chúng tập trung nhả đạn bằng đại bác cỡ 105mm và 130 mm. Vũ khí của ta đã cạn kiệt đến mức chưa từng thấy, phải tập trung những gì còn lại cho một tiểu đoàn để chống đỡ, đồng thời trong các thành phố, cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội tiếp tục diễn ra với một khí thế cực kỳ oanh liệt. Quân đội Việt Nam, trong những ngày tháng ấy chủ yếu gồm những chiến sĩ tự vệ Hà Nội, còn được gọi là “các chiến sĩ sao vuông”.

Lực lượng lính và vũ khí của địch hơn hẳn ta, nhưng chúng không khuất phục nổi các chiến sĩ tự vệ quả cảm. Tin tức về các trận đánh ở Bắc bộ như Nhà Đấu Xảo, đồn Hàng Trống, chợ Đồng Xuân, phố Hà Trung… dồn dập đưa đến chỗ Vương Thừa Vũ và E. Frey.

Phấn khởi, tin tưởng và tự hào, các chiến sĩ đón nhận thư Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Sau ngót 2 tháng giam chân và tiêu hao một phần sinh lực địch, đêm 17 - 2 - 1947, Trung đoàn Thủ đô bí mật rút khỏi thành phố một cách an toàn, nhằm bảo toàn lực lượng.

Những ngày tháng 2 ấy mưa liên miên, bầu trời lúc nào cũng xám xịt. Những ngôi nhà bị bắn phá, đốt cháy giờ đây thật tiêu điều. Gió mùa đông bắc về, lạnh ghê gớm. Frey cùng Vương Thừa Vũ đi kiểm tra trận địa. Vùng ngoại ô, những làn sương mù treo lơ lửng trên cánh đồng càng làm tăng lên vẻ ảm đạm…

Thoạt đầu, E. Frey có cảm giác buồn tiếc, vì bao nhiêu ngôi nhà bị phá, bao nhiêu con đường bị hủy hoại. Nhưng không thể khác. Và ông xúc động khi thấy mọi người vừa reo hò, ca hát, vừa viết lên những khẩu hiệu nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của giặc, bằng cách phá đi chính những con đường, những ngôi nhà của mình.

Bộ trưởng Võ Nguyên Giáo đã cử Frey đến giúp đỡ một đơn vị bộ đội mà người phụ trách là một tín đồ Thiên Chúa giáo đã 55 tuổi, tên là Lê Văn Lâm. Ông Lâm trực tiếp chỉ huy việc phá hủy các tòa nhà, xí nghiệp, nhà máy điện… ở Hà Nội. Frey lấy làm xúc động vì ông Lâm, mặc dù không phải đảng viên cộng sản, nhưng thiết tha tin tưởng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, như niềm tin đối với Chúa trời đáng kính của ông. Công việc được tiến hành liên tục mỗi ngày từ 6 giờ tối: bằng dây và cuốc làm sập tường nhà. Sau mỗi đợt như thế lại nhảy múa, hát hò. Múa và hát trong làn bụi dày đặc. Với công việc mới mẻ này, Frey có cơ hội đi từ Phú Thọ đến Vĩnh Yên, và giữa hai thị xã ấy là Việt Trì - nơi mà những năm đầu sang Việt Nam ông đã tới và có biết bao kỷ niệm vui buồn riêng. Giờ đây, Việt Trì sẽ phải tan hoang, biến thành mây khói, bụi bặm. Những đống gạch vôi chất cao như núi. Phá xong doanh trại thực dân ở đây, trời vừa xẩm tối và lúc đó một người liên lạc đem lệnh của Võ Nguyên Giáp đến cho ông, yêu cầu ông cấp tốc lên Hòa Bình để nhận nhiệm vụ mới. E. Frey lưu luyến chia tay các chiến sĩ đang làm công việc “phá hủy”.

Frey không ngờ lại có dịp gặp Võ Nguyên Giáp. Hai chiến sĩ liên lạc đang đợi ông để dẫn đường về chỗ làm việc của vị Tổng chỉ huy. Hai chiến sĩ đi cùng, không giày dép, không súng ống, chỉ mặc quần áo nông dân màu nâu. Frey không biết họ là ai, phải chăng là những người lính từng chiến đấu rất quả cảm? Nhưng cũng có thể… Frey nghĩ vậy - từng là nhân viên Bộ Quốc phòng, mà tháng Chạp năm ngoái, tại Thủ đô Hà Nội, họ còn đóng bộ mặt rất diện, thắt caravat hẳn hoi.

Xuyên qua bao núi, bao rừng… Frey không còn nhớ nữa. Nhưng có lúc tưởng chừng đã ở nơi chân trời, không thấy đường đi tiếp. Rồi gặp những đồi nương có chỗ phải nhảy qua những bờ mương đất nhão. Hai chiến sĩ liên lạc bước đi nhảy thoăn thoắt. Nhưng Frey chân mang giày, đâu có dễ dàng thế. Vượt qua những thửa ruộng bậc thang, họ tới một căn nhà lợp mái rạ và tàu chuối hãy còn xanh, nền nhà và tường vách đều bằng tre đan kín.

Họ được ông bà chủ nhà mời dùng cơm. Có thể nói là đồ ăn thức uống khá thịnh soạn - Frey nghĩ vậy - và chắc là hơn hẳn những bữa cơm thường của đồng bào vùng này. Thịt lợn nướng, mùi thơm phức, uống rượu gạo, làm câu chuyện cứ râm ran mãi. Cơm gạo trắng, canh măng nấu với thịt gà. Chủ nhà cởi mở hơn hẳn lúc mới thấy khách đến, câu chuyện hai bên đều quan tâm là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người chủ nhà, một nông dân chất phác, nói lên niềm tin tưởng sâu sắc vào vị Chủ tịch nước và thắng lợi cuối cùng.

Ngày hôm sau, Frey được đưa đến nơi làm việc của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và nhận nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy của quân đội mà đối tượng là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn thủ đô - đơn vị ưu tú nhất của quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

“Khóa” đào tạo này khác hẳn ở Phú Lương năm trước. Không biết trước thời gian, không nắm rõ chương trình. Lại cũng không có một Vương Thừa Vũ cùng gánh vác nhiệm vụ. Một mình Frey phải lo toàn bộ. Ông đề nghị với Võ Nguyên Giáp là khóa đào tạo này kéo dài độ 3 tháng. Ông Giáp đồng ý ngay. Và tối hôm đó, Frey chúi đầu vào việc soạn thảo chương trình. Có một thuận lợi là quá nửa học viên lần này từng là học sinh của ông ở Phú Lương. Thầy trò gặp lại nhau mừng vui khôn xiết…

Ernst Frey lần này đã cuốc bộ một quãng đường dài ngót 250 cây số, tính từ khu vực đóng quân của Trung đoàn Thủ đô, quãng lối chỗ bờ phía nam Hòa Bình và Vạn Yên phía bắc Hà Nội, đi cùng ông có hai chiến sĩ bảo vệ. Sau một tuần đi bộ, Frey được gặp Võ Nguyên Giáp, niềm tin thật khó tả. Ông Giáp niềm nở đón Frey ân cần, thân thiết hơn bao giờ hết. Cứ như được gặp lại đứa con lạc đường đã bao ngày…

Có một chuyện mới lạ đối với ông Giáp: ông vừa mới cưới vợ. Phu nhân của ông như lời nhận xét của Frey - là một phụ nữ trẻ trung, dịu dàng và nói tiếng Pháp rất trôi chảy. Người ta cho ông biết bà là con gái một vị học giả có tiếng. Cứ xem cách thể hiện bên ngoài, Frey cảm nhận rằng ông bà Giáp rất yêu nhau.

Vẫn ân cần, thân mật như mọi khi, Võ Nguyên Giáp hỏi thăm tình hình của Trung đoàn Thủ đô và cho Frey biết rằng, có thể kết thúc công việc ở khóa đào tạo. Giờ đây, Frey sẽ ở bên ông Giáp và làm trợ lý cho ông. Thoạt đầu, Frey cảm thấy phân vân, vì nguyện vọng lớn nhất của ông là được cầm quân đánh giặc. Dĩ nhiên, được ở bên và giúp việc ông Giáp thì còn gì bằng, đó là ước nguyện của nhiều người. Song biết diễn đạt như thế nào đây? Frey hiểu rằng nếu khước từ nhiệm vụ mới này, rõ ràng sẽ xúc phạm vị chỉ huy cấp trên như thế nào.

Thế là, Frey quyết định ở lại và suốt mấy tuần sau đó, ông phải có mặt trong hàng loạt cuộc hội nghị quân sự, các khóa đào tạo… Trừ các hội nghị của các “vị tối cao” của Bộ Chính trị, còn thì dường như bất cứ đi đâu, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cũng đưa Frey đi theo.

Những ngày bên ông Giáp, Frey có điều kiện tiếp xúc nhiều với vị phu nhân của ông. Hai người trò chuyện với nhau bằng tiếng PHáp, nhưng chủ đề bao giờ cũng là hiện tại và tương lai, chứ không bình luận gì về quá khứ.

Cả ông bà Giáp đều không bao giờ kể chuyện về các vị thân sinh của mình. Nhưng Frey có thể hiểu đôi điều về cuộc đời họ. Ông Giáp từng là một vị giáo sư trường trung học - một vị trí được quý trọng trong xã hội. Rồi ông từ bỏ tất cả để tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những nhà cách mạng ưu tú nhất của Việt Nam.

Như đã nói, Frey được tham dự tất cả các hội nghị của Việt Minh và quân đội. Đối với ông, thuận lợi lớn nhất là được hiểu rõ hơn căn cứ địa Việt Bắc. Frey được làm quen với nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam, như Hoàng Quốc Việt - một nhà cách mạng lão thành, rất khiêm tốn, đáng kính trọng, đã bị thực dân Pháp hành hạ thành tật…

Tháng 11 năm đó, Pháp tấn công căn cứ địa Việt Bắc. 5.000 binh lính, đi tới đâu đốt phá, giết chóc tới đó. Nhưng không chỉ đốt phá và giết người, mục đích chính của chúng là tiêu diệt toàn bộ lực lượng Việt Minh, trước hết là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chính phủ và Võ Nguyên Giáp. Đã có lúc chúng đến gần tổng hành dinh của vị Tổng chỉ huy, nhưng ông đã thoát được. Frey và mọi người rất yên tâm khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới một địa điểm an toàn.

Frey lại được Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ mới: Phối hợp và tăng cường các lực lượng để chống trả giặc ở vùng tam giác: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên và tổng chỉ huy là Đại tá Nguyễn Dân. Nhận được lệnh, E. Frey lao ngay vào việc. Ông dự tính: các đơn vị bộ đội địa phương trong vùng tam giác có từ 6.000 đến 7.000 người, hàng ngày cần phải có khoảng 5 tấn gạo. Đó là một số gạo cực lớn, chỉ có thể thực hiện bằng sự giúp đỡ của một tổ chức tài ba.

Và nhà tổ chức đó là Hoàng Sâm, một cán bộ thuộc thế hệ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng tham gia xây dựng Khu giải phóng đầu tiên. Là nhà tổ chức xuất sắc, Hoàng Sâm cũng là người có uy tín lớn trong đồng bào địa phương. Ông nắm vững từng thôn làng, từng con đường, từng cánh đồng… Frey đã có được 6 tiểu đoàn gồm 5.000 người, thêm vào đó 2.000 dân quân du kích, được trang bị chủ yếu bằng lựu đạn, chỉ có 10% có súng. Quân chính quy có 4.000 súng, 25 súng máy LMG và 6 súng loại SMG và 4 súng cối. Nghe báo cáo kết quả, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp rất hài lòng. Vấn đề quan trọng nhất giờ đây là câu hỏi cứ nung nấu trong đầu Frey: bọn Pháp sẽ hành quân theo hướng nào? Trở lại Tuyên Quang hay về Thái Nguyên? Ông đã trình bày với vị Tổng chỉ huy về sự chuẩn bị cho cả hai hướng đó…

Một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương quyết định lập thêm chiến khu 9 với nhiệm vụ quân sự hàng đầu là bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Và đại tá Nguyễn Dân lại được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp bổ nhiệm làm Khu trưởng Khu 9, hay gọi khác đi: Chỉ huy trưởng các đơn vị bảo vệ Khu căn cứ của Trung ương.

Nhận nhiệm vụ, Frey vui tự đáy lòng. Khu 9 có diện tích khoảng 40.000 cây số vuông, chạy từ Hải Phòng đến toàn bộ phu vực phía Bắc giáp Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp yêu cầu cấp tốc lập một lữ đoàn hùng mạnh để kiểm tra và có cả những đơn vị xung kích bảo vệ. Bằng cách ấy, theo lời ông, Khu căn cứ Trung uơng mới được bảo đảm an toàn, không thể bị giặc Pháp tấn công một lần nữa. Và cũng bằng cách ấy, chúng ta có những đơn vị chính quy, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.

Công việc đầu tiên mà Nguyễn Dân tiến hành là thiết lập một mạng lưới liên lạc viên trong toàn Khu 9. Những người này cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân và được trang bị vũ khí. Họ tham gia vào mạng lưới này một cách tự nguyện và được nhân dân nồng nhiệt hoan nghênh. Mạng lưới này chẳng những nâng cao uy tín của cách mạng mà còn là một lực lượng sản xuất tự nguyện. Một sự gắn bó quân dân thật sâu sắc. Như Frey nhận xét: đúng là quân với dân như cá với nước. Còn gì sung sướng hươn đối với người chiến sĩ khi được nhân dân đùm bọc. Mà sự đùm bọc ấy cũng là lẽ đương nhiên. Dân tiếc gì cái ăn, cái ở đối với những con người sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc.

Ernst Frey nhận thấy được cử làm Khu trưởng là cả một vinh dự đồng thời cũng được giao một số quyền lực. Chẳng hạn là Tư lệnh của Lữ đoàn mà còn có trách nhiệm về công tác Đảng trong toàn Khu. Cũng như các Khu trưởng khác, từ đây ông được coi như một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mở rộng và có quyền ứng cử, bầu cử ở cấp này. Với cương vị mới, Frey phải tham dự các cuộc họp, các hội nghị còn nhiều hơn bất cứ bao giờ. Đây là những cuộc hội ý, phân tích tình hình địch ta, vói quyết tâm chiến đấu. Lần nào cũng vậy, ông được nghe những ý kiến sắc sảo, những chỉ thị mới mẻ của Võ Nguyên Giáp ở cương vị một nhà Tổng chỉ huy tài ba, lỗi lạc.

Hồi này, cuộc chiến đấu ở Nam bộ đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, làm cho cán bộ chiến sĩ ta không yên. Ông vua bù nhìn Bảo Đại đang củng cố chính quyền Nguyễn Văn Xuân và họ đe dọa sẽ tách khỏi miền Bắc của đất nước. Tình hình trở nên nghiêm trọng. Đã đến lúc mặt trận Việt Minh cần tiến hành gấp một hội nghị cùng các chiến sĩ ở miền Nam. Một phái đoàn từ Nam bộ đã được cử ra, gồm các thành phần đại diện cho mọi tầng lớp, kể cả các tôn giáo, để trao đổi ý kiến nhằm tăng cường ý chí thống nhất của dân tộc. Nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của cuộc gặp gỡ này, một ủy ban đón tiếp được thành lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đứng đầu.

Ernst Frey vinh dự được tham dự cuộc đón tiếp này. Ông còn cảm thấy một điều vui sướng nữa: sau 4 năm là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đây là dịp hiếm hoi được tiếp xúc với lãnh đạo tối cao của Đảng, của dân tộc.

Ông hồi hộp chờ đợi ngày đó. Hầu hết các thành viên Hội đồng Chính phủ đều có mặt trong cuộc đón tiếp. Đại diện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam có 3 người: Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ và Ernst Frey.

Cuộc gặp diễn ra trong một căn cứ bí mật. Võ Nguyên Giáp khoác tay Frey và cùng đi tới một túp lều tranh đơn sơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở đó, vừa thấy khách, thu dọn lại chồng giấy tờ rồi tiến lại thân mật bắt tay đồng chí người châu Âu. Frey xúc động được nắm tay vị lãnh tụ tối cao. Dần dần trấn tĩnh trở lại, Frey nhận thấy gương mặt người hệt như những bức chân dung mà ông đã thấy. Hôm nay, người mặc bộ quần áo nâu như một lão nông, chân trần đi dép cao su. 58 tuổi rồi, nhưng dáng người vẫn rất nhanh nhẹn. Đôi mắt người thật sáng, toát ra một tầm cao trí tuệ…

Người hỏi Frey bằng tiếng Pháp: “Chú có hút thuốc không?” Không đợi câu trả lời, người rút cho Frey một điếu Camel. Frey nhận ra ngay hai ngón tay nhuộm sẫm màu vàng do hút thuốc lâu ngày. Người châm xong điếu thuốc, rồi thong thả nói: “Các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã kể chuyện tôi nghe về chú. Tôi rất vui được biết chú cùng gánh vác công việc với chúng tôi”.

Trong câu chuyện thân tình, người cho Frey biết xưa kia, trong những chuyến đi ở châu Âu, người từng dừng chân ở thủ đô nước Áo. Chuyện ấy xảy ra trong những năm 20 của thế kỷ trước…

Các đại biểu Nam bộ được đón tiếp trong một hội trường lớn bằng tre. Trước cửa hội trường có dòng khẩu hiệu lớn màu đỏ: Hoan nghênh đoàn đại biểu Nam bộ”. Đoàn có 6 vị, cùng một phóng viên nhiếp ảnh. Người đọc lời chào mừng là ông Hoàng Quốc Việt, một trong những lãnh tụ của Đảng và mặt trận Việt Minh.

Các thành viên Hội đồng Chính phủ và những người có mặt được lần lượt giới thiệu. Một không khí vui vẻ, cởi mở diễn ra trong căn phòng giản dị. Các đại biểu Nam bộ thân mật hỏi thăm Ernst Frey.

Bác Hồ bước vào hội trường, làm mọi người vui sướng và xúc động. Người thăm hỏi từng người và đặc biệt tỏ ra thân mật đối với vị linh mục già. E. Frey không bỏ sót một cử chỉ nào, một câu nói nào của vị lãnh tụ tối cao. Cái cảm giác cứ mỗi lúc một ăn sâu vào ông là: Người thật giản dị, thoạt trông nào có khác một lão nông. Thế nhưng, toàn bộ sự xuất hiện của Người rất gần gũi, thân thương như một người cha, người bác trong nhà. Frey có cảm giác đứng trước một nhân vật huyền thoại, bề ngoài trông giản dị thế, nhưng đây là một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn, có tầm nhìn xa, nói được nhiều thứ tiếng trên trái đất. Cả đất nước này, Bắc cũng như Nam, nhìn thấy ở Người, gửi gắm nơi Người cả một khối đại đoàn kết dân tộc, một ý chí thống nhất không gì lay chuyển nổi…

Trở về cơ quan, các cộng sự đòi hỏi Frey kể chuyện về cuộc đón tiếp, về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Kể đến đâu, ông lại phải trả lời thêm những câu hỏi đến đó. Một bức ảnh chụp ủy ban đón tiếp nổi bật lên hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Frey cũng vinh dự có mặt được đồng đội chuyền tay nhau xem không chán.

Mùa hè 1948, E. Frey, theo yêu cầu của tình hình chiến sự, lại nhận nhiệm vụ mới: trở về Khu 4, tiếp tục làm phó cho Tư lệnh Nguyễn Sơn. Trước khi đi, ông đến chia tay Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp. Cuộc chiến đấu ở miền Trung đang chờ ông. Nguyễn Sơn đang chờ ông. Sau ba năm trời vật lộn gian khổ, bệnh tật thiếu thốn với giặc ngoại xâm, ông được triệu tập ra Việt Bắc dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 2. Không những là một đại biểu chính thức, ông còn được phát biểu ý kiến trước đại hội. Ở đây, ông được gặp 200 đại biểu, được ngồi gần các vị: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Võ Nguyên Giáp - thủ trưởng của ông, đã trở thành vị Đại tướng cũng từ 3 năm nay. Tại Đại hội, lần đầu tiên ông được gặp bác Tôn Đức Thắng, người đảng viên cao tuổi nhất, đọc lời khai mạc. Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam”; báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng do ông Lê Văn Lương trình bày; ông Hoàng Quốc Việt có báo cáo nhan đề “Củng cố khối đại đoàn kết”; ông PHạm Văn Đồng trình bày vấn đề “Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam”; ông Nguyễn Lương Bằng báo cáo về “Kinh tế tài chính”; Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham luận về vấn đề “xây dựng quân đội nhân dân”…. Về Đại hội này, Nguyễn Dân giữ được nhiều tấm hình quý giá. Cũng quý giá như vậy là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ông bằng tiếng Pháp vào một ngày trước khi ông hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam để trở về Áo quê hương ông.

“Đồng chí Nguyễn Dân thân mến, tôi tiếc là không thể đến bắt tay đồng chí trước khi đồng chí ra đi. Dù ở đây hay ở nơi nào khác, tôi chắc rằng đồng chí sẽ đem hết khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta”.

Trở về nước, cách Việt Nam rất xa, nhưng Nguyễn Dân vẫn luôn luôn cảm thấy gắn bó với đất nước và con người nơi đây. Đặc biệt, như ông viết trong Hồi ký, ông luôn luôn nhớ tới Võ Nguyên Giáp, người từng gắn bó và giao cho mình những nhiệm vụ khác nhau. Với những nhiệm vụ đó, ông đã từng bước trưởng thành. Ông đã vô cùng sung sướng khi nhận được bức bưu thiếp của người thủ trưởng mà ông kính yêu và cảm phục.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).