Yên Bái: Sáng tạo khoa học kỹ thuật luôn được chú trọng
Với 428 giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Yên Bái qua 9 lần tổ chức, trên 250 giải pháp tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc qua 17 năm và gần 100 giải pháp tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật các cấp dành cho học sinh hàng năm ở tất cả các lĩnh vực… là những con số nói lên việc sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh luôn được chú trọng.
Nhóm tác giả Trần Thị Bích Đào - học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên thực hiện tách sợi từ một số cây lấy sợi trên địa bàn để tạo sợi hữu cơ.
Đó là những sáng chế, giải pháp, cải tiến kỹ thuật đáp ứng theo cả 3 tiêu chí: có tính mới; khả năng nhân rộng; mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Các lĩnh vực của giải pháp cũng rất đa dạng: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí, tự động hóa, y dược, giáo dục, nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường… Từ thực tiễn nguồn học liệu môn Tin học ít, chưa sát với chương trình môn học, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh, thầy giáo Đặng Tuấn Thành - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái đã nghiên cứu, biên soạn nguồn học liệu mới “Kỹ thuật lập trình” và “21 giờ học lập trình”. Với cuốn kỹ thuật lập trình, tác giả đã biên soạn tỉ mỉ, chi tiết 10 chuyên đề với hơn 200 bài tập, trong đó tích hợp cả những bài tập nâng cao, chuyên đề dành cho việc bồi dưỡng học sinh mũi nhọn. Còn cuốn “21 giờ học lập trình” được biên soạn thành dạng bài kiểm tra, đề thi gồm 56 bài tập, tương ứng với 21 giờ tự học. Sự sáng tạo và dày công của tác giả không chỉ là việc hệ thống hóa các kiến thức tin học từ cơ bản đến chuyên sâu mà với mỗi đơn vị kiến thức tác giả có hướng dẫn thuật toán và các chương trình tham khảo để người học dễ dàng tra cứu. Cuốn học liệu sau khi hoàn thiện đã được ứng dụng ở nhiều trường học trong tỉnh, chất lượng dạy và học môn Tin học được nâng lên.
Hay nhóm tác giả Nguyễn Đức Dũng - Công ty Cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình đã nghiên cứu để tìm ra giải pháp hấp chín măng tre Bát Độ vừa tiết kiệm, khắc phục những hạn chế mà vẫn đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay Công ty đã đưa vào lắp đặt và sử dụng hệ thống cấp nhiệt hơi nước hấp chín sản phẩm ở các cơ sở chế biến măng vệ tinh. Trong vòng 8 giờ có khả năng luộc hấp chín từ 40 đến 50 tấn măng tươi, gấp 15 lần so với việc hấp thủ công truyền thống. Giải pháp này đã giúp giảm lao động thủ công, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường do sử dụng ít củi, hạn chế được khói thải ra môi trường. Các tác giả giải pháp cũng rất phong phú, từ các cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, giáo viên, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang… đến người nông dân, công nhân, người lao động, học sinh trong toàn tỉnh. Nhóm học sinh Trần Thị Bích Đào - Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đã nghiên cứu phương pháp tách sợi từ một số cây lấy sợi trên địa bàn để tạo sợi hữu cơ - nguyên liệu làm các sản phẩm như: tóc giả, đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu cho ngành dệt may, y khoa, phụ phẩm dùng làm thuốc, phân bón hữu cơ. Hay nông dân dân tộc Tày - Hà Văn Hồng ở xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn dù chưa học hết lớp 7, cũng không hề qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng đã sáng chế thành công chiếc máy bừa điều khiển từ xa vô cùng thiết thực với nhà nông, giúp giải phóng sức lao động, đỡ cực nhọc cho nông dân trong quá trình bừa đất, nhất là khi thời tiết nắng nóng hay giá rét. ..
Còn rất nhiều giải pháp, sáng kiến mà những con người Yên Bái đã nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng vào cuộc sống, mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội. Rõ ràng, tỉnh ta đang có tài nguyên tự nhiên vô tận, đó là chất xám, là sáng tạo của con người. Đây được coi là động lực tăng trưởng, sẽ thay thế nguồn lực đầu vào truyền thống là tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp trong tương lai.