Yên Bái: Một số kết quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội tỉnh
Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 Thủ tướng Chính phủ “về hoạt động TV, PB & GĐXH của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam” và Hướng dẫn số 733/LHH ngày 6 – 9 – 2002 về việc “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ TV, PB & GĐXH”.
Theo đề nghị của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, UBND Tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 893/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 “v/v ban hành Quy định hoạt động TV, PB & GĐXH của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Yên Bái”.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước đáp ứng đòi hỏi của tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sác của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Liên hiệp hội đã tham mưu cho tỉnh trong việc hoạch định các chủ trương chính sách phát triển khoa học – công nghệ, tham gia vào Hội đồng khoa học tỉnh, tham gia góp ý kiến vào các dự thảo Báo cáo Chính trị chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, đã tập trung tư vấn có hiệu quả nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực về pháp luật, xây dựng bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, dự án về xây dựng đô thị, các công trình giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác có hiệu quả và hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đóng góp ý kiến sửa đổi Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật về Hội, sửa đổi Quyết định 22/QĐ-TTg, ngày 30 – 01 – 2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và gaism định xã hội của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ về tư vấn phản biện và giám định xã hội.
Một số Hội thành viên đã từng bước tham gia các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội như: Hội Kiến trúc sư đã tham gia phản biện qui hoạch các công trình phúc lợi công cộng (qui hoạch thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm các huyện, các công trình Văn hóa – Thể dục thể thao, trường học, bệnh viện).
Hội khoa học và kỹ thuật cầu đường tỉnh đã tham gia phản biện các công trình giao thông, cầu bằng các nguồn vốn khác nhau như: Công trình cầu Trái Hút; công trình đường nối từ cầu Văn Phú đến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; công trình đường Khánh Hòa – Minh Xuân, đường Tân Nguyên – Phan Thanh – An Phú, công trình đường Hưng Khánh – Đông KHê, công trình đường từ Mường La (tỉnh Sơn La) đến Mù Cang Chải (Yên Bái), công trình đường giao thông km 5 đi Yên Bình.
Hội Khoa học và Kỹ thuật Địa chất – khoáng sản tỉnh đã tư vấn cho các cơ quan quản lý trong việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, tư vấn 50 đề án khai thác mỏ cho các Doanh nghiệp.
Hội Khuyến học đã tổ chức hàng nghìn lượt tư vấn cho các bậc cha, mẹ trong việc giáo dục chăm sóc con cái trong gia đình theo khoa học giáo dục tiên tiến.
Hội Cựu giáo chức đã tham gia thành viên trong hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp văn nghệ, thể thao và du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định thành lập.
Hội Khoa học Lịch sử đã tổ chức tư vấn về Lịch sử văn hóa – xã hội, lịch sử quê hương Yên Bái, tham gia và có ý kiến đóng góp về “Thực trạng việc dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông”. Tham gia thẩm định đặt tên đường phố cho thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.
Hội Luật gia đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào hàng trăm các dự thảo luật, văn bản dưới luật, rà soát các văn bản pháp qui của tỉnh, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan hành pháp, tổ chức hàng trăm cuộc tư vấn Pháp luật miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, người nghèo… tham gia 37 dự thảo, dự án luật do các cơ quan Trung ương và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Đất đai, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Công an nhân dân, Luật an ninh quốc gia, Luật cư trú, Luật lý lịch tư pháp. Tham gia hoạt động giám sát thi hành pháp luật được thực hiện thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo, tư vấn, bào chữa, tham gia là Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên cấp tỉnh, cấp huyện.
Hội Y dược, Hội Y tế cộng đồng, Hội Điều dưỡng, Hội Châm cứu, Hội Đông y đã tham gia phản biện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp cơ sở, tham gia góp ý kiến vào Pháp lệnh Y tế, Pháp lệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe các dự án phát triển cộng đồng, các dự án y tế và phòng chống HIV/AIDS và dự phòng bệnh tật, dinh dưỡng và phòng chống thiếu hụt vi chất, cải thiện quan hệ xã hội phục vụ phát triển cộng đồng, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe học đường, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, nước sạch và bảo vệ môi trường, phát triển y học cổ truyền và bảo tồn cây thuốc nam bản địa.
Chi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia phản biện các dự án, áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất trôi trắng Việt Nam, nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh…
Nhìn chung hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội ngành càng rõ nét, có tác dụng mang lại hiệu quả thiết thực, những hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội mang tính độc lập. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn có hạn chế, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức được vai trò của công tác tư vấn, phản biện và chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các Hội hoạt động. Mặt khác, Chính phủ chưa có quy định những loại chương trình, dự án, nhiệm vụ nào bắt buộc phải có ý kiến tư vấn độc lập của các tổ chức xã hội, các tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có Liên hiệp Hội và chưa thực tin cậy giao nhiệm vụ này cho các Hội. Nhiều Hội được thành lập hoạt động chủ yếu bằng kinh phí đóng góp của thành viên nên kinh phí hoạt động rất eo hẹp; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, thiếu tính chủ động, chưa năng động nên nhiều Hội thành viên chưa thực sự chủ động tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Thực tế Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tại các tỉnh, thành rất khó thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, do: các cơ quan khác không tin tưởng để giao vấn đề, dự án… phản biện, không đủ nhân lực có năng lực chuyên môn để phản biện và kinh phí cho phản biện quá thấp.
Những thuận lợi:
- Hoạt động xã hội, hoạt động nghề nghiệp được tôn trọng và khuyến khích phát triển; các Hội được quyền chủ động trong xây dựng và triển khai thực hiện.
- Liên hiệp Hội có thể huy động được đội ngũ chuyên gia uy tín trong và ngoài tỉnh, giàu kinh nghiệm, là những người tiêu biểu trong lĩnh vực đang làm. Họ mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước và xã hội với kinh nghiệm nhiều năm công tác và điều quan trọng là họ làm việc không vì mục đích lợi nhuận nên hết sức khách quan và vô tư.
Những khó khăn, hạn chế tồn tại:
- TV, PB&GĐXH mang tính độc lập là loại hình hoạt động còn mới mẻ. Do vậy Liên hiệp Hội còn lúng túng về phương thức hoạt động.
- Việc phản biện các chương trình dự án là hoàn toàn tự nguyện do vậy việc yêu cầu phản biện là do bên thực dự án chủ động.
Nguyên nhân những khó khăn:
Thực tế hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội ở địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của các cấp, các ngành; do năng lực và tổ chức của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở địa phương; thiếu đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn.
Chưa có quy định pháp luật bắt buộc phải có TV, PB&GĐXH độc lập trước những quyết định lớn về quy hoạch, đầu tư và phát triển, xây dựng chính sách… nên việc triển khai vẫn còn lúng túng, khó khăn, tư vấn, phản biện, giám định xã hội mang tính chất tư vấn để người quyết định nghiên cứu, xem xét, không bắt buộc phải thực hiện theo ý kiến đó.
Trong thực tế cũng có những trường hợp ý kiến phản biện được chấp nhận, nhưng cũng có trường hợp không được chấp nhận hoặc được chấp nhận nhưng khi thực hiện lại không thực hiện theo đó.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của cơ quan nhà nước chưa cao.
Điều kiện kinh phí để tổ chức tư vấn, phản biện giám định xã hội còn chưa được quy định cụ thể, còn hạn hẹp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên, Liên hiệp hội đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng và năng lực thực hành ở địa phương, hỗ trợ các chuyên gia để tham gia thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Liên hiệp hội tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với VUSTA để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ có tính chất liên ngành, liên vùng.
- Liên hiệp Hội và các Hội thành viên cần có những cơ chế phối hợp với nhau để có kế hoạch tập hợp các chuyên gia uy tín trong và ngoài hệ thống Liên hiệp Hội vốn là thế mạnh của Liên hiệp Hội để thực hiện nhiệm vụ này một cách độc lập, khách quan có chất lượng cao. Cần xây dựng khu tư liệu liên quan đến tư vấn, phản biện và giám định xã hội và lập danh sách các chuyên gia có thể huy động vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội.
Một số kiến nghị về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Đề nghị UBND tỉnh Ban hành quy định về các loại đề án, chương trình phải có ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Xác định nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội mang tính chiến lược và đưa vào chương trình kế hoạch nhiệm vụ của tỉnh hàng năm.
Có nguồn kinh phí cho nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội được phân ra:
- Hàng năm, UBND tỉnh phê duyệt việc tạm cấp kinh phí cho Liên hiệp Hội tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở, ban, ngành tăng cường liên kết, đặt hàng với Liên hiệp Hội tham gia ý kiến đối với các dự án, đề tài.