Vốn xã hội và quan hệ học
Năm 1993 sau khi cuốn Làm cho dân chủ thực hiện (Making democracy work) ra đời, Ngân hàng thế giới phải tổ chức một uỷ ban nghiên cứu vấn đề này. Cuối các năm 1990 tổ chức OECD họp một hội nghị, ra báo cáo Phúc lợi của các nước và bắt đầu nghiên cứu việc đo lường vốn xã hội. Vậy vốn xã hội là gì? Đây là vấn đề mà gần đây một số báo chí nước ta đã đề cập đến, nhưng tôi thấy có nhiều người viết nhận thức chưa chính xác, thậm chí hiểu sai nội hàm của vấn đề. Vì vậy xin được trình bày lại xuất xứ của vấn đề một cách vắn tắt.
Câu chuyện bắt đầu bằng công trình của Putnam “ Làm cho dân chủ thực hiện” (1993) nói về những nhân tố làm cho các thể chính trị có hiệu quả. Đây là kết quả nghiên cứu về thể chế của 20 vùng trong nước Italia. Các vùng phía Bắc có sự phát triển hiệu quả, năng động và đáng tin cậy hơn các vùng phía Nam không phải vì có của cải, vì xu hướng chính trị, vì dân số hay địa lý, mà do công dân tham gia vào hoạt động công dân, tham gia vào các hội hè (đồng ca, văn học, đá bóng), quan tâm đến các việc công như đọc báo nhiều, tham gia bầu cử; trong lúc ở phía Nam đời sống xã hội vô cảm, về chính trị thì dân tuý và tham nhũng, Như vậy chất lượng về dân chủ bắt nguồn từ sự năng động có từ thời Trung đại. Để giải thích sự năng động ấy Putnam đưa ra một lý thuyết về các hội (mạng lưới) trong đó nhân dân tin tưởng nhau, hợp tác với nhau để đạt được mục đích chung. Putnam định nghĩa Vốn xã hội là các nét đặc biệt của các tổ chức xã hội, như sự tin nhau, tiêu chuẩn, mạng lưới có thể nâng cao hiệu quả của xã hội làm dễ dàng các hoạt động hợp tác. Có những mạng lưới ngang trong đó có vốn xã hội nhiều hơn, các tác nhân bình đẳng với nhau và các mạng lưới dọc trong đó các mối quan hệ hoạt động theo nguyên tắc trên dưới, quyền lực.
Thực tế thì vốn xã hội không phải là cái gì mới trong xã hội học. Nhà nhân học Durkheim cho rằng sự liên hệ với một cộng đồng là thuốc giải độc chống sự vô tổ chức và tự huỷ hoại của xã hội. P.Bourdieu (1980), nhà xã hội học Pháp cho rằng “Vốn xã hội là toàn bộ các nguồn lợi hiện có hay tiềm ẩn có quan hệ với việc có một mạng lưới lâu bền các mối quan hệ ít nhiều được thể chế hoá về hiểu nhau và công nhận nhau, hay nói cách khác là việc thuộc về một nhóm gồm các tác nhân không những có các đặc tính chung mà cả các mối quan hệ thường trực và có ích”. Bourdieu cho rằng có 3 loại vốn: vốn kinh tế, vốn văn hoá và vốn xã hội. Trong vốn xã hội nhấn mạnh tính giai cấp (đối kháng và quyền lực), là các mối quan hệ làm tăng khả năng của một tác nhân tăng lợi ích của họ. Vốn xã hội là nguồn lợi của các hội tự nguyện tạo ra. Vốn xã hội có tính chất tượng trưng và tạo ra một vốn tượng trưng. Giáo dục là sự trùng nhau giữa vốn văn hoá và vốn xã hội.
Coleman, giáo sư đại học Chicagô (1990) cho rằng “ Vốn xã hội được định nghĩa do các chức năng, không phải chỉ là một thực thể mà là gồm nhiều thực thể có đặc tính chung: chúng là các khía cạnh khác nhau của cấu trúc xã hội làm dễ dàng hành động của các tác nhân trong cấu trúc ấy”. Theo Coleman thì vốn xã hội có thể có 3 hình thức: 1) là nghĩa vụ và sự mong đợi phụ thuộc vào tính đáng tin của môi trường xã hội, 2) khả năng thông tin chạy trong cấu trúc xã hội để cung cấp cơ sở cho hành động và 3) sự có mặt của các tiêu chuẩn kèm theo sự trừng phạt.
F. Fukuyama (1995) lại cho rằng “ Sự tin nhau là đức tính xã hội tạo ra sự giàu có”. Theo tác giả thì Đức, Nhật Bản và gần đây Hoa Kỳ có lòng tin nhau cao nên kinh tế phát triển nhanh; trong lúc Nam Italia, Pháp, cộng đồng da đen ở Mỹ thiếu đức tính này nên ít thành công trong kinh doanh. Sự tin nhau cho phép nhân dân hợp tác với nhau, tạo ra vốn xã hội.
Năm 1995 Putnam viết bài báo “ Chơi bowling một mình: sự suy thoái vốn xã hội ở Mỹ”. Sự suy thoái của vốn xã hội biểu hiện ở chỗ các hội quần chúng giảm số hội viên. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là truyền hình, làm giảm thời gian để giao tiếp, tiền nhiều (do phụ nữ cũng đi làm), dân số di chuyển nhiều (làm mất các mối quan hệ địa phương) và sự thay đổi thế hệ về giá trị, nhóm công dân, tổ chức tôn giáo, công đoàn và tổ chức nghề nghiệp, cũng như các tổ chức xã hội phi hình thức tôn giáo, quan hệ làm việc, tính chan hoà, tính tự nguyện, tính thương người, sự có đi có lại, tính đáng tin, và sự tin nhau, tìm các nguyên nhân suy thoái và xét tác dụng của vốn xã hội trong các lĩnh vực khác nhau (giáo dục, phúc lợi của trẻ em, trật tự công cộng và an ninh, phong phú về kinh tế, sức khoẻ, hạnh phúc, dân chủ). Putnam phân biệt liên kết (bonding) vốn xã hội là trong các nhóm bà con, bạn bè, thân hữu dân tộc, tôn giáo, và bắc cầu (brigding) để chỉ mối quan hệ giữa bạn bè ở xa, đồng nghiệp, người cộng tác.
Thời gian qua, ngoài vốn vật lý đã thêm khái niệm vốn con người. Vốn xã hội là các thay đổi trong quan hệ giữa các con người để làm dễ dàng sự hoạt động. Vốn xã hội thường biểu hiện trên các mặt sau:
- Các đặc trưng của tổ chức xã hội như sự tin tưởng lẫn nhau, các tiêu chuẩn và các mạng lưới có thể cải tiến hiệu quả của xã hội do làm dễ dàng các hoạt động phối hợp.
- Sự mạo hiểm của hợp tác: một nhóm người thấy có lợi nếu làm chung một việc gì đấy. Họ đồng ý với nhau về một số quyền lợi và nghĩa vụ chung. Họ đồng ý chia sẻ lợi và gánh nặng của việc quản lý chung một nguồn lợi chung, hay một hành động tập thể, hay một sự trao đổi của một hoạt động mua bán cùng làm đồng bộ.
- Sự thoả thuận với nhau: thường trong một cuộc thoả thuận có ba trường hợp:
1.Do áp lực bên ngoài,
2.Do có sự tin cậy lẫn nhau,
3.Do có áp lực lẫn nhau.
Các chuẩn mực mà trong mọi hoạt động tập thể mỗi người cần tuân thủ và danh tiếng chung của cả nhóm cần coi trọng.
Vốn xã hội là các thể chế, quan hệ và tiêu chuẩn quyết định số lượng và chất lượng của các tương tác xã hội của xã hội.
Vốn xã hội bao gồm:
1.Vốn hình thức: khuynh hướng công dân của các thành viên của xã hội, các quy tắc xã hội thúc đẩy hành động tập thể và mức độ tin nhau trong các thể chế công cộng.
2.Vốn phi hình thức: đầu tư của cá nhân trong thể chế công cộng.
Vốn xã hội tập trung vào các nhân tố tăng và cải tiến hợp tác. Các vấn đề quan trọng là các quy tắc về ứng xử, mạng lưới duy trì các quy tắc ấy, sự tin tưởng giữa các thành viên của xã hội. Là tay nghề của nhân dân làm việc chung vì một mục đích chung thành nhóm và tổ chức.
Theo R. S. Burt (2000) thì vốn xã hội có cấu trúc mạng lưới. Đặc điểm của các nước Đông Á là chủ nghĩa tư bản mạng lưới. Các mạng lưới này dựa trên gia đình mở rộng, cộng đồng dân tộc thúc đẩy sự tin nhau, chi phí trao đổi thấp, trao đổi thông tin và sáng tạo nhanh. Hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ đang thiếu vốn xã hội nghiêm trọng.
Tác dụng chủ yếu của vốn xã hội là giáo dục phi hình thức: nhóm, câu lạc bộ, tổ chức.
Theo Putnam thì vốn xã hội quan trọng vì:
- Cho phép các công dân giải quyết những vấn đề tập thể,
- Bôi trơn cho “bánh xe” cộng đồng tiến tới một cách trơn tru,
- Cải tiến số phận của chúng tôi bằng cách mở rộng hiểu biết trên nhiều cách mà số phận chúng tôi có quan hệ.
Cái lợi do vốn xã hội mang lại:
- Sự phát triển của trẻ em phụ thuộc vào sự tin nhau, mạng lưới, tiêu chuẩn qua lại trong gia định, nhà trường, cộng đồng.
- Ở các nơi công cộng sạch sẽ, người với người thân thiện, đường phố an toàn.
- Xã hội phát triển nhanh hơn, các cản trở dễ tháo gỡ.
- Sức khoẻ được cải thiện.
- Các xí nghiệp và tổ chức có hiệu quả hơn, chi phí thay người ít hơn, hành động đồng bộ vì hiểu nhau hơn.
Vốn xã hội cao thúc đẩy tốc độ phát triển:
- Đối với các cộng đồng nông thôn nguồn lợi cộng đồng cần cho sự phát triển.
- Cụm công nghiệp do vốn xã hội xây dựng nên, tạo ra thuyết tăng trưởng mới. Các nước xã hội chủ nghĩa cũ thiếu vốn xã hội nên gặp khó khăn trong sự phát triển.
Vấn đề vốn xã hội có thể áp dụng trong việc nghiên cứu các thể chế kinh tế và xã hội như mạng lưới thị trường, hợp tác xã, quản lý nguồn lợi chung, tín ngưỡng, văn hoá.
Khái niệm vốn xã hội rất bổ ích trong việc phát triển địa phương.
Thực ra thì đối với các nước Đông Á vốn xã hộ không phải là một khái niệm mới. Ở Trung Quốc có một khái niệm tương tự gọi là “quan hệ” đã có từ lâu và đã được nghiên cứu nhiều.
Năm 1944 nhà xã hội học Mỹ gốc Hoa, Mayfair Yang Mei Hui viết một cuốn sách nhan đề Quà cáp, ân huệ và tiệc tùng, trong đó bà đưa ra một môn học mới gọi là Quan hệ học. Theo tác giả sự trao đổi quà cáp, ân huệ và tiệc tùng là biểu hiện của quan hệ, là việc xây dựng các mối liên hệ cá nhân, các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau và tạo nên nghĩa vụ, sự mang ơn. Quan hệ học được coi như nghệ thuật xây dựng quan hệ cá nhân (Yang, 1994).
Trong nghệ thuật của quan hệ có ba yếu tố: đạo đức, chiến thuật và xã giao, đan xen với nhau. Quan hệ được xây dựng trên sự “thân thiết”. Sự thân thiết dựa trên hai yếu tố: tin tưởng lẫn nhau và biết ơn. Sự thân thiết dựa trên tình bạn, họ hàng, hàng xóm, cùng quê và do việc chia xẻ một bản chất giống nhau của cái “đồng”: đồng hương, đồng học và đồng nghiệp. Mối quan hệ trên dưới như quan hệ thầy - trò. Trong dân gian khái niệm “nghĩa khí”, ý muốn vượt qua bất chấp rủi ro và hy sinh quyền lợi cá nhân để giữ quan hệ với người khác, đi đôi với tình bạn. Quan hệ còn dựa trên “cảm tình” là tình cảm giữa cha và con, vợ và chồng, bà con thân, bạn thân, thầy và trò. Đối với những người không có cảm tình thì có nguyên tắc “nhân tình” là khái niệm về sự có đi có lại, nghĩa vụ, sự mang ơn. Chính quà cáp phát triển nhân tình. Khái niệm “sĩ diện” là cơ chế quan trọng bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ và sự có đi có lại (Yang,1994).
![]() |
Quán bia không phải chỉ là nơi ăn nhậu, mà còn là nơi gặp gỡ và trao đổi công việc. |
Ở Trung Quốc thường dùng quan hệ để đạt vị thế (status), quyền lực và nguồn lợi (Walder, 1996). Quan hệ là nguồn lợi kinh doanh xã hội quan trọng nhất của người Trung Quốc. “Trung Quốc là đất của quan hệ và không có gì có thể làm nếu không có quan hệ” (Ju, 1995).
Tsang (1999) cho rằng các thành viên của một tổ chức có quan hệ và đấy là nguồn lợi con người của tổ chức. Nguồn lợi ấy đóng góp vào ưu thế cạnh tranh, có giá trị, hiếm và khó bắt chước đúng. Đi đôi với cơ sở pháp lý, quan hệ là cách phổ biến nhất để đạt ân huệ từ các quan chức kiểm soát các nguồn lợi hiếm.
Việc có tham nhũng làm cho người ta nghĩ rằng hối lộ là cách nhanh nhất để có quan hệ. Do đấy có thể nghĩ rằng quà biếu và tiệc tùng là thành phần của quan hệ. Chú ý rằng quan hệ không phải là tương đương với tham nhũng (Ambler, 1994). Người Trung Quốc cho rằng quà cáp là tự nhiên trong mọi liên hệ, là một cách để biểu hiện kính trọng và vinh dự với người khác (Steidlmeier, 1999).
___________________
Thư mục sách dẫn
- Ambler, T., “Marketing’s third paradigm: quanxi”. Business Strategy Review, 5(4). 1994: 69-80.
- Bourdieu P., The forms of capital. Handbook of theory and reswarch for the sociology of education, Ed. J. Richardson, Greenwood, NY. 1980: 241-58.
- Coleman J. S., Social capital in the creation of human capital, Social capital, A multifaceted Prespective, Ed. P. Dasgupta, I. Serageldin, The Free Press, NY, 1995.
- Fukuyama F., Trust: the social values and the creation of prosperty. The Free Press, NY, 1995.
- Ju, Y. Communicating Change in China, State University of New York Press, New York, 1995.
- Putnam R., Making the democracy work: Civic tradition in modern Italy . Princeton Univ. Press, 1993.
- Putnam R., Bowling alone: The collapse and revivel of americancommunity, Simmon and Schuster, NY, 2000.
- Social capital, A multifaceted Perspective, Ed. P. Dasgupta, I. Serageldin, The world Bank, Washington D. C., 2000.
- Steidlmeier, P. (1999), “Gift Viving, Bribery and Corruption: Ethical Management of Business Relationships in Chine”. Journal of Business Ethics, 20, 121-131.
- Tsang, E. W. K (1999), “Can Guanxi be a Source f Sustained Cometitive Advantage for Doing Business in chine?” Academyof ManagementExecutive, 12(2), 64 – 73.
- Walder, A. G., China ’s Transitional Economy. Oxford University Press, England, 1996.
- Yeung, M. Y. I., and Tung, L.R., “Achieving Business Success in Confucianism Societies: The Importace of Guanxi (Connections)”, Organizational Dynamics, Vol. 25 (2), 1996; 54 – 66.
- Yang, Mayfair Mei - hui, Gigts, Favors, and Banquets: The Art of Social Relationships in China, Ithaca : Comell University Press, 1994.
Nguồn: Xưa và nay số 269, tháng 10/2006