Vĩnh Phúc: Triển khai Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng
Ngày 7/3, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2023-2024. Dự Hội nghị có các ông bà thành viên Ban Tổ chức, Ban Thư ký Cuộc thi, đồng chí Phan Tuệ Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Phan Tuệ Minh phát biểu chủ trì Hội nghị
Từ năm 2023, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức 2 năm một lần nhằm tạo thuận lợi cho học sinh tham gia sân chơi trí tuệ, vừa đảm bảo kế hoạch học tập, đồng thời có đủ thời gian nghiên cứu, tư duy đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, đề tài khoa học đảm bảo chất lượng.
Ngay sau khi có Quyết định thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi, Thường trực Ban tổ chức Cuộc thi có văn bản phát động tới tất cả các nhà trường ở các cấp học (tiểu học, trung học, các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề, các trường Đại học) trên địa bàn tỉnh về thể lệ cuộc thi, thời gian triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Sau gần 1 năm tuyên truyền, phát động Cuộc thi. Từ 01/4 - 15/5/2024, Ban Tổ chức chính thức thu nhận hồ sơ dự thi và tiến hành các bước: Tổng hợp, sàng lọc, phân loại các đề tài, các sản phẩm sáng tạo khoa học theo lĩnh vực chấm thi; thành lập Hội đồng Giám khảo, các ban chấm thi theo lĩnh vực, nhóm lĩnh vực. Chấm thi, xét kết quả, tổ chức tốt cho các tác giả đạt giải cao tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024.
Để cuộc thi đạt chất lượng tốt, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đề nghị cơ quan Thường trực Ban tổ chức cuộc thi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên trong Ban Tổ chức Cuộc thi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nhà trường, cơ quan đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để thanh thiếu niên, nhi đồng có đề tài, sản phẩm khoa học tham gia cuộc thi; phối hợp, đề xuất, lựa chọn cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn, phù hợp lĩnh vực, chuyên ngành, có kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm chấm thi trong và ngoài tỉnh, các tổ chức giáo dục đại học đóng trên địa bàn tỉnh để tham gia Hội đồng Giám khảo và tổ chức chấm thi có chất lượng, đảm bảo tính độc lập, khách quan, chính xác. Chủ động giải quyết, hoặc đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, những khó khăn tổ chức cuộc thi trong thời gian tiếp theo…