Vĩnh Phúc: Phát triển nông nghiệp hữu cơ – triển vọng và thách thức
Ngày 22/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - triển vọng và thách thức”.
Dự Hội thảo có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Ngô Chí Tuệ, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và các nhà khoa học, quản lý thuộc lĩnh vực nông nghiệp và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩn nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Quang cảnh hội thảo
Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.838 ha rau quả, rau ăn lá sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ tại 71 xã, phường, thị trấn; Thực hiện mô hình hữu cơ, theo hướng hữu trên cây ba kích với tổng diện tích 3 ha; liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng với diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; trồng nho Hạ đen với diện tích 2 ha tại huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh như thanh long ruột đỏ; rau su su; lúa gạo, chăn nuôi lợn thịt và chăn nuôi gà thịt.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt.Qua đó giúp các hộ nông dân nắm được quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác hữu cơ, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc; đồng thời nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất hữu cơ. Đặc biệt là chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ cao, chưa có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận; người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác…
Tại hội thảo, có 8 ý kiến tham luận tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Nguồn lực, tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh; về cơ chế chính sách; khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Vấn đề đào tạo nghề, hỗ trợ cho người sản xuất vay vốn và phân khúc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường; về chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh; đầu vào, đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Các ý kiến tham luận đã phản ánh thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; những thuận lợi, khó khăn, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023-2025; vấn đề quy hoạch, sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp hữu cơ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ; sự đồng hành, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của các doanh nghiệp với bà con nông dân. Qua đó góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.