Vĩnh Phúc: Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu
Ngày 3/11, tại Vĩnh Phúc, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tố chức Hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đ/c Phan Tuệ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh,Chủ tịch Hội đồng Tư vấn phản biện chủ trì Hội thảo
Trước khi vào Hội thảo, các đại biểu đã đi khảo sát thực địa tại Khu di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Di tích Đồng Đậu phân bố trên gò Đồng Đậu, thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc được phát hiện vào tháng 2 năm 1962 do các cán bộ của Ty Văn hoá Vĩnh Phú và Đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hoá (nay thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) theo sự chỉ dẫn của nhân dân. Từ khi được phát hiện tới nay, di tích Đồng Đậu đã được các cơ quan nghiên cứu khảo cổ khai quật 7 lần. Ngoài ra, cán bộ của các cơ quan nghiên cứu còn tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát tại di tích. Qua những lần khai quật nhiều loại hình di tích và hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy bao gồm đồ gốm, đồ đá, xương, sừng và đồng, đã trở thành nguồn sử liệu quan trọng về thời kỳ dựng nước, minh chứng cho một kiến giải hợp lý trong quá trình dựng nước của dân tộc ta - từ miền núi tiến về đồng bằng, từ du canh du cư của từng bộ lạc đến định canh, định cư với những xóm làng.
Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu luôn được tỉnh và các cơ quan chuyên môn Trung ương quan tâm, bảo vệ được gần như nguyên vẹn. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di tích được chú trọng thông qua các hoạt động phối hợp có hiệu quả trong công tác nghiên cứu, khai quật giữa tỉnh và các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế như: Công tác quản lý di tích vẫn còn một số bất cập trong khoanh vùng bảo vệ di tích, việc xây dựng và xâm hại đến tầng văn hoá của di tích vẫn còn; việc bảo quản các hố khai quật chưa được khoa học. Công tác phát huy giá trị di tích chưa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Vì vây, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu tương xứng với giá trị của di tích.
Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng và có tính thực tiễn cao: Để đề án có tính khả thi cần rà soát tổng thể thực trạng của di tích để có phương án đánh giá cụ thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu, đưa nơi đây thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về di tích cho cán bộ văn hóa cơ sở; chủ động xây dựng các hoạt động giáo dục trải nghiệm về văn hóa lịch sử địa phương gắn với di tích để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đồng Đậu. Đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống các điểm, khu di tích đặc trưng, tiêu biểu thành "bảo tàng ngoài trời", quần thể công trình quy mô lớn để hình thành Di tích Đồng Đậu là sản phẩm văn hóa - du lịch mang tính đặc trưng, thương hiệu về du lịch văn hoá cội nguồn, tâm linh, tạo sự đột phá, sức hấp dẫn nhân dân và du khách trong và ngoài nước…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Tuệ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; giao Thư ký Hội đồng tư vấn phản biện tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện đề án đảm bảo yêu cầu đặt ra.