Về tấm biển Tiết hạnh khả phong
Đây là một cổ vật chất liệu bằng gỗ có chiều dài 1m, rộng 50cm, dày 5 - 10cm. Biển có trang trí hoa văn cúc dây trên gờ nổi, ở trung tâm biển khắc 4 chữ Hán lớn, dạng thể chân: Tiết Hạnh Khả Phong. Phía dưới tấm biển khắc chìm dòng chữ Hán, có nội dung: xã Khúc Phụ, tổng Thổ Bình, Châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (ngày nay là xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa) có người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Ninh có đức hạnh danh thơm gần xa, được ban tặng và khen ngợi danh thơm tiếng tốt để làm gương cho lớp hậu thế. Phía bên trên tấm biển có khắc dòng chữ ghi niên đại của tấm biển: Khải Định năm thứ 3 (1918) vào ngày tốt phong tặng. Các chữ trên biển đều được mạ vàng.
Tiết Hạnh Khả Phong (đại ý: đức hạnh có thể lan truyền như gió thổi) là danh hiệu dành cho người phụ nữ nhằm vinh danh công lao và đức hạnh của họ trong xã hội phong kiến. Đó thường là những mẫu hình người vợ có chồng hy sinh trong chiến trận, còn trẻ nhưng không tái giá mà thờ chồng nuôi con thành đạt, những người phụ nữ đã mất chồng nhưng có nhiều đóng góp cho cộng đồng, được nhân dân, cộng đồng tôn sùng, ngưỡng mộ và được Hoàng hậu đương triều đích thân phong tặng danh hiệu kèm theo một bản sắc vào một ngày hỷ của hoàng cung (sinh nhật Hoàng hậu, khánh tiết đăng cơ…) theo sở trình của quan địa phương. Chủ nhân được phong tặng trong tấm biển là bà Nguyễn Thị Ninh, vợ của quan thổ ty Ma Doãn Giảo vùng đất Chiêm Hóa.
Theo những tài liệu lịch sử và dân gian thì cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, châu Chiêm Hóa (nay là huyện Chiêm Hóa) là vùng đất thuộc quyền thế tập của dòng họ Ma Doãn. Khoảng giữa thế kỷ XIX, khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (ở Trung Quốc) của Thiên vương Hồng Tú Toàn nổi lên chống triều đình phong kiến nhà Thanh và tư bản phương Tây không thành, một bộ phận nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc do Lưu Vĩnh Phúc đứng đầu đã phiêu dạt đến vùng biên giới Việt - Trung. Lúc đầu, bộ phận này cướp bóc và quấy nhiễu vùng biên giới gây ra thảm kịch đau thương cho nhiều hộ dân ở vùng biên giới. Ma Doãn Giảo bấy giờ là quan thổ ty sở tại, ông đã lãnh đạo quân dân trong vùng chống lại sự cướp phá của tàn quân Lưu Vĩnh Phúc. Đạo quân của ông đã tấn công nhiều trận và giành thắng lợi đóng góp quan trọng vào sự thắng lợi của chính quyền nhà Nguyễn trong việc bình ổn biên cương. Trong một cuộc truy đuổi giặc lên vùng biên giới, ông đã tử trận. Người vợ ông là bà Nguyễn Thị Ninh thủ tiết thờ chồng, nuôi các con khôn lớn, nổi tiếng về sự đức hạnh nên đã được Hoàng hậu nhà Nguyễn ban cấp sắc phong biển Tiết Hạnh Khả Phong.
Ma Doãn Giảo là vị quan đồng thời là một tướng quân có phát tích từ thôn Bản Cuống, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, ông là người có tài trí và được nhân dân yêu mến. Sau khi mất, (tài liệu dân gian cho rằng ông mất ở tuổi 40 trong trận truy kích giặc lên Lạng Sơn) thi hài ông được đưa về quê nhà an táng trên khu đồi tại xã Thổ Bình. Ngày nay, tại nơi đây còn nhiều phần mộ của các vị tướng lĩnh theo ông trong cuộc chiến đấu tại quê hương, vùng quê hương ông hiện vẫn còn đền thờ ông đặt ở lưng chừng dãy núi Đền, thôn Bản Cuống, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Triều đình nhà Nguyễn phong tặng nhiều danh hiệu tướng quân cho ông và các vị tướng theo ông. Ông còn được nhân dân tôn xưng là Trung Chính Đại Vương, được dựng miếu thờ ở nhiều nơi và được đưa vào đền Bách Thần (thị trấn Chiêm Hóa) để phụng thờ. Gia đình hậu duệ của ông là ông Ma Doãn Sồng được thờ cúng ông và được chọn là nơi cúng lễ đưa ra chân cột còn hành lễ trong hội Lồng tông (3 - 1 Âm lịch) tại xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa.
Tấm biển Tiết hạnh khả phong là một hiện vật không những mang giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn, hàm chứa những giá trị nhân phẩm con người, đặc biệt đề cao phẩm hạnh, vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũ nhất là trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc phát hiện tấm biển Tiết Hạnh Khả Phong tại thôn Nà Ca, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang không chỉ là phát hiện có tính địa phương mà còn là phát hiện mang ý nghĩa quốc gia, nó càng có giá trị hơn bởi người được phong là một phụ nữ dân tộc Tày, vợ của một vị quan thổ ty tại vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc tại thời điểm đó.