Văn học dân gian và tình yêu say đắm...
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, làng tôi lập một thư viện do cha tôi phụ trách. Sách báo do nhiều người đóng góp. Người có báo góp báo. Người có sách góp sách. Thầy giáo Đạt góp nhiều nhất. Đủ các loại sách báo. Một hôm, lục được cuốn "Hát dặm Nghệ Tĩnh" của Nguyễn Đổng Chi, tôi giữ làm của riêng cho đến tận bây giờ.
Tôi mê nhất hai chương "Các tay bẻ chuyện" và "Các bài hát dặm vè". Nhiều mẩu chuyện và nhiều bài dặm vè trong này tôi đã từng được nghe những người lớn tuổi trong làng kể và hát. Bây giờ được đọc lại một cách đầy đủ, tôi nhớ lại cảm giác hồi ấy là rất sung sướng như đi đường nhặt được ngọc.
Tình yêu ban đầu thật là kỳ lạ. Vốn đã mê những câu hát dân gian, vớ được cuốn này tôi càng mê hơn. Lớn lên, trong những dịp công tác, đạp xe đi lang thang dọc miền sông La, sông Lam, tôi thấy cô gái nào cũng là o Tộ, chàng trai nào cũng là Nhiêu Ngọ như Nguyễn Đổng Chi đã kể trong chương "Các tay bẻ chuyện" đã trở thành giai thoại.
Năm 1962, tôi gửi cho Nhà xuất bản Văn học một tập “Vè Nghệ Tĩnh”. Ông Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Tất Thứ cùng làm, vì hai ông chắc có nhiều tư liệu về vè. Tôi mừng quá, được làm việc với hai bậc cao niên có nhiều kinh nghiệm về sưu tầm và biên soạn.
Lần gặp ông Nguyễn Đổng Chi đầu tiên, tôi đưa cho ông xem tập "Hát dặm Nghệ Tĩnh" của ông in năm 1943. Ông không bộc lộ thái độ vồn vã, mà ngồi im lặng, cầm cuốn sách, lật giở từng trang giấy dó ố vàng, gương mặt đượm niềm vui xúc động thầm kín. Một lát sau, ông nói nhỏ nhẹ: "Anh giữ cho đến được bây giờ, quý quá"...
Ông rất ít nói. Dường như những người viết nhiều thì nói ít. Suốt trong thời gian cùng làm tập vè, chẳng mấy khi ông nói chuyện. Làm được chừng nào tôi đưa cho ông chừng ấy. Rồi ông lại cầm đến tận nhà tôi. Trên trang bản thảo, ông sửa chữa tỉ mỉ các dòng ghi chú về kiến thức và câu chữ. Ông không sửa bằng bút bi, càng không sửa bằng mực đỏ, mà bằng bút chì. Trong túi ông luôn giắt chiếc bút bi và chiếc bút chì vót nhọn. Trước mặt tôi, khi cần sửa gì thêm thì ông rút bút chì đánh dấu mờ bên lề.
Tôi cảm nhận ở đây một thái độ thật là khiêm tốn - càng có văn hóa cao thì càng khiêm tốn. Trong thời gian làm tập “Vè Nghệ Tĩnh”, tôi học được ở ông rất nhiều về phương pháp khoa học khi biên soạn một cuốn sách.
Qua một vài lần gặp, tôi hoàn toàn tin cẩn ông, con người giản dị, khiêm tốn, trung thực - đức tính cần thiết đối với người làm khoa học. Những người làm công tác sưu tầm, khi chưa công bố tư liệu trên sách báo, thường giữ rất kín. Nhưng đối với ông, tôi sẵn sàng cung cấp tư liệu khi ông cần. Biết ông đang chuẩn bị làm tập “Ca dao Nghệ Tĩnh”, tôi đưa ông tất cả ca dao tôi sưu tầm được. Biết ông đang bắt tay soạn lại cuốn "Hát dặm Nghệ Tĩnh" cùng với Ninh Viết Giao, tôi đưa ông tất cả những gì tôi có: những bài dặm vè và những mẩu chuyện về "các tay bẻ chuyện".
Khi biên soạn xong cuốn "Về làng Hậu Luật", tôi đưa cho ông bản gốc chép tay. Đọc xong, ông đến nhà tôi nói: "Tập vè quý lắm. Nhưng tình hình in ấn bây giờ rất khó khăn. Hay là anh bán cho Viện Văn hóa dân gian để cất vào kho tư liệu, khi nào có điều kiện sẽ in".
Thấy thái độ quá chân thành của ông, tôi nói: "Tôi không chuyên công tác sưu tầm. Làm việc này chẳng qua là tôi muốn giữ lại cái vốn văn hóa của làng xóm. Bác cần dùng cho cuốn sách nào bác cứ rút ra. Chứ mua bán gì việc này...".
Tiếp thu được hai dòng văn học bác học và văn học bình dân của quê hương, Nguyễn Đổng Chi đã tích lũy cho mình một vốn kiến thức dồi dào. Ngòi bút ông xông xáo trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, nghiên cứu văn học, sử học, khảo cổ học, dân tộc học. Năm 21 tuổi, ông đã viết cuốn truyện "Yêu đời".
Năm 22 tuổi, viết cuốn phóng sự "Túp lều nát". Tiếp sau đó, ông lần lượt công bố các trước tác: "Mọi Kon Tum", "Việt Nam cổ văn học sử", "Lược sử các cuộc cách mạng trên thế giới", "Lược khảo thần thoại Việt Nam", "Gặp lại người bạn nhỏ", "Nguyễn Trãi, nhà văn học và chính trị thiên tài";... và nhiều trước tác chưa công bố: "Đào Duy Từ", "Lịch sử phong trào nông dân thời Trung đại", "Từ điển thư tịch Hán Nôm", "Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian"...
Phần đóng góp đáng kể của ông vào nền học thuật nước nhà là văn hóa dân gian, trong đó nổi trội hơn là văn học dân gian.
Nguyễn Đổng Chi đã thầm lặng say mê đến cuồng nhiệt để lặn mò từng hạt ngọc trai trong biển cả dân gian còn hoang vắng. Càng ngược về ngọn nguồn dân gian ông càng phát hiện ra cái đẹp long lanh của sự sáng tạo kỳ diệu còn bị vùi lấp trong cát sỏi. Là một trong những người khai sáng khoa học Folklore nước nhà, ông tự mày mò thu lượm, mày mò sắp xếp, để tạo ra những cái ô tri thức như những ô thuốc Bắc, ô nào cũng đầy ắp hương vị bổ ích.
Không những ông trân trọng thu nhặt từng mảnh ngọc vỡ, mà còn chi chút thu vét từng hạt bụi ngọc. Những ngày được gần gũi ông để làm sách, tôi mường tượng ông như một người nông dân giữa ngày mùa gặt hái vẫn vốc từng nắm bùn để nhặt lấy vài ba hạt thóc rơi rụng. Làm xong cuốn sách, ông giữ lại cẩn thận những gì chưa dùng đến: một mẩu tư liệu, một câu ca, một đoạn vè...
Trong số vè tôi sưu tầm được, có bài "Đồng Mờm súng bắn cò bay" nói về một trận đánh của nghĩa quân Cần Vương ở làng tôi (làng Hậu Luật), nhưng chỉ sưu tầm được đoạn đầu.
Mấy lần gặp, ông đều nói: "Trận đánh Đồng Mờm là một trận đánh lớn của nghĩa quân cụ Nghè Ôn. Có được bài vè này thật là quý. Anh quê ở Hậu Luật thì cố tìm mọi cách mà sưu tầm cho trọn bài". Mấy năm sau, gặp tôi, ông còn nhắc lại việc đó và gợi ý: "Một người không nhớ hết thì nhiều người, mỗi người nhớ một đoạn, rồi chắp nối lại. Bài vè của làng anh, nhưng có thể người làng khác huyện khác nhớ, nhất là những nơi có phong trào Cần Vương".
Thấy ông quá chân tình và trân trọng, tôi không nỡ không làm theo lời ông dặn. Và tôi đã đạt được kết quả. Tôi tìm đến tận cùng. Ba cụ già trong làng đọc cho tôi chép từng đoạn rời rạc, tôi lắp ráp lại thành bài.
Năm 1981, trong cuộc hội thảo dân ca Nghệ Tĩnh ở Vinh, tôi lại được một dịp may hiếm có. Cụ Nguyễn Bá Thuyên quê ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành đọc cho cả hội trường nghe một bài vè lịch sử. Trong giờ giải lao, tôi gặp cụ, lân la hỏi chuyện, cụ đọc cho tôi nghe bài "Đồng Mờm súng bay khói bay". Ờ thì ra bài vè mình đang truy tìm suốt mấy năm nay! So với bài mà tôi chép được từ ba cụ già trong làng, thì chỉ giống nhau đoạn đầu, còn cả đoạn dài tiếp sau thì hoàn toàn khác nhau. Khi làm tập "Vè làng Hậu Luật", tôi không cho là dị bản, mà là hai bài với đề mục khác nhau: "Đồng Mờm súng bắn cò bay", "Đồng Mờm súng bắn khói bay".
Với đức tính kiên nhẫn mày mò đúc kết kinh nghiệm, Nguyễn Đổng Chi đã tự xây dựng cho riêng mình một phương pháp khoa học trong sưu tầm và nghiên cứu. Ông đã đạt được hiệu quả cao trên con đường lao động học thuật. Riêng thần thoại Việt Nam, cho đến bây giờ, về khảo sát và nghiên cứu một truyện cụ thể, chưa có cuốn nào vượt được "Người anh hùng làng Gióng" của Cao Huy Đỉnh; về tổng quát, chưa có cuốn nào hoàn chỉnh hơn "Lược khảo thần thoại Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi.
Trong các công trình của ông, đáng lưu ý nhất là "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", một công trình đồ sộ dày gần 2.000 trang. Ông đã bỏ công sức trong 25 năm trời để thu lượm tài liệu và nghiền ngẫm. Phần khảo dị, có nhiều dị bản của các dân tộc thiểu số trong nước và của các dân tộc khác trên thế giới.
Từ những cái cụ thể ấy, cho ta cái nhìn so sánh và sự giao lưu của các nền văn hóa từ thuở nguyên sơ của loài người. Với tuyển tập 594 truyện, ta như bước vào một hang động khổng lồ lộng lẫy màu sắc hồng hoang, trong đó thần phật, ma quỷ, con người cùng chung sống, nương tựa vào nhau, đấu tranh nhau, bật sáng lên những quan niệm về vũ trụ về nhân sinh của người Việt và các dòng tộc anh em.
Không phải tự nhiên mà Nguyễn Đổng Chi có cái tình yêu say đắm thầm lặng ấy. Đã đành truyền thống văn hóa quê hương là yếu tố quan trọng, nhưng đó chỉ mới là tiền đề. Cái chủ quan nội tạng của con người mới là yếu tố quyết định để nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu. Tập phóng sự "Túp lều nát" chẳng là một minh chứng đầu tiên đó sao? Ông thông cảm đến tận cùng cái cơ cực của người dân quê xứ Nghệ che thân bằng váy đụp, áo tơi để chống chọi với gió Lào khô khét và giông bão mù trời.
Từ tình yêu cụ thể ấy, ông phát hiện ra cái trữ lượng văn hóa dồi dào còn ẩn tàng trong tầng lớp dân quê nghèo khổ ngay ở chính vùng quê mình. Và ông bắt tay vào công việc khai thác. Công trình sưu tầm và biên soạn văn học dân gian đầu tiên được công bố là cuốn "Hát dặm Nghệ Tĩnh" (1943). Đến năm 1963, ông trở lại công trình này: Cộng tác với Ninh Viết Giao, cuốn sách dày dặn và hoàn chỉnh hơn nhiều. Trong gần 600 truyện in trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam " thì khoảng một phần tư ông ghi được từ lời kể của nho sĩ và bà con nông dân Nghệ Tĩnh.
Hai "đặc sản" của dân ca Nghệ Tĩnh là hát ví phường vải và hát dặm. Về hát ví phường vải, chưa có công trình nào vượt được "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao (Nhà Xuất bản Nghệ An tái bản năm 1993). Về hát dặm, chưa có công trình nào vượt được "Hát dặm Nghệ Tĩnh" của Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao, phần tiểu luận do Nguyễn Đổng Chi viết gồm toàn bộ tập 1 (thượng) dày 265 trang.
Có thể nói, văn học dân gian Nghệ Tĩnh là điểm xuất phát để Nguyễn Đổng Chi bước vào con đường sưu tầm, khảo sát rộng lớn và vô cùng phong phú kho báu văn học dân gian Việt Nam. Sau gần 50 năm lao động cật lực, ông đã có khối lượng lớn về tư liệu văn hóa dân gian vùng quê mình và nhiều vùng quê khác, bèn bắt tay biên soạn cuốn "Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh". Đây là cuốn địa chí văn hóa dân gian đầu tiên ở nước ta, một cống hiến đáng kể vào khoa học Folklore Việt Nam .
Nguồn: antgct.cand.com.vn (28/03/08)